| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm là công đoạn cốt lõi nâng cao giá trị toàn chuỗi

Thứ Ba 26/11/2019 , 10:17 (GMT+7)

Theo chuỗi giá trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đang thực hiện thì nhà máy chế biến có lợi nhuận 6-7%, nuôi tôm 70-80%...

10-47-51_2511191
Ông Hoàng Thanh Vũ.

Sau khi NNVN đăng bài “24 năm miệt mài nuôi tôm sạch” về Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Công ty Sao Ta) ở tỉnh Sóc Trăng, nhiều bạn đọc muốn biết thêm vai trò nuôi tôm trong việc nâng cao giá trị toàn chuỗi và chúng tôi trao đổi với Phó Tổng giám đốc Hoàng Thanh Vũ.

Ông Vũ cho biết:

- Hàng năm, Công ty Sao Ta chế biến khoảng 25.000 tấn tôm nguyên liệu để xuất khẩu 11.000 tấn tôm thành phẩm đi các thị trường Nhật, Mỹ, EU với kim ngạch 160 triệu USD. Năm nay phấn đấu 200 triệu USD. Hiện vùng nuôi của Công ty Sao Ta có diện tích 170 ha nhưng chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu của nhà máy chế biến.

Khả năng khép kín quy trình sản xuất có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp tôm. Doanh nghiệp có hoạt động sản xuất càng khép kín thì khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu và hiệu quả kinh doanh càng cao. Ngược lại, doanh nghiệp càng ít khép kín thì phải phụ thuộc vào bên ngoài nhiều hơn, sẽ dễ dẫn đến bị động trong sản xuất, giảm hiệu quả kinh doanh.

Công ty Sao Ta đã có diện tích nuôi tôm khá lớn nhưng mới đáp ứng được tỷ lệ nguyên liệu cho chế biến khá khiêm tốn, còn thực trạng toàn ngành?

Theo tôi biết, hiện nay chưa có một nhà chế biến tôm nào có vùng nuôi cung cấp trên 50% nhu cầu chế biến. Các doanh nghiệp chế biến cá tra hầu như đã khép kín khâu nuôi và chế biến, còn doanh nghiệp tôm thì mới từng bước vì nghề nuôi tôm rủi ro cao, diện tích tự nuôi phải rất lớn mới đủ tự cung cấp.

Cùng công suất chế biến thì vùng nuôi của công ty tôm phải gấp 10-15 lần diện tích vùng nuôi cá. Nhất là nuôi tôm để đạt chứng nhận BAP, ASC mà đa số các nhà nhập khẩu tôm yêu cầu thì càng nhiều khó khăn, con số thống kê năm 2018 mà tôi biết cả nước mới có khoảng 4.000 ha chỉ chiếm 0,54% tổng diện tích nuôi cả nước.

Trong chuỗi giá trị tôm ở Công ty Sao Ta, nuôi và chế biến lợi nhuận như thế nào?

Theo chuỗi giá trị chúng tôi đang thực hiện thì nhà máy chế biến có lợi nhuận 6-7%, nuôi tôm 70-80%; còn nhà máy thức ăn, sản xuất thuốc hóa chất thủy sản, sản xuất con giống lợi nhuận bao nhiêu tôi không có số liệu.

Trong chuỗi giá trị này nuôi tôm chiếm tỷ suất lợi nhuận cao nhất và công đoạn cốt lõi để nâng cao giá trị của toàn chuỗi. Đó cũng là lý do những năm qua chúng tôi tập trung nuôi tôm đạt các chứng nhận BAP và ASC.

Chi phí cụ thể trong giá thành tôm nuôi của Công ty Sao Ta?

Con giống chiếm 7%; thức ăn 41%; hóa chất xử lý nước, vi sinh, chất bổ dưỡng cho ăn 22%; chi phí nhân công 7%; chi phí khấu hao, công cụ, dụng cụ sản xuất 11%; chi phí điện, nhiên liệu 7%; chi phí bằng tiền khác 5%. Trong đó, có các chi phí không thể giảm là nhân công, điện, nhiên liệu; chi phí có thể giảm là hóa chất xử lý nước, vi sinh, chất bổ dưỡng cho ăn và khấu hao, công cụ, dụng cụ sản xuất.

Con giống chỉ chiếm 7% giá thành nhưng có thể quyết định thành bại một ao nuôi, vấn đề ở đây là gì?

Tôm giống chỉ chiếm 7% giá thành nhưng có tác động bậc nhất trong ao nuôi. Dân gian đã nói với nhau là con giống quyết định trên 50% thành công ao nuôi. Cho nên, nếu suy nghĩ sâu xa, đây là yếu tố quyết định làm giảm giá thành tôm nuôi mạnh nhất. Thí dụ tôm giống chất lượng trung bình, đạt tỉ lệ thu hồi 50%, số ao đạt cũng 50%. Nếu tôm giống chất lượng cao tất cả đạt 70% thì rõ ràng giá thành chung của hộ hoặc trang trại nuôi tôm đó giảm hơn 20%. Trong nuôi tôm nếu tôm phát triển bình thường thì tôm cỡ càng lớn giá thành càng thấp, vì hiện tại tôm lớn giá trị rất cao, do đó cần chọn tôm giống nào có thể nuôi kích cỡ lớn thì bắt.

Thức ăn tôm chiếm đến 41% giá thành, nếu giảm được chắc cho hiệu quả cao?

Nếu tiết kiệm được khoảng 5% thức ăn sẽ đem lại lợi nhuận lớn, tuy nhiên không thể giảm thức ăn cho tôm. Kinh nghiệm của Công ty Sao Ta, cần cho tôm ăn đủ để tôm có sức khỏe chống lại bệnh tật.

Theo ông, có thể giảm hóa chất xử lý nước, vi sinh, chất bổ dưỡng cho tôm ăn mà Công ty Sao Ta thống kê được là chiếm 22% giá thành, bằng cách nào?

Nhóm này có nhiều yếu tố để giảm giá thành. Chẳng hạn khoáng tạt vào nước để phòng trị bệnh, khu vực nuôi tôm của Công ty Sao Ta sát biển, độ mặn dao động từ 8-35 phần ngàn, từ năm 2015 đến nay hoàn toàn không dùng khoáng tạt, chỉ dùng vôi nóng (CaO) để nâng kiềm. Nói ra có thể nhiều người không tin nhưng đó là sự thật, các trại tôm có thể tiết kiệm được mục này nếu có cùng độ mặn. Còn độ mặn thấp hơn thì cân nhắc vì chúng tôi chưa nuôi độ mặn thấp nên không có kinh nghiệm.

Vi sinh xử lý nước, nên dùng các sản phẩm có chứa nhóm bacillus. Vi sinh trộn cho ăn, tôi thấy không có tác dụng nhiều vì thời gian tồn lưu thức ăn trong ruột tôm ngắn chỉ khoảng 3-4 tiếng, trong khi vi khuẩn cho ăn thường nhóm vi khuẩn lactic có thời gian phát triển, tăng trưởng chậm.

Diệt khuẩn nước ban đầu và định kỳ, ở Công ty Sao ta chi phí này rất lớn vì phải diệt hết ký chủ trung gian gây bệnh gồm có cá, tép, tảo, giáp xác chân chèo… để phòng bệnh đốm trắng do virus. Còn vitamine C tạt nước, chất kích lột, thảo dược, theo tôi là không cần thiết vì tốn tiền không có ý nghĩa gì hết.

Cuối cùng, xin ông cho một kết luận ngắn gọn?

Để nâng cao giá trị của chuỗi nuôi tôm cần tập trung vào công đoạn nuôi tôm là quan trọng nhất, cốt lõi nhất bằng các yếu tố sau: Con giống chất lượng cao là yếu tố tác động lớn nhất, cần có sự lo toan, cung ứng tốt hơn; cố gắng nuôi tôm thu ở cỡ con càng lớn càng hiệu quả, bằng cách chọn con giống có thể nuôi có kích cỡ lớn; hạ giá thành nuôi tôm bằng cách giảm các chất không cần thiết trong quá trình nuôi tôm; nuôi tôm sạch, áp dụng các chuẩn quốc tế như ASC, BAP, GlobalGAP… truy xuất nguồn gốc từ trại giống đến bàn ăn đáp ứng các yêu cầu khó tính của chuỗi bán hàng lớn nhằm có giá bán tốt.

Liên kết các chủ ao nuôi tôm nhỏ thành hợp tác xã để chung code thức ăn, con giống nhằm hạ giá thành và tạo vùng nuôi lớn thực hiện các chuẩn ASC, BAP, Global GAP để nâng cao giá trị tôm thành phẩm.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.