Theo đó, trong thời gian tới, các chủ thể tiếp tục nâng tầm các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, truyền thống để vươn xa trên thị trường.
9 sản phẩm “có sao”
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, cho hay: Năm 2020, có 11 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 9 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, gồm: dầu phộng Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), trà Diệp Hạ Châu (TX Đông Hòa), nước mắm Tân Lập (TX Sông Cầu), rượu tằm Hòa Phong, hạt tiêu đen Sơn Thành (huyện Tây Hòa), Gạo thơm Hoa Vàng (huyện Tuy An), cam sành, cam V2, bưởi da xanh (huyện Sông Hinh). Các sản phẩm OCOP đạt hạng sao nêu trên được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày quyết định được ký ban hành.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Ngoài các sản phẩm đã được công nhận hạng sao, có 55 sản phẩm khác gửi hồ sơ về Hội đồng OCOP cấp tỉnh đề nghị thẩm định. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang phát triển thị trường rất tốt như: gạo, nước mắm, trà…Không dừng lại ở đó, Ngành nông nghiệp đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, bao gồm sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, thảo dược, mỹ phẩm, của địa phương mình đăng ký tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong năm 2021.
Gạo thơm Hoa Vàng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) được đứng vào tốp “9 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên”. Gạo này chất lượng vượt trội bởi phương thức sản xuất an toàn theo quy trình sản xuất lúa được HTX kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống đến sản xuất. Nông dân liên kết với HTX tham gia sản xuất lúa chất lượng, hạn chế tối đa dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng thiên địch phòng dịch hại.
Bà Bùi Thị Hồng, thành viên HTX sản xuất lúa chất lượng, chia sẻ: Chúng tôi tham gia sản xuất lúa chất lượng được HTX bao tiêu sản phẩm đầu ra, lại mua cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg, với giá bán cao hơn thị trường thì 1 tấn lúa nông dân lãi thêm được 1 triệu đồng. Gạo thơm Hoa Vàng vừa được công nhận sản phấm OCOP cấp tỉnh gắn 3 sao, tạo điều kiện được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, nông dân liên kết sản xuất sẽ có thêm thu nhập cao hơn.
Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nghiệp, cho hay: Năm qua, HTX sản xuất 60 tấn gạo thơm Hoa Vàng, thị trường tiêu thụ tốt, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Nhờ sản xuất an toàn, sản phẩm gạo thơm của HTX nhanh chóng ghi dấu ấn trên thị trường, khả năng cạnh tranh được nâng cao.
Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng
Một khó khăn mà nhiều chủ thể OCOP ở các địa phương đang gặp phải đó là vấn đề thị trường. Nhiều cơ sở quy mô chưa lớn, đầu tư cơ sở vật chất chưa bài bản vì thế khi thị trường có nhu cầu lớn chưa thể đáp ứng được.
Giải pháp nâng tầm sản phẩm OCOP mà ngành NN-PTNT tỉnh Phú Yên đưa ra hiện nay đó là việc hỗ trợ các chủ thế nâng cao chất lượng mẫu mã bao bì sản phẩm. Địa phương tiếp tục thực hiện các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp. Cùng với đó nâng tầm chất lượng sản phẩm lên 4 sao, 5 sao, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng nông thôn mới bền vững.
Làng nghề nước mắm truyền thống Gành Đỏ (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu) hình thành từ hàng trăm năm nay. Tại đây có hơn 70 hộ chuyên làm nghề mắm, mỗi năm làng nghề nước mắm Gành Đỏ đưa ra thị trường không dưới 2 triệu lít mắm. Theo ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, địa phương có làng nghề truyền thống đó là nước mắm Gành Đỏ, rượu Quán Đế (xã Xuân Bình), sản phẩm được công nhận sản phẩm cấp tỉnh, nằm trong tốp 11 sản phẩm có “sao”. Thời gian đến địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng hạng sao.
Phát biểu tại buổi lễ tổ chức lễ trao quyết định của UBND tỉnh công nhận các sản phẩm OCOP, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị: Để có thêm nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng, các đơn vị, địa phương liên quan phải chủ động khảo sát toàn bộ các sản phẩm. Từ đó, xác định rõ sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của địa phương để tư vấn giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của chương trình OCOP.
Riêng đối với các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, cần tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để được nâng hạng sao. Ngành nông nghiệp duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, quản lý hoạt động của các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP để đạt hiệu quả và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế của địa phương.