| Hotline: 0983.970.780

Ngành nông nghiệp cần nêu cao tinh thần chống dịch H5N1

Thứ Tư 05/02/2020 , 09:58 (GMT+7)

Sau dịch tả lợn châu Phi, đàn gia cầm của Việt Nam chưa bao giờ dồi dào như hiện nay.

1852851-gicm-qgpk150515615
Bộ NN- PTNT đang tích cực chỉ đạo ngành thú y, các địa phương tiêm phòng văcxin, tích cực phòng chống cúm gia cầm

Trước tình hình Trung Quốc vừa công bố bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 ở tỉnh Hồ Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là bệnh trên gia cầm rất nguy hiểm tới đàn gia cầm của chúng ta.
 

Dịch vẫn trong vòng kiểm soát

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước chỉ có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, ổ dịch đã được kiểm soát kịp thời; địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh (3.000 con gà) vào ngày 21/1; đến nay không phát sinh thêm gia cầm bệnh.

Hiện nay, bệnh cúm gia cầm là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng. Các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1 - 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vaccine.

Virus gây bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam từ năm 2018 đến nay thuộc nhánh H5N1 2.3.2.1c (chủ yếu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) và H5N6 2.3.4.4h, 2.3.4.4f, 2.3.4.4g (phân bố tại nhiều vùng trong cả nước). Phân tích các đặc tính sinh học phân tử cho thấy không có sự biến đổi lớn, có tính đặc hiệu với thụ thể bám trên gia cầm.

Ông Đông nhận định, trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điển hình là hiện tổng đàn gia cầm rất lớn; điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vacxin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỉ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ.

Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên, nguy cơ virus cúm A/H7N9 và một số chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là cao. Ông Đông cho biết, hiện Việt Nam cơ bản đã có đủ cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Đầu tháng 1/2020, Cục Thú y đã có văn bản gửi các địa phương thông báo về tình hình lưu hành virus cúm gia cầm và khuyến cáo sử dụng các loại vaccine phù hợp với từng chủng, nhánh virus cúm gia cầm.
 

Cần sự chủ động từ địa phương

Lãnh đạo Cục Thú y cũng cho biết, trong quý I/2020, lượng vacxin cúm gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường là 55 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vacxin cúm gia sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều; trong đó vacxin sản xuất trong nước là 200 triệu liều.

Việt Nam có mật độ chăn nuôi gia cầm cao với tổng số hơn 467 triệu con, nếu không phòng, chống cẩn thận, để xảy ra dịch bệnh sẽ rất phức tạp, trong khi chăn nuôi lợn vừa trải qua dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, Hồ Nam cũng là địa phương rất gần với Việt Nam nên có khả năng lây lan dịch bệnh nếu không ngăn chặn tốt.

Theo đánh giá trong quý I, II thời tiết năm nay rất phức tạp, đặc biệt là nhuận hai tháng Tư âm lịch, nên thời tiết này rất phù hợp với loại dịch bệnh, nhất là trên gia cầm.

“Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn yêu cầu tất cả các tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Các địa phương đảm bảo quy trình dịch tễ, chăm sóc, chăn nuôi theo đúng quy trình an toàn sinh học, cố gắng cao nhất không để dịch bệnh H5N1 xảy ra đối với gia cầm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tháng 12/2019, Bộ NN-PTNT đã xuất cấp miễn phí 4,5 triệu liều vacxincúm gia cầm dự phòng hỗ trợ các địa phương nguy cơ cao, địa phương xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh để tiêm phòng cho đàn gia cầm.

Theo Cục Thú y, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận các ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ: chủng virus cúm A/H5N1 tại Ấn Độ, Trung Quốc; A/H5N6 tại Nigeria; A/H5N8 tại Cộng hòa Czech, Đức, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Nam Phi... Nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước rất cao.

Ngày 3/2, Bộ NN-PTNT cũng đã có Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. 

Theo đó, Bộ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vacxin cúm gia cầm cho đàn gia cầm.

Các địa phương chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vaccine phòng bệnh cúm gia cầm. Các địa phương tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỉ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.

Cùng với đó, chỉ đạo các lực lượng của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 địa phương) tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Các tỉnh, thành tổ chức Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, thành phố để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt ngay từ đầu tháng 2/2020.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.