| Hotline: 0983.970.780

Ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ở mức báo động

Thứ Ba 17/12/2019 , 09:25 (GMT+7)

Qua các kết quả quan trắc chất lượng nước trong năm 2019 của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho thấy có 12/15 vị trí quan trắc bị ô nhiễm nghiêm trọng, tỷ lệ này cao nhất từ năm 2005 trở lại đây.

Nước sông cầu Bây chảy ra sông Kim Sơn đoạn sau cống Xuân Thụy (Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 14/3/2019 bị ô nhiễm, có màu đen, sủi bọt trắng.

Theo kết quả quan trắc của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trong năm 2019 có tỷ lệ số điểm quan trắc vượt QCVN cao nhất từ trước đến nay với 12/15 vị trí, chiếm 80% số vị trí quan trắc.

Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm có giảm so với năm 2018 do mực nước trong hệ thống ở các thời điểm quan trắc cao hơn so với năm trước từ 20-29cn. Các thông số hóa lý, vi sinh như: TSS, BOD5, COD, NO2-, PO43- chủ yếu vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) ở mức nhỏ hơn 5 lần thuộc nguồn nước bị ô nhiễm. Trong khi thông số NH4+ và Coliform có mức vượt QCVN lớn hơn 10 lần (thuộc nguồn nước ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng) chiếm tỷ trọng cao.

Các vị trí bị ô nhiễm nghiêm trọng là: Cống Xuân Thụy, cống Như Quỳnh, cống Kênh Cầu, cầu Lương Bằng, cống Cầu Cất, cống Tranh, cống Bá Thủy, cống Ngọc Đà, cống Ngọc Lâm, cống Phần Hà, cống Bình Lâu, cống Neo (tăng 8% so với năm 2018). Tỷ lệ này cao nhất từ năm 2005 trở lại đây. Nước bị ô nhiễm cao nhất vào tháng 2 và 3 (vào thời kỳ bón phân để gieo cấy và chăm sóc lúa thời kỳ đẻ nhành). Chất lượng nước vào tháng 4 được cải thiện hơn do vào thời điểm này có 2 đợt mưa trái vụ, đồng thời trước đó, Công ty Bắc Hưng Hải đã thực hiện gạn tháo, thay nước đệm trong kênh, mương.

PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương, Chủ nhiệm nhiệm vụ “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp năm 2019” của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nước là do chưa quản lý được nguồn thải xả vào hệ thống.

Gần như 100% nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề và 70-80% nước thải công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu trước khi xả vào hệ thống thủy lợi (HTTL).

10-02-27_nh_2_bhh
Rác thải sinh hoạt ngập tràn HTTL Bắc Hưng Hải.
Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải có 6 công trình điều tiết chính, 16 sông trục chính với tổng chiều dài là 336 km và 67 kênh nhánh với tổng chiều dài là 528 km. Toàn hệ thống có 257 trạm bơm, trong đó, 115 trạm bơm tưới; 52 trạm bơm tiêu và 90 trạm bơm tưới tiêu kết hợp. Do phần lớn công trình của hệ thống được thiết kế và xây dựng từ năm 1959 nên đã bị xuống cấp, trong khi chế độ thủy văn, mực nước đã có nhiều thay đổi. Nhiều kênh, sông bị bồi lắng hạn chế khả năng dẫn nước, không có dòng chảy môi trường cũng là nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm nước trong HTTL Bắc Hưng Hải.

Cùng đó, công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải được thiết kế chỉ với nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ SXNN và quy trình vận hành hệ thống phục vụ tưới, tiêu, chưa tính đến vận hành các công trình để giảm thiểu ô nhiễm nước.

Sông Kim Sơn có nhiệm vụ cấp nước cho toàn hệ thống thuộc quản lý của Công ty Bắc Hưng Hải, trong khi các công trình tiêu nước thải gây ô nhiễm nước cho sông Kim Sơn như: Cống Xuân Thụy tiêu nước thải sinh hoạt cho quận Long Biên và nước thải KCN Sài Đồng, Thạch Bàn, Hanel và khoảng 1.200 điểm xả vào sông Cầu Bây và cống Ngọc Đà tiêu nước thải sinh hoạt cho 1 phần của huyện Gia Lâm, huyện Văn Lâm và các KCN Như Quỳnh A, Tân Quang, CCN Phú Thị (Gia Lâm) thuộc quản lý của thuộc quản lý của Công ty Đầu tư Phát triển thủy lợi Hà Nội.

Cống Phần Hà tiêu nước thải cho KCN dệt may Phố Nối thuộc quản lý Công ty KTCTTL Hưng Yên. Cống Bình Lâu tiêu nước thải cho thành phố Hải Dương qua kênh T2 thuộc quản lý của Công ty công trình đô thị Hải Dương.

Do mỗi công trình tiêu nước thải thuộc quản lý của các địa phương khác nhau nên không có sự phối hợp trong vận hành để giảm thiểu ô nhiễm nước.

Các công trình tiêu nước thải vẫn có thể hoạt động vào những thời điểm lấy nước phục vụ SXNN hoặc thời điểm hạn hán phải đóng cống Xuân Quan và Cầu Xe, An Thổ để trữ nước làm cho tình trạng ô nhiễm nước càng trầm trọng.

Ô nhiễm nước trong HTTL Bắc Hưng Hải còn bị ảnh hưởng bởi địa hình, vào nhiều thời điểm mực nước các sông nội đồng cao hơn mực nước các sông ngoài dẫn đến không lấy được nước vào hệ thống hoặc ngược lại.

Khu vực TP. Hải Dương tiêu nước thải ra sông Thái Bình qua cống Cầu Cất, nhưng vào mùa mưa, mực nước sông Thái Bình dâng cao hơn mực nước trong HTTL Bắc Hưng Hải nên phải đóng cống Cầu Cất và toàn bộ nước thải của TP. Hải Dương tiêu ngược vào sông Kim Sơn và chảy qua sông Đình Đào tiêu qua cống Cầu Xe và An Thổ.

Do hiện tượng này đã làm cho nước sông Kim Sơn, sông Đình Đào trong mùa mưa có mức độ ô nhiễm cao hơn so với mùa khô.

10-02-27_nh_3_bhh
Công tác quan trắc và lấy mẫu của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường tại hệ thống.
Vận hành tưới tiêu linh hoạt để giảm thiểu ô nhiễm

Trước tình trạng chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có diễn biến ngày càng phức tạp, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đề xuất giải pháp nghiên cứu giải pháp vận hành hệ thống thủy lợi để giảm thiểu ô nhiễm nước.

Mực nước trên sông Hồng là nguồn cấp nước chính cho hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có xu hướng hạ thấp, trong khi khối lượng chất thải xả vào sông, kênh ngày càng gia tăng. Bởi vậy, công tác vận hành tưới tiêu cũng cần linh hoạt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đề xuất một số giải pháp vận hành như sau: Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Công ty TNHH MTV khai thác CTTL Bắc Hưng Hải với các địa phương trong việc vận hành các công trình tiêu nước chính có ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước như: Cống Ngọc Quan, Xuân Thụy, Ngọc Đà, Bình Lâu, Phần Hà, Tân Hưng 2 cửa… 

Vào những thời điểm lấy nước tưới và cấp nước cho nuôi thủy sản cần chủ động đóng các cống tiêu nước thải. Vào những thời điểm xả lũ hồ thượng nguồn, tận dụng các đợt xả lũ đợt đầu để tháo gạn nước ô nhiễm, làm sạch kênh, sông.

Cùng đó, điều hành mở cống tiêu tại Cầu Xe, An Thổ để tháo gạn, thay nước đệm vào các thời điểm có mưa lớn đầu mùa và thời gian xả lũ đợt đầu sau đó mới đóng cống để trữ nước. 

Trong năm 2019, công ty Bắc Hưng Hải đã thực hiện việc thay nước trong hệ thống 2 đến 3 lần bằng biện pháp đưa nước từ sông Hồng vào hệ thống để tăng cường khả năng tự làm sạch nguồn nước. Xả bèo, rác trước các cửa cống. Khoán duy tu vớt bèo, rác trên các tuyến kênh: Kim Sơn từ Xuân Quan đến Kênh Cầu; Kênh Đình Dù; Điện Biên; Lạc Cầu; Đồng Than; Nam Kẻ Sặt; Tây Kẻ Sặt.

Dương Giang

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.