| Hotline: 0983.970.780

Ồ ạt phát triển quế giống: [Bài 1] Cây giống ế ẩm, vườn ươm lao đao

Thứ Năm 23/11/2023 , 10:00 (GMT+7)

YÊN BÁI Hàng trăm vườn ươm cây quế giống ở Trấn Yên ế ẩm, những cây quế non đã cao quá đầu người không có người mua, các chủ vườn cây giống khóc dở, mếu dở.

Vườn quế giống đã cao quá đầu người nhưng không có khách mua, người làm vườn ươm gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Tiến.

Vườn quế giống đã cao quá đầu người nhưng không có khách mua, người làm vườn ươm gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Tiến.

Khủng hoảng thừa quế giống

Gia đình bà Lê Thị Thêm ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái đã làm vườn ươm quế giống gần 10 năm nay. Hạt giống được thu mua của các hộ dân tại huyện Văn Yên, nơi được coi là có nguồn giống đảm bảo chất lượng nhất trong tỉnh.

Những năm đầu, vườn ươm của bà Thêm gieo 30 vạn cây giống/năm. Gieo ươm đến đâu, bán hết đến đó, thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên mỗi năm, gia đình bà Thêm lại tận dụng đất ruộng, soi bãi mở rộng thêm diện tích. Từ năm 2022 đến nay, quế giống ế ẩm, không có người mua nên các cơ sở sản xuất quế giống của bà Thêm và nhiều hộ dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Thêm chia sẻ: "Trong vườn ươm của gia đình hiện có khoảng 340 vạn cây quế giống, mỗi cây quế giống chi phí hết khoảng 400 đồng gồm tiền giống, phân bón, nhân công đóng bầu, làm cỏ, chăm sóc… Trước đây, mỗi cây giống có giá từ 700 - 1.200 đồng, chủ vườn có thể thu lãi từ 300 - 900 đồng/cây. Hai năm trở lại đây, rất ít người mua quế giống nên lượng quế tồn trong vườn còn rất nhiều. Nhiều luống quế hơn 2 năm tuổi, cao cả mét không có người mua. Với loại quế 1 năm tuổi, thi thoảng có người đến mua lẻ với giá thấp hơn giá sản xuất (chỉ từ 250 - 300 đồng/cây), tôi vẫn phải bán để gỡ gạc vốn đầu tư. Dự kiến số tiền thua lỗ trong 2 năm qua khoảng hơn 500 triệu đồng".

Tình trạng quế giống ế ẩm diễn ra ở hầu khắp các vườn ươm tại huyện Trấn Yên, đặc biệt là ở thủ phủ quế giống Báo Đáp. Nghề làm vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp phát triển ở đây từ năm 2008, ban đầu chỉ có một vài hộ ươm giống với quy mô khoảng 10 - 20 vạn cây/năm. Thấy lợi nhuận cao, cả làng, cả xã đổ xô gạt nền, san đất mở vườn ươm. Đến năm 2020, trong xã còn thành lập 1 HTX sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, ngoài ra còn có hơn 250 hộ làm vườn ươm cây giống, chủ yếu là ươm quế. Thời kỳ cao điểm, mỗi năm bà con trong xã thu gần 20 tỷ đồng từ nguồn cây giống bán ra thị trường.

Nhiều luống quế giống đã 2 năm tuổi không bán được, người dân thờ ơ với việc chăm sóc. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều luống quế giống đã 2 năm tuổi không bán được, người dân thờ ơ với việc chăm sóc. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Báo Đáp, cho biết: Thời kỳ hoàng kim của nghề làm cây giống, số lượng cây giống sản xuất mỗi năm trong xã lên đến gần 10 triệu cây. Tuy nhiên, hơn 250 hộ sản xuất mà chỉ có 4 cơ sở có đăng ký kinh doanh ươm giống cây lâm nghiệp. Trước tình trạng phát triển nóng, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền tới người dân, nhất là đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp cần tính toán tìm đầu ra ổn định mới tham gia.

Bên cạnh đó, phối hợp Hạt Kiểm lâm triển khai cho các hộ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục sản xuất kinh doanh cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, qua triển khai, rất ít hộ dân ký thực hiện. Số đông do hoạt động tự phát, không xác định làm cố định lâu dài nên không làm các thủ tục theo quy định. Một số hộ dân đã bị chính quyền nhắc nhở, xử phạt do chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất không đúng quy định, tự ý san lấp đất ruộng để làm vườn ươm cây giống.

Do phát triển ồ ạt, số lượng lớn, nên tạo ra khủng hoảng thừa, giá quế giống xuống rất thấp. Thậm chí cây quế có chất lượng, mẫu mã đẹp nhưng không có người mua. Quế non trong các vườn ươm vẫn cứ tiếp tục lớn lên, người dân không biết xoay xở thế nào, “bỏ thì thương, vương thì tội”. Thiệt hại về kinh tế sẽ càng lớn nếu không có biện pháp kịp thời, bởi cây con cao quá đầu người không thể làm giống, không có người mua, đất không chuyển đổi sẽ không sinh lời.

Vườn ươm nhỏ lẻ tự phát, khó quản lý

Hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có hơn 500 cơ sở, hộ dân tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Trong đó có 5 tổ chức và trên 500 hộ dân gieo ươm với số lượng hơn 20 triệu cây giống/năm, chủ yếu là cây quế. Số lượng cây giống còn tồn tại vườn ươm trong huyện khoảng gần 8 triệu cây.

Ông Nguyễn Đình Thịnh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên, cho biết: Trong tổng số hơn 500 tổ chức và hộ dân kinh doanh cây giống, chỉ có 19 cơ sở được cấp giấy phép, còn lại gần 500 cơ sở sản xuất giống cây trồng bán tự do trên thị trường.

Việc phát triển vườn ươm một cách ồ ạt theo kiểu tự phát đã làm khó cho chính các hộ dân và công tác quản lý của ngành chức năng. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc phát triển vườn ươm một cách ồ ạt theo kiểu tự phát đã làm khó cho chính các hộ dân và công tác quản lý của ngành chức năng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hằng năm, Hạt Kiểm lâm thường xuyên đôn đốc kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, kinh doanh giống tại các cơ sở, nhất là các cơ sở tự phát. Hầu hết các vườn ươm đều do người dân tự làm với quy mô nhỏ lẻ, tạm thời theo thời vụ; mô hình vườn ươm tự xây dựng, thiết kế theo kinh nghiệm và nhu cầu. Nhiều hộ sản xuất kinh doanh giống không đăng ký kinh doanh, chưa tuân thủ quy định về quy trình sản xuất giống theo chuỗi hành trình, cây giống sản xuất ra không lấy từ nguồn giống được tuyển chọn, chủ yếu tự thu mua hạt giống ở các vùng lân cận.

Thực tế cho thấy, mức độ thiệt hại kinh tế do các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp tự phát gây ra không nhỏ, song để chấn chỉnh tình trạng này là điều không dễ. Việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do người dân thiếu hợp tác, nhiều cơ sở bao biện là sản xuất quy mô hộ gia đình, phục vụ trồng rừng của mình chứ không kinh doanh. Hơn nữa, thói quen và nhu cầu mua giống cây trôi nổi, giá thấp chính là nguyên nhân phát triển các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp tự phát.

Người trồng rừng cần lựa chọn những vườn giống có uy tín để không mua phải cây kém chất lượng. Ảnh: Thanh Tiến.

Người trồng rừng cần lựa chọn những vườn giống có uy tín để không mua phải cây kém chất lượng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nếu không thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng nguồn giống quế, hạn chế tối đa việc phát triển nóng theo kiểu tự phát, hậu quả trước mắt là người làm vườn ươm gặp thua lỗ. Về lâu dài, người trồng rừng sản xuất sẽ chịu hậu quả lớn gấp nhiều lần bởi chất lượng cây giống kém kéo dài thời gian sinh trưởng, sâu bệnh phát sinh làm ảnh hưởng năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.