| Hotline: 0983.970.780

Ổ cúm gia cầm mới bùng phát là chủng chưa lây sang người

Thứ Hai 02/03/2020 , 10:45 (GMT+7)

Cả H5N6, H5N1 đều gây ra bệnh cúm khiến gia cầm chết rất nhanh nhưng theo nghiên cứu chỉ H5N1 có khả năng lây nhiễm sang người còn H5N6 chưa thấy ghi nhận.

15-59-30_dsc_7159
Ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội.

Trước nghi vấn ổ cúm gia cầm mới bùng phát ở Hà Nội có mối liên hệ với ổ cúm gia cầm H5N1 ở Trung Quốc gần đây, NNVN đã có trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội.

Xin ông cho biết tình hình cụ thể về ổ dịch cúm gia cầm mới xảy ra ở Hà Nội?

Cả năm 2019 Hà Nội không có đàn nào bị dính cúm gia cầm nhưng ngày 3/2/2020 thì có báo cáo về đàn vịt thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ với hiện tượng ăn ít, sốt cao, đầu sưng, cổ nghẹo, bơi lòng vòng, trong 2.397 con đã chết 385 con. Cán bộ thú y xuống lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, ngày 4/2 bên Cơ quan Thú y vùng I báo chúng dương tính với cúm A, chủng H5N6.

Ngoài tiêu hủy ngay đàn bị bệnh, lập chốt kiểm dịch ngăn không cho vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm ra khỏi thôn, khử trùng tiêu độc tại cơ sở chăn nuôi 1 lần/ngày trong 7 - 10 ngày, tại thôn, xã 1 lần/tuần chúng tôi còn cho tiêm phòng bao vây ổ dịch cả đàn gia cầm của xã với tổng số trên 300.000 con. Đến thời điểm này không phát sinh thêm ổ dịch nào nữa.

Ông có nghi ổ dịch này xuất phát từ nguồn lây nhiễm ở đâu không?

Theo thông báo của Cục Thú y, ngoài Hà Nội mới phát sinh ổ dịch chỉ có Quảng Ninh có ổ H5N6 chưa qua 30 ngày. Giám sát 3 năm gần đây cho thấy phía Bắc chủ yếu là chủng cúm gia cầm H5N6 còn phía Nam chủng H5N1 lại chiếm đa số. Vậy ổ nhiễm H5N6 vừa qua vẫn theo quy luật cũ.

Qua xác minh, hộ dân trên nuôi được 34 ngày thì gia cầm bắt đầu có hiện tượng ốm, họ đi mua vacxin dịch tả vịt tiêm dịch vào nhưng vẫn thấy chết nên mới báo thú y. Bởi vì từ lúc bóc trứng đến khi bị dịch là 34 ngày nên có thể loại trừ yếu tố lây do giống. Thời điểm năm 2018 ở khu vực này có ổ dịch cúm gia cầm, có thể mầm bệnh chưa được tiêu diệt hết thành ra khi nuôi, chưa kịp tiêm phòng, sức đề kháng còn yếu đã bị dính bệnh.

Vậy là mầm bệnh cúm gia cầm có thể tồn tại hàng năm trong môi trường?

Đấy là chúng tôi đang nghi ngờ như thế còn trong quá trình chăn nuôi người ta có đi lại, có giao tiếp nhiều nơi. Virus cúm gia cầm không phải là loại có sức đề kháng quá tốt như virus dịch tả lợn Châu Phi nhưng có thể do môi trường vùng trũng nên tồn tại lâu hơn.

Độc lực của chủng cúm gia cầm H5N6 so với H5N1 ra sao thưa ông?

Hai loại này đều gây ra bệnh cúm khiến gia cầm chết rất nhanh nhưng theo nghiên cứu chỉ H5N1 có khả năng lây nhiễm sang người còn H5N6 chưa thấy ghi nhận.

15-59-30_nh_1_3
Tiêm phòng cho gà ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.

Làm sao để dịch đỡ chồng dịch khi chỉ riêng dịch tả Châu Phi đã ngốn của Hà Nội khoảng 1.500 tỉ đồng mà vẫn có nguy cơ bùng phát cao bởi không có vacxin và lượng tái đàn lớn, dịch cúm đang rình rập đàn gia cầm 40 triệu con còn dịch Corona trên người cũng đầy tiềm ẩn?

Theo Tổ chức Thú y Thế giới từ đầu năm 2020 đến nay có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có các ổ dịch cúm gia cầm với nhiều chủng như H5N1 ở Trung Quốc, Ấn Độ, H5N6, H5N8, H5N2, H5N5 ở những nước còn lại.

Thời điểm này các loại dịch đều ở nguy cơ cao bởi lẽ thứ nhất là mật độ đàn cao, thứ hai là điều kiện thời tiết mưa lạnh, ẩm lớn, giao mùa từ đông sang xuân thích hợp cho virus phát triển mạnh… Nhưng có phần yên tâm là phần lớn những bệnh này chúng ta đều đã có kinh nghiệm phòng chống.

Đối với cúm gia cầm, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển chúng ta đã có vacxin để mà tiêm phòng đại trà định kỳ cũng như tiêm phòng bổ sung nên không quan ngại như dịch tả lợn Châu Phi.

Kinh nghiệm cho thấy những ổ dịch cúm gia cầm gần đây chúng ta đều xử lý nhanh, gọn, không để lây lan ra diện rộng gây tổn thất lớn. Còn chuyện cảnh giác với nó vẫn là điều nên làm bởi Trung Quốc đã có chủng cúm H5N1 thì Việt Nam với nhiều mặt tương đồng về không gian, thời gian, các loại dịch bệnh cần hết sức lưu ý.

Sau khi dịch tả lợn Châu Phi hoành hành làm giảm mạnh đàn lợn thì đàn gia cầm, trâu bò của Hà Nội đều tăng nên việc giám sát dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cũng được tăng cường. Chúng tôi đã tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, vận động người chăn nuôi ngoài nguồn được nguồn hỗ trợ là vacxin cho tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn giống thì đàn thương phẩm dân phải chủ động tự mua, tự tiêm…

Chúng ta nên cảnh giác nhưng cũng không lo lắng một cách thái quá trước các loại dịch bệnh này.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất