1 USD đổ xăng ô tô đi được vài năm
Dấu ấn của Hugo Chavez vị Tổng thống Venezuela từ năm 1999 cho đến khi mất năm 2013 có ở khắp nơi. Ông có sức lôi cuốn kỳ lạ với người nghèo khi thực hiện cải cách xã hội chủ nghĩa, quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp then chốt, hỗ trợ nhà cửa cho tầng lớp dưới, tăng mạnh chi tiêu cho giáo dục, phúc lợi xã hội. Về đối ngoại ông chỉ trích gay gắt chủ nghĩa tư bản mà đặc biệt là Mỹ và ngược lại thiết lập quan hệ mật thiết với các nước xã hội chủ nghĩa.
Venezuela từng là nước giàu nhất nhì Nam Mỹ nhờ trữ lượng giàu mỏ khổng lồ. Thời hoàng kim đã qua từ lâu nhưng giờ đây sự giàu có ấy vẫn còn vương vấn khá đậm nét qua hệ thống cơ sở hạ tầng. Ở quốc gia này đường cao tốc không có nhiều nhưng quốc lộ rất đẹp và không thu phí. Quy hoạch của Caracas phải nói là tuyệt vời. Thủ đô nằm trên một vùng bán sơn địa, đồi trập trùng, uốn lượn đến sát bờ biển. Ở đó đường gần như không có giao cắt, gần như không phải dùng đến đèn đỏ đèn xanh, tuyệt nhiên không thấy ùn tắc bao giờ.
Máy làm đất khổng lồ |
Xe chạy toàn hãng Mỹ như Ford, Chevrolet hay hãng Nhật kiểu vượt địa hình như Toyota Landcruise “chấm” từ to đến rất to vì xăng hầu như không cần phải quan tâm, một vài USD là đủ chạy nát cả đời xe. Hiện tại 1 lít xăng A95 ở đây là 6 Bolivar, A 91 là 2 Bolivar, 1 lít dầu Diezel là 0,48 Bolivar. Tỷ giá chính thức là 1 USD đổi được 70.000 Bolivar nhưng trên thị trường tỷ giá chợ đen là 1,4 triệu Bolivar.
Xe khỏe, phóng tít mù nhưng tai nạn giao thông rất hãn hữu vì người Venezuela tuân thủ luật rất tốt. Ngay trong thủ đô Caracas xe phóng ào ào 70-80 km/h là chuyện thường vì vỉa hè không bị lấn chiếm để buôn bán, người dân cũng không tràn ra mặt đường đông đúc như ở ta mà họ ở trong những khu riêng biệt bên trong.
Nhiều cán bộ cũng như tầng lớp bình dân Venezuela vẫn còn ấn tượng với Hugo Chavez vì nhờ ông mà họ mới có nhà. Những ngôi nhà chung cư nhiều tầng hay các dãy nhà tập thể dạng cấp bốn có mái lợp bằng tôn trước đây hẳn khá tốt nhưng do không được bảo dưỡng nên dần xuống cấp. “Đây là nhà của tổng thống Hugo Chavez làm cho đấy!”. Họ tự hào khoe với như chúng tôi như vậy.
Hầu như không có nhiều đồ vật đáng giá cả trong những căn nhà rộng trung bình 50-60m2 kiểu ấy. Nhiều gia đình phải vật lộn với mối lo đói hiện diện mỗi ngày một rõ, bí bách quá đành gọi bán cả ti vi, máy tính đi để mua thực phẩm. Cặp vợ chồng công nhân với 4 đứa con kèm theo ở gần chỗ chúng tôi, đến chơi nhà mà mở tủ lạnh ra thấy rỗng tuếch. “Sao anh chị không có thịt cá hay thức ăn gì dự trữ à?”. Chúng tôi hỏi. Họ đáp: “Làm gì có tiền?”.
Lương của họ nếu quy theo giá chợ đen chỉ được vài USD, chủ yếu dành để mua ít cân bột ngô về cầm cự. Thi thoảng người chồng cũng đi săn được ít chim trời, cá sấu hay thú rừng loanh quanh về cải thiện. Chó hoang đầy rẫy ngoài đường, khá gầy gò, khá dễ gần nhưng không thấy ai bắt để thịt cả. Tủ lạnh tuy không có gì bên trong để mà bảo quản nhưng vẫn cắm điện 24/24 vì điện, nước, xăng dầu được nhà nước tài trợ, rẻ như cho. Dùng thoải mái 1 tháng có khi vẫn không hết quá 1/4 USD.
Điện thoại thông minh loại 3-4 triệu ở Việt Nam sang đây đã là hàng sang trọng vì rất nhiều người còn sử dụng điện thoại phím cơ, màn hình trắng đen. Viện Nghiên cứu Nông nghiệp chỗ chúng tôi cộng tác có 60 người nhưng chỉ có 3 cái ô tô trong đó 1 cái là xe Tàu...
Kéo người dân trở về với nông thôn
Ngân sách quốc gia phụ thuộc phần lớn nhờ nguồn thu dầu khí. Trong thời gian thịnh vượng, dân chúng bỏ đất hoang lũ lượt rời quê để sống bám vào các khu đô thị, chờ đợi vào các chế độ trợ cấp của nhà nước. Khi giá dầu trượt dốc cộng thêm cấm vận ngặt nghèo nên ngân sách quốc gia của Venezuela lập tức có vấn đề. Các mô hình nông nghiệp mà chúng tôi sang đây giúp nuôi cho bạn hi vọng rằng có thể kéo người dân trở về với đồng ruộng, có thể tự cung, tự cấp được lương thực thực phẩm, vượt qua cơn hiểm nghèo.
Đo đạc đồng ruộng |
Những chuyên gia Việt Nam đầu tiên sang đây đúng vào giai đoạn kinh tế bất ổn nên bạn không có đủ điều kiện để đáp ứng cho đoàn. Thay vì được bố trí chỗ ăn chỗ ở chúng tôi phải tự đi tìm. Chỉ có vài chục người Việt kể cả chuyên gia nông nghiệp, cán bộ giàu khí lẫn nhân viên đại sứ quán (trong đó nghe nói chỉ có 2 Việt kiều) trên toàn cõi Venezuela. Ít ỏi quá nên ra đường bạn toàn nhầm chúng tôi là người Trung Quốc. Dân chúng rất niềm nở với khách nước ngoài. Cảnh đánh cãi chửi nhau không thấy sẵn như ở ta chỉ có điều trấn lột xảy ra khá nhiều.
Lúc mới sang, mấy anh em ở đại sứ quán Việt Nam có dặn chúng tôi rằng: “Mỗi người đi đường nên mang theo 5-10 USD hoặc một ít tiền Bolivar để nếu có ai dí súng vào đầu thì đưa hết ra hòng bảo toàn tính mạng”. Cánh chuyên gia chúng tôi chưa bị cướp bao giờ nhưng mấy người Việt sang trước đó đã từng bị.
Bởi vậy, tối đến hầu hết mọi người tránh ra đường một mình, nếu có việc phải đi theo từng nhóm bằng ô tô chứ không được đi bộ. Những hàng rào bảo vệ của các nhà giàu ở Venezuela rất kiên cố, tường bao cao 4-5 m không nhìn thấy nhà bên trong nhưng vẫn phải chăng thêm 6-7 đường dây điện trần bên trên nữa.
Có những công ty an ninh chuyên đi đấu điện cho các hàng rào kiểu này. Chúng tôi thuê được 1 căn biệt thự 8 phòng, 1 gara đủ chứa 2 ô tô, có vườn tược bao quanh với giá rất rẻ chỉ khoảng 100 USD. Ngay lập tức phải thuê người đến đấu thêm 6 đường dây điện trần trên tường bao mới tạm yên tâm.
Nhiều chủ đồn điền đi làm hay đi chơi đều dắt tòng teo bên hông khẩu súng lục như cao bồi miền tây của Mỹ để phòng cướp bóc. Biệt thự của họ ở thì các “biệt phủ” của đại gia bên mình còn thua xa vì toàn đồ nội thất Ý, Đức mạ vàng, mạ bạc rất đế vương. Trong gara không thiếu ô tô BMW, Landcruise, trong bốt gác có người bảo vệ cả tối lẫn sáng. Các quán ăn kiểu Châu Âu sang trọng tối nào cũng ken đặc xe ô tô của các ông chủ trang trại.
Tiền mặt mất giá khủng khiếp 1 USD đổi theo tỷ giá chợ đen là 1,4 triệu Bolivar. Ăn một bữa ở nhà hàng bình thường đã mất cả tháng lương công chức nên chuyện đi nhà hàng là cực kỳ xa xỉ với giới bình dân. Lúc mới sang, chúng tôi được quy định mỗi ngày chỉ rút từ ngân hàng ra 15.000 Bolivar (chưa được nổi 1 USD) trong khi đó nếu gửi xe ô tô bên ngoài đã mất 10.000 Bolivar. Ô tô nếu để vạ vật vỉa hè, lề đường như ở ta sẽ bị mất cắp hay tháo đồ ngay lập tức.
Cây rút tiền nào cũng một hàng dài người cả trăm mét chờ đợi bên ngoài. Xếp hàng là một “đặc sản” ở đây, dù nắng thiêu hay mưa trút nhưng vẫn rất văn minh, trật tự. Tiền mặt mất giá nhưng dù sao vẫn còn hơn tiền thẻ vì tỷ lệ quy đổi giữa tiền mặt và tiền thẻ là 3 ăn 10. Thẻ dù có hàng trăm triệu Bolivar đi chăng nữa nhưng theo quy định hiện tại mỗi lần xếp hàng chỉ được lấy tối đa 100.000 Bolivar. Nhiều mặt hàng không thể mua được bằng thẻ mà phải “tiền tươi thóc thật”. Trong các siêu thị vẫn có nhiều quần áo vải vóc, đồ dùng thiết yếu chỉ có lương thực, thực phẩm là hiếm hoi.
Trồng rau để tăng gia |
Venezuela nổi tiếng với chuyện đóng góp nhiều người đẹp cho các cuộc thi hoa hậu thế giới nhưng mặt bằng chung nhan sắc ở đây trong mắt chúng tôi cũng thấy bình thường, nhất là con gái ở vùng nông thôn, da ngăm ngăm và khá mập mạp. Họ quan trọng đời sống tình cảm hơn là những ràng buộc pháp lý trong hôn nhân. Thấy hợp nhau thì về ở, được một thời gian nếu có vấn đề thì lại chia tay. Con cái thường do vợ nuôi nhưng chồng cũng phải có trách nhiệm đóng góp. Những đứa trẻ nghĩ về cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ chúng cũng rất nhẹ nhàng.
Ở nhiều tháng nhưng hầu như chúng tôi không gặp bất kỳ một đám cưới nào trừ một lần ở khách sạn 5 sao. Đó là đám cưới của người giàu, chú rể lại ở nước khác còn cô dâu là người bản địa. Một người đàn ông Venezuela có thể lấy 1 bà vợ hơn tới 10-15 tuổi có 4 đứa con từ 4 ông chồng khác nhau nhưng người chồng mới này vẫn quý, đối xử như con của chính mình. Một điều lạ nữa là chưa bao giờ chúng tôi thấy một người phụ nữ nào ra đồng làm việc. Họ chỉ ở nhà sinh con và nội trợ. Công việc nặng nhọc toàn do đàn ông đảm trách…