| Hotline: 0983.970.780

Ồ ạt thu hái hạt mây bán sang Trung Quốc

Thứ Hai 03/03/2014 , 12:33 (GMT+7)

Trước mức giá thu mua hạt mây (còn gọi là hạt song mây) hấp dẫn nên người dân các huyện vùng miền núi tỉnh Quảng Nam ồ ạt vào rừng khai thác, sau đó được các thương lái thu gom xuất sang Trung Quốc.

Theo người dân ở huyện miền núi Phước Sơn, trước đây hạt mây chỉ có một số ít người ươm mây giống thu mua với giá rẻ, nên cũng không mấy người lên rừng thu hái. Tuy nhiên, cách đây chừng một năm, các thương lái thu mua với số lượng lớn, giá cao nên cứ vào mùa quả mây chín, bà con kéo nhau vào rừng sâu thu hái.

Bà Huỳnh Thị Doanh, chủ một điểm thu mua tại thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) cho biết: Sau khi thu mua từ người dân, bà thuê nhân công phơi khô, tách vỏ lấy hạt, rồi bán lại cho các thương lái ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Việc thu mua hạt mây mới nổi lên cách đây 1 năm. Bà Doanh không chỉ thu mua hạt mây tại Phước Sơn mà có nhiều điểm thu ở các khu vực khác như Bắc Trà My, Nam Trà My… Theo bà Doanh, hạt mây sau khi đưa về Tam Kỳ, được các thương lái bán sang Trung Quốc. “Họ đặt hàng thì tôi thu gom của bà con tôi kiếm lãi, còn hạt mây bán sang Trung Quốc làm gì thì tôi không biết. Trung bình mỗi ngày tôi thu mua được gần 1 tấn để chuyển về dưới xuôi”, bà Doanh nói.

Theo người dân địa phương, mùa hái quả mây kéo dài từ tháng 11 đến tháng Giêng. Thế nhưng hiện nay cây mây còn lại khá ít, nhất là những cây mây già mới cho trái nên họ phải lặn lội vào tận vùng núi sâu may ra mới có. Để lấy được quả, trong khi cây cao, lắm gai nên nhiều bụi mây bị họ đốn hạ để dễ thu hái. Ông Hồ Văn Hùng ở xã Phước Chánh (Phước Sơn), chở hai bao quả mây ra bán, cho hay: Mỗi ngày ông vào rừng lấy được khoảng 15 kg, tính ra thu được hơn 300.000 đ, đây là số tiền rất lớn. “Ở xã, không chỉ tôi mà nhiều người đi hái. Mình chỉ bỏ công sức vào rừng hái nhưng cho thu nhập khá. Trước đây đi trong ngày về, nhưng nay phải vào rừng sâu phải mang theo gạo, thức ăn ở lại trong đó vài ngày mới ra bán hạt mây một lần”, ông Hùng chia sẻ.

Rời Phước Sơn, chúng tôi tìm đến một điểm thu mua hạt mây tại TP Tam Kỳ. Cơ sở này đóng trên đường Trần Cao Vân, trong kho chỉ còn lại 5 tạ hạt. Chủ cơ sở này nói: "Hôm qua tôi đã xuất hết rồi. Giai đoạn cuối mùa nên hàng cũng không còn nhiều, thời điểm trước vào sau Tết mỗi ngày tôi nhập vào vài tấn". Khi hỏi về hạt mây bán đi đâu, chủ cơ sở cho biết là bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc mua làm gì, chủ cơ sở này chịu.

Ông Nguyễn Phiếm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Sơn cho hay: Hạt mây rừng chủ yếu được mua để ươm giống nhưng hiện nay số lượng còn rất ít. Thời gian gần đây người dân vào rừng thu hái rất nhiều, huyện sẽ phối hợp với ngành chức năng để kiểm tra số lượng hạt được tiêu thụ đi đâu. “Việc các thương lái thu mua và bán ở trong nước để nhân giống là việc tốt, nên khuyến khích, còn việc xuất bán sang Trung Quốc thì cần phải xem xét và có biện pháp bảo vệ nguồn giống”, ông Phiếm nói.

Xem thêm
Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.