| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm công nghệ cao đầu tư lớn nhưng hiệu quả xứng đáng

Thứ Năm 05/05/2022 , 08:00 (GMT+7)

Nuôi tôm công nghệ cao giúp chủ động thời vụ, hạn chế dịch bệnh, từ đó nâng cao chất lượng, sản lượng tôm, tối ưu thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Theo ông Đào Xuân Tứ, thôn Tân Hưng 2, xã Nam Thắng (Tiền Hải, Thái Bình), muốn nuôi tôm công nghệ cao thành công phải đảm bảo tôm giống sạch bệnh, nước sạch, đáy ao sạch. Ảnh: TQ.

Theo ông Đào Xuân Tứ, thôn Tân Hưng 2, xã Nam Thắng (Tiền Hải, Thái Bình), muốn nuôi tôm công nghệ cao thành công phải đảm bảo tôm giống sạch bệnh, nước sạch, đáy ao sạch. Ảnh: TQ.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình

Những năm gần đây, người dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã tích cực cải tạo ao nuôi, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, tập huấn kỹ thuật… phát triển nuôi tôm công nghệ cao và bước đầu cho kết quả rất khả quan.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Tiền Hải thông tin: Năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện hơn 5.000ha, sản lượng trên 69.900 tấn (tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước).

Về nuôi tôm, toàn huyện nuôi thả 261 triệu con tôm giống, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng gần 270ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm theo phương pháp công nghệ cao trên 95 ha tập trung tại các xã Đông Minh, Nam Thịnh, Nam Cường, Nam Thắng,…

Theo bà Hồng, nuôi tôm công nghệ cao giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng nhờ vào sự kiểm soát toàn bộ quá trình nuôi, đặc biệt là nguồn nước. Theo đó, hệ thống nuôi tôm công nghệ cao là sự kết hợp, bố trí khoa học giữa ao nuôi chính và các ao nuôi phụ trợ như ao lắng, ao xử lý, ao chuẩn bị, hệ thống xử lý nước thải…

Bên cạnh đó, với hình thức nuôi này, ao tôm không bị phụ thuộc vào thời tiết nhờ hệ thống mái che bằng lưới hoặc nilong theo đặc điểm từng vụ nuôi, giảm ruổi ro về dịch bệnh trong quá trình nuôi, hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm trước khi xả ra bên ngoài giúp bảo vệ nguồn nước, môi trường xung quanh... Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng, giá bán tôm thương phẩm, gia tăng lợi nhuận cho các hộ nuôi so với phương pháp nuôi truyền thống trước đây.

Đến vùng nuôi tôm thuộc địa bàn các xã Nam Cường, Nam Thắng (Tiền Hải), trái ngược với những hộ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trong ao đất đang khẩn trương cải tạo, vệ sinh ao nuôi sau thời gian nghỉ đông chuẩn bị bước vào mùa vụ mới, những ao nuôi tôm công nghệ cao vẫn đầy ắp tôm, rộn ràng người mua kẻ bán. 

Ao nuôi chính phải được lót bạt đáy, có mái che, quạt oxy... Bên cạnh đó, hệ thống ao phụ trợ, cấp thoát nước cũng cần được đầu tư bài bản tạo, bố trí khoa học. Ảnh: Trung Quân.

Ao nuôi chính phải được lót bạt đáy, có mái che, quạt oxy... Bên cạnh đó, hệ thống ao phụ trợ, cấp thoát nước cũng cần được đầu tư bài bản tạo, bố trí khoa học. Ảnh: Trung Quân.

Ông Đào Xuân Tứ, thôn Tân Hưng 2, xã Nam Thắng (Tiền Hải, Thái Bình) chia sẻ: Để nuôi tôm công nghệ cao thành công cần rất nhiều yếu tố, trong đó chi phí đầu tư ban đầu và kỹ thuật nuôi là hai yếu tố then chốt, đóng vai trò quyết định đến thành bại.

Ông Tứ lý giải, khi nuôi công nghệ cao, chưa kể đến chi phí con giống, người nuôi không chỉ phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi chính mà hệ thống các ao, công trình phụ trợ cũng phải được trang bị đầy đủ, bài bản. Nếu một bộ phận không đạt tiêu chuẩn thì cả hệ thống sẽ không thể vận hành theo đúng quy trình kỹ thuật.

Ông Tứ nêu ví dụ, trên diện tích 1.700m2, gia đình ông xây dựng 2 bể nuôi tôm thương phẩm với diện tích 500m2/bể, 2 bể ương vèo tôm giống, 5 ao phụ trợ với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Đây là toàn bộ số vốn ông tích cóp trong nhiều năm dùng để xây nhà, nhưng ông chấp nhận ra ở lán tạm cạnh ao nuôi để có tiền đầu tư.

Về kỹ thuật, theo ông Tứ, nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi người nuôi phải nắm chắc các yêu cầu kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, đảm bảo được “3 sạch”, đó là tôm giống sạch bệnh, nước sạch, đáy ao sạch.

Theo đó, ao nuôi được thiết kế hình tròn, lót bạt sẽ giúp quạt nước có vòng xoáy, lực ly tâm lớn hơn, dễ dàng đẩy những chất thải, xác tôm lột, phân tôm vào hố xi phông giữa ao. Việc vệ sinh ao nuôi được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. Nền đáy ao được kiểm soát trong suốt vụ nuôi giúp giảm thiểu bùng phát vi khuẩn có hại và khí độc. Từ đó, giảm chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường, đảm bảo chất lượng nước ao nuôi cho tôm sinh trưởng và phát triển.

Phía trên ao nuôi phải có hệ thống mái che phù hợp với thời tiết từng mùa trong năm để hạn chế các loại động vật, côn trùng, bụi bẩn xâm nhập, ổn định nhiệt độ trong ao nuôi vào mùa đông... Điều này sẽ góp phần hạn chế mầm bệnh, khắc phục hiện tượng tôm chết hàng loạt khi mới xuống giống.

Ngoài ra, lợi thế của nuôi tôm công nghệ cao là có thể nuôi với mật độ dày từ 300-400 con/m2. Tuy nhiên, phải phân bổ mật độ phù hợp với giai đoạn sinh trưởng phát triển của tôm.

“Thông thường giai đoạn nuôi ương tôm giống từ 25-30 ngày với mật độ 2.000 con/m2, sau đó chuyển sang ao nuôi với mật độ 400 con/m2, rồi xuống 200 con/m2. Sau khi tôm đạt kích cỡ 36-38 con/kg bắt đầu bán tỉa để nuôi 100 con/m2, khi xuống 27-32 con/kg ttiến hành thu hết”, ông Tứ chia sẻ. 

Ông Nguyễn Văn Chức, thôn Chí Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải, Thái Bình) phấn khởi vì nuôi tôm công nghệ cao có thể nuôi thêm vụ 3 (vụ đông), nhờ đó sản lượng, giá bán tôm, thu nhập cũng tăng cao. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Văn Chức, thôn Chí Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải, Thái Bình) phấn khởi vì nuôi tôm công nghệ cao có thể nuôi thêm vụ 3 (vụ đông), nhờ đó sản lượng, giá bán tôm, thu nhập cũng tăng cao. Ảnh: Trung Quân.

Gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững

Ông Nguyễn Văn Chức, thôn Chí Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải, Thái Bình) cho biết: Tổng diện tích gia đình sử dụng nuôi tôm công nghệ cao là 2 mẫu, trong đó, 1.650 m2 xây dựng ao nuôi, còn lại là các công trình phụ trợ.

Theo ông Chức, nếu nuôi theo hình thức truyền thống chỉ nuôi được 2 vụ/năm, nhưng khi nuôi công nghệ cao có thể nuôi thêm được tôm trái vụ (tôm vụ đông hoặc vụ 3), điều này giúp người nuôi gia tăng sản lượng. Đặc biệt, giá bán tôm trong vụ đông cao hơn rất nhiều so với 2 vụ chính.

Cụ thể, ao nuôi gia đình ông có diện tích 500m2, sản lượng trung bình thu được từ 4-5 tấn/vụ (nuôi truyền thống chỉ thu được 2-3 tạ/vụ). Với giá bán tôm trong vụ đông từ 220.000-250.000 đồng/kg (chính vụ có giá từ 150.000- 160.000 đồng/kg) gia đình ông thu được 800-850 triệu đồng/vụ, sau khi trừ đi các chi phí có lãi từ 300-350 triệu/vụ.

Ông Đỗ Đức Thiện, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải,Thái Bình) hào hứng chia sẻ: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã là 86 ha, trong đó có 30 ha nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, 3 ha nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, còn lại là nuôi ngao giống.

Thời gian tới, diện tích nuôi tôm công nghệ cao của người dân trong xã chắc chắn sẽ  tăng lên, do các hộ đã được tận mắt chứng kiến, so sánh hiệu quả của hình thức nuôi mới này với cách nuôi truyền thống.

Theo ông Đỗ Đức Thiện, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Nam Cường, (Tiền Hải, Thái Bình), nuôi tôm công nghệ cao sẽ là hướng phát triển bền vững cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Đỗ Đức Thiện, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Nam Cường, (Tiền Hải, Thái Bình), nuôi tôm công nghệ cao sẽ là hướng phát triển bền vững cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Thiện, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng trang thiết bị có thể sử dụng lâu dài, dễ dàng sửa chữa, thay mới, di chuyển khi cần thiết. Bên cạnh đó, với ưu điểm hạn chế được các điều kiện ngoại cảnh tác động, gia tăng vụ nuôi, kiểm soát tốt toàn bộ quá trình sinh trưởng phát triển của tôm nên tỷ lệ nuôi thành công đạt hơn 90%. Từ đó, người dân nâng cao thu nhập, dôi dư kinh phí để tái đầu tư mở rộng sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT Tiền Hải cho hay: Từ những kết quả thu được trên thực tiễn cho thấy nuôi tôm công nghệ cao đang mở ra hướng đi hiệu quả, đầy triển vọng cho người nuôi tôm trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, để tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi, mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao, các cơ quan quản lý từ huyện đến xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, phối hợp với các ngân hàng giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp nhất, tạo động lực để các hộ an tâm sản xuất, gia tăng lợi nhuận, ổn định cuộc sống.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.