| Hotline: 0983.970.780

Những việc làm vụ lợi của GĐ Sở NN-PTNT Yên Bái

“Ôm” các dự án, kê khai tài sản không trung thực

Thứ Năm 22/05/2014 , 08:15 (GMT+7)

Bước chân về làm giám đốc Sở NN-PTNT Yên Bái ông Phạm Văn Lái lập tức “ôm” các dự án. / Những việc làm vụ lợi của GĐ Sở NN-PTNT Yên Bái

Vừa làm GĐ Sở vừa kiêm nhiệm GĐ dự án, khi không kham nổi thì hạ mình xuống làm nhân viên để hưởng 50% lương. Đặc biệt, kê khai tài sản không trung thực...

Ông Phạm Văn Lái tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp I, chuyên ngành BVTV, tháng 12/1979 được điều lên công tác tại tỉnh Hoàng Liên Sơn, nay được tách ra thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái.

Tháng 7/2008 ông Lái được bổ nhiệm làm GĐ Sở NN-PTNT Yên Bái, ông tiến hành phân công lại các lĩnh vực phụ trách cho các phó giám đốc, còn ông thì “ôm” luôn cả 3 Ban QLDA: Ban QLDA Đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi, Ban QLDA Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học, Ban QLDA Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc tỉnh Yên Bái.

Xin được trích đơn tố cáo của bạn đọc như sau: “Kể từ khi ông Lái lên làm GĐ lập tức ông ôm tất cả các dự án xây dựng của ngành vào tay mình, kể cả những dự án ông không hề có kiến thức như Ban QLDA Đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi, lẽ ra lĩnh vực thủy lợi ông giao cho ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó GĐ là kỹ sư thủy lợi phụ trách, theo dõi. Với việc làm đó để các nhà thầu dễ đi đêm với ông...” (?!).

Lạ lùng thay, không chỉ phụ trách ông còn trực tiếp làm giám đốc Ban QLDA, đó là dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học”.

Ngày 8/4/2009 khi UBND tỉnh Yên Bái có QĐ số 430/QĐ-UBND giao cho Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư dự án và ủy quyền cho GĐ Sở thành lập Ban QLDA. Ngay hôm sau, ngày 9/4/2009 ông Lái ra QĐ số 26/QĐ-SNN thành lập Ban QLDA, giao cho chính mình làm GĐ dự án.

Được biết dự án này có nguồn vốn ban đầu là 54 tỷ, sau được bổ sung lên 93,2 tỷ, sau 7 tháng hoạt động không rõ kết quả ra sao, ngày 26/11/2009 ông Lái ra quyết định số 170/QĐ-SNN nhằm “kiện toàn lại Ban QLDA”, lần này ông Lái vẫn giao cho mình làm GĐ dự án.

Sau hai lần ra quyết định giao cho chính mình làm GĐ, không rõ lý do gì đến ngày 27/10/2010 ông ra QĐ số 25/QĐ-SNN “nhường ngôi” GĐ cho người khác và hạ mình xuống làm cán bộ kiêm nhiệm. Đây có phải là sự hạ mình vĩ đại nhất trong cuộc đời làm lãnh đạo của ông?

Tuy nhiên, người ta nói ông muốn “sạch tay” không muốn sau này phải đối mặt với các cơ quan điều tra nên mới hạ mình như vậy. Tuy làm nhân viên nhưng vẫn được hưởng 50% lương, tức là mỗi tháng ông được nhận 4.331.250đ, sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân ông còn được lĩnh 4.114.700đ/tháng.

Không chỉ hạ mình xuống làm nhân viên ở Ban QLDA “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học” ông còn tiếp tục hạ mình xuống làm chuyên gia cho Ban QLDA “Hỗ trợ hoạt động thử nghiệm mô hình và khuyến nông tại tỉnh Yên Bái trong khuôn khổ dự án Nông lâm kết hợp cho sinh kế các hộ gia đình Tây Bắc Việt Nam” do Tổ chức Nông lâm thế giới (ICRAF) tài trợ.

Điều đáng quan tâm ở đây ông là GĐ Sở ký thỏa thuận với tổ chức ICRAF, sao lại tự hạ thấp mình như vậy? Ngành Nông nghiệp Yên Bái không còn ai đáng làm chuyên gia mà phải cần đến ông GĐ Sở? Được biết dự án này có tổng mức kinh phí là 50.805 AUD, tương đương 53.853 USD, quy đổi sang tiền Việt Nam thành 1.109.371.800đ. Phụ cấp mỗi tháng ông được lĩnh là 90 USD, tương đương 1,8 triệu đồng.

Đó là điều không thể hiểu nổi, sao ông luôn hạ mình như vậy? Phải chăng ông lo lắng cho sự thành công của các dự án hơn là sự phát triển SX nông nghiệp của Yên Bái, nên ông phải có tên trong các dự án đó? Có người vui vẻ nói rằng: Mùi đồng tiền có sức quyến rũ ghê gớm, dù đó là những đồng tiền lẻ...

Trong đơn tố cáo ông Phạm Văn Lái kê khai tài sản không trung thực, xin trích: “Ông Lái không chỉ mua nhà mua xe cho con trai Phan Anh Tuấn ở Hà Nội, cuối năm 2013 ông tiếp tục mua xe cho con trai Phan Anh Tiến hơn một tỷ đồng.

Tổng giá trị tài sản của ông Lái do con cái đứng tên hàng chục tỷ đồng? Với đồng lương giám đốc và hai đứa con ông Lái vừa ra trường, thu nhập mỗi tháng bao nhiêu mà tài sản nhà ông kếch xù như vậy? Nếu đó không phải là tiền của ông Lái đã rút ruột các dự án do ông ấy phụ trách?”.

Trả lời câu hỏi của PV về số tài sản không được ông Lái kê khai, ông Lái giải thích: Năm 2003 tôi mua ngôi nhà liền kề, giá khi đó rất rẻ, với diện tích 69 m2, sau đó xây dựng thì sang tên cho con trai nên không kê khai...

Hai đứa con trai của ông Lái đều mới ra trường, Phan Anh Tuấn đi làm từ 1/9/2008, Phan Anh Tiến thì mới vào làm hợp đồng tại Phòng Kế hoạch-Tài chính Sở NN-PTNT Yên Bái từ 1/7/2013 nhưng đều sở hữu một khối tài sản lớn là điều không bình thường. Ông Lái thừa nhận những tài sản đó do ông mua, nhưng lại đứng tên con, nên ông không kê khai. Như vậy, có thể hiểu ông Lái kê khai tài sản không trung thực. Đó chính là sự phân tán tài sản mà bạn đọc tố cáo là có cơ sở.

Tìm hiểu chiếc xe ô tô biển số 21A.000.35 hiện ông Lái đang đi theo đơn tố cáo. Được biết chiếc xe đó mua từ nguồn tiền của Ban QLDA phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc tỉnh Yên Bái, với giá 1,070 tỷ đồng được đăng ký biển xanh. Sau khi đăng ký xong ông Lái kéo chiếc xe đó về Sở và ông đi chiếc xe đó.

Đây là sự “biến hóa” từ xe của dự án thành xe của Sở phục vụ cho chính mình. Theo phản ánh của một số người, cán bộ Ban QLDA muốn đi công tác thì phải đi mượn xe, hoặc thuê xe, chứ không dám động vào chiếc xe của GĐ.

Theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước quy định như sau: Các chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 được trang bị 1 xe ôtô từ nguồn xe điều chuyển. Nếu không có xe điều chuyển thì được mua tối đa 550 triệu đồng/xe để phục vụ công tác.

Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hoạt động tại miền núi, hải đảo mà không có xe điều chuyển thì được mua 1 xe ô tô với giá tối đa là 550 triệu đồng/xe, nếu phải mua xe 2 cầu thì giá tối đa 800 triệu đồng/xe.

Hàng ngày ông Phạm Văn Lái “cưỡi” chiếc xe trị giá trên 1 tỷ là trái với quy định của Chính phủ. Đó chính là sự tư lợi cá nhân của ông Lái, ông tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm bất chấp các quy định của pháp luật.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.