| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam định hướng nuôi tôm công nghệ cao, chú trọng môi trường

Thứ Bảy 18/09/2021 , 09:14 (GMT+7)

Chất lượng môi trường nuôi không đảm bảo là một trong những nguyên nhân chính gây nên dịch bệnh trên tôm, gây thiệt hại về kinh tế rất lớn cho người nuôi.

Diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay xấp xỉ 3.000ha nhưng chủ yếu vẫn là quy mô nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: Lê Khánh.

Diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay xấp xỉ 3.000ha nhưng chủ yếu vẫn là quy mô nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: Lê Khánh.

Quảng Nam nằm ven biển miền Trung, có điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, trong đó có nhiều loại giá trị cao như cá mú, tôm thẻ chân trắng... Với những ưu điểm như thời gian thu hoạch nhanh, dễ bán với giá cao nên nhiều hộ gia đình ở tỉnh này đã quyết định bỏ vốn để đầu tư vào con tôm thẻ chân trắng.

Thế nên, những năm qua, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn Quảng Nam không ngừng tăng lên. Theo thống kê năm 2020 và ước tính hết năm 2021, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh này xấp xỉ 3.000ha, trong đó, thâm canh nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi lót bạt, vùng cao triều là 800ha, còn lại là nuôi tôm ở vùng triều ven sông. Sản lượng tôm nuôi đạt 14.000 - 16.000 tấn/năm, đem lại giá trị 1.400 - 1.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhìn chung, toàn tỉnh vẫn chủ yếu là những cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung dẫn đến khó khăn trong kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Kéo theo đó, hạ tầng các vùng nuôi chưa đảm bảo, thủy lợi dùng chung với các ngành nông nghiệp khác, thiếu ao chứa lắng, ao xử lý nước thải nên liên tiếp nhiều năm thường xảy ra dịch bệnh, môi trường nuôi bị ô nhiễm.

Việc xử lý nước để tạo môi trường sống sạch, an toàn cho tôm nuôi là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả. Ảnh: Lê Khánh.

Việc xử lý nước để tạo môi trường sống sạch, an toàn cho tôm nuôi là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả. Ảnh: Lê Khánh.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, bệnh trên tôm nuôi xảy ra nghiêm trọng, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Trên địa bàn tỉnh có 105ha tôm chết hàng loạt, trong đó chết do vi rút đốm trắng là 7,03ha, hoại tử gan tụy cấp là 1,7ha, do thay đổi các yếu tố môi trường là 96ha.

Ngoài ra, nhiều ao có tôm chết hàng loạt mà không xác định được nguyên nhân. Do môi trường nước bị ô nhiễm và biến động của thời tiết. Không chỉ vây, các loại thủy sản khác như cá diêu hồng, chẽm, rô phi, dìa, chim vây vàng... bị chết nhiều ở các lưu vực sông, các hồ chứa nước do môi trường không đảm bảo cũng tương đối nhiều, ngành chức năng chưa có con số thống kê cụ thể.

Trước thực tế này, việc xây dựng các mô hình nuôi tôm công nghiệp áp dụng công nghệ cao sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, hạn chế được rủi ro cho người nuôi. Được biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đã xuất hiện những mô hình như vậy và mang lại hiệu quả rất tốt. Nhìn chung, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao này rất chú ý đến vấn đề đảm bảo môi trường nuôi sạch như là một yếu tố then chốt để có được thành công.

Những mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong thời gian tới sẽ được tỉnh Quảng Nam khuyến khích nhân rộng. Ảnh: Lê Khánh.

Những mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong thời gian tới sẽ được tỉnh Quảng Nam khuyến khích nhân rộng. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Trần Công Thành (trú xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) là một trong những người tiên phong của tỉnh trong việc áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm sạch. Ông Thành cho biết, trước đó vào năm 2009, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bắt đầu nở rộ nên ông cũng bắt đầu bỏ vốn đầu tư vào con tôm trong khoảng thời gian này.

Thế nên, vài năm sau đó, dịch bệnh liên tiếp xảy ra khiến cho nhiều vụ tôm của gia đình ông mất trắng. Thấy cách nuôi này không hiệu quả, ông đã đi nhiều nơi trong cả nước thậm chí qua nước ngoài để tìm hiểu, học hỏi về các mô hình nuôi tôm hiệu quả. Qua thời gian, ông nhận ra rằng, môi trường chính là yếu tố lớn nhất dẫn đến dịch bệnh, gây thiệt hại cho hộ nuôi.

“Rồi bắt đầu từ năm 2019, tôi bắt đầu xây dựng một trang trại khép kín trên diện tích khoảng 2ha. Trong trang trại, tôi đặc biệt chú ý đến quy trình xử lý nước từ khâu đầu vào cho từng giai đoạn tôm nuôi. Nhờ vậy, các ao nuôi tôm của tôi đều phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh.

Mà khi tôm không bị dịch bệnh thì sẽ ít sử dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo chất lượng tôm thương phẩm luôn cao. Đến thời điểm hiện tại, tôi đã mở rộng diện tích nuôi lên 8ha. Trung bình mỗi ha thu khoảng 40 – 50 tấn tôm thương phẩm đủ chất lượng xuất sang Nhật Bản và các nước châu Âu”, ông Thành cho biết.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, định hướng định hướng phát triển nghề nuôi tôm Quảng Nam trong thời gian đến là hình thành, nhân rộng các vùng nuôi tôm công nghiệp áp dụng công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh để nâng cao sản lượng, năng suất, giá trị.

Quảng Nam khuyến khích nuôi tôm VietGAP, nuôi tôm hữu cơ để đảm bảo sản phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, đến năm 2030, diện tích nuôi tôm nước lợ là 2.800ha, trong đó nuôi tôm công nghệ cao khoảng 1.500ha; sản lượng nuôi tôm sẽ đạt 21.000 tấn/năm.

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.