Bác sĩ Xuân Anh bên những bệnh nhân nhí |
Anh là Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Saigon Ito và Phòng khám Mỹ Quốc, được cộng đồng mạng đặt cho rất nhiều danh xưng, như bác sĩ nhân ái, ông Bụt, bác sĩ có bàn tay vàng…
“Nâng niu bàn tay Việt”
Nguyễn Xuân Anh tốt nghiệp Khoa Chấn thương chỉnh hình, vi phẫu tạo hình, phẫu thuật bàn tay, ĐH Y Dược TP.HCM năm 1998. Sau khi tốt nghiệp, về công tác tại BV Chấn thương Chỉnh hình với 10 năm gắn bó, ngoài ra còn 6 năm làm việc tại một bệnh viện quốc tế, đủ giúp anh có nhiều kinh nghiệm.
Cũng thời gian này, anh được làm việc với một chuyên gia Pháp về phẫu thuật dị tật bàn tay trẻ em và các di chứng bàn tay do phỏng. “Tại BV Quốc tế, tôi thấy rất tội cho các bé dị tật bàn tay, vì chi phí phẫu thuật khá cao so với khả năng của các gia đình các bé. Thường họ đành quay về, chờ có cơ hội được phẫu thuật từ thiện từ các phái đoàn BS nước ngoài”, BS Xuân Anh chia sẻ.
Cũng chính từ những băn khoăn, lo lắng và thương cảm ấy, anh quyết định nghỉ việc tại BV Quốc tế, một trong những bệnh viện mà nhiều người mong muốn "đầu quân" để về làm việc tại bệnh viện tư, dành thời gian cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
“Tôi muốn tận dung chuyên môn, khả năng, cũng như kinh nghiệm 20 năm làm nghề để vừa khám và điều trị cho những bệnh nhân là người lớn có bệnh lý về xương khớp, vừa có thể phẫu thuật cho những em bé có vấn đề về bàn tay bẩm sinh hay gặp tai nạn bị mất chức năng cầm nắm, đặc biệt những em bé nghèo khó.
Vì thực ra các bé chỉ bị tật chứ không tàn phế, nếu được phẫu thuật chỉnh sửa tốt hầu hết có thể phục hồi được thẩm mỹ và chức năng bàn tay, giúp các bé bớt mặc cảm với bạn bè và hoà nhập với cuộc sống hiện tại và tương lai”, anh chia sẻ.
Để giúp được nhiều trẻ em mổ miễn phí và được hưởng tốt nhất có thể như những trường hợp đóng tiền bình thường khác, những ca phẫu thuật nhẹ, chi phí thấp thì BS Xuân Anh đã sử dụng quỹ của mình tự thanh toán cho bệnh nhân. Những trường hợp bệnh nặng, phẫu thuật khó, chi phí nằm viện cao, anh vận động bạn bè và cộng đồng facebook hỗ trợ. |
Từ năm 2015, BS Xuân Anh đã thực hiện ước mơ của mình là “Nâng niu bàn tay Việt”. Anh bắt đầu nhận phẫu thuật miễn phí hoặc hỗ trợ viện phí phẫu thuật cho các bé bị tật bàn tay hoặc bị thương tật bàn tay do phỏng gây biến chứng sẹo co rút nặng mất chức năng bàn tay. Trong 2 năm qua, anh đã giúp được hơn 50 bé, trong đó có những bé mắc hội chứng Aperts biến dạng nặng đôi bàn tay.
Hội chứng Aperts do đột biến gen trong quá trình hình thành bào thai, tỷ lệ rất hiếm từ 1/160.000 người bị. Hội chứng này gây đa dị tật trên hộp sọ, hàm mặt, dính chùm xương hai bàn tay và hai bàn chân nên mất khả năng cầm nắm...
Kêu gọi xây nhà cho bệnh nhi
Từ những em bé ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu… hay đến những em bé ở tận Nam Định cũng được đôi bàn tay ấy nâng niu và san sẻ những nỗi đau, tạo cho các em có một cuộc sống mới tươi đẹp hơn.
Khi kể cho tôi nghe về bé Khánh Nhi, 2 tuổi ở Lagi (Bình Thuận), bị sẹo phỏng co rút bàn tay do phỏng nồi cơm điện mà ánh mắt anh ánh lên niềm hạnh phúc. Năm 2016, tình cờ một người bạn anh gặp bé, thấy bé gái nhỏ thó, đôi mắt bị lồi, miệng bị méo, bàn tay bàn chân dính hết vào nhau. Thương cảm, người này đã lên tiếng xin BS Xuân Anh giúp đỡ.
Nhìn những hình ảnh bạn anh gửi về, nhà bé nghèo đến nỗi chỉ dựng tre nứa xung quanh ở tạm, nên khi bị phỏng bé cũng không được đi khám, anh chạnh lòng, xót xa, liền đồng ý phẫu thuật miễn phí tách bàn tay chân cho bé. Thế là bé Khánh Nhi được lên Sài Gòn. Bằng kinh nghiệm và sự tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ, anh đã giúp bé có thể cầm nắm và sinh hoạt như bao đứa trẻ khác.
Không những phẫu thuật miễn phí, mà BS Xuân Anh đã kêu gọi bạn bè, cộng đồng mạng quyên góp được hơn 30 triệu đồng để xây cho gia đình bé 1 căn nhà cấp bốn nho nhỏ để gia đình kịp đón năm mới. Đâu phải ai cũng làm được điều ấy. Tôi thầm cảm phục người BS trẻ, điềm đạm, ít nói nhưng khi gặp các bệnh nhi thì giống như có một phép màu, anh trở nên vui vẻ, ân cần, bao dung, như một ông Bụt...
Bệnh nhân nối tiếp bệnh nhân
Bé Thông Thái Lâm (7 tuổi), người dân tộc Chăm, ở thôn Lương Bắc, Bắc Bình, Bình Thuận. Từ khi chào đời, 10 đầu ngón tay ngón chân của Lâm đã dính vào nhau, mỗi khi trở trời lại đau nhức. Gia đình chỉ có mẹ và bà ngoại, lúc nào cũng ao ước một ngày nào đó có tiền để cho Lâm đi phẫu thuật, nhưng ước mơ mãi xa vời.
Cho đến một ngày có các thầy cô giáo biết về Lâm và đã kết nối được với BS Xuân Anh và hỗ trợ đưa bà cháu Lâm vào Sài Gòn chữa bệnh. Các thầy cô và BS Xuân Anh cũng kêu gọi thêm cộng đồng tiếp sức cho hai bà cháu bởi hành trình trả lại đôi bàn tay cầm viết cho Lâm còn rất dài.
BS Xuân Anh cho biết, bé Lâm bị dính phức tạp bốn ngón hai bàn tay, hai bàn chân, vừa dính vừa có các ngón thừa rất hiếm gặp. Ca phẫu thuật đầu tiên đã tạo hình thành công cho bàn tay phải của Lâm. Sau một tuần, BS sẽ tiếp tục tạo hình cho bàn tay trái. Khi tháo băng, nếu tình hình ổn, Lâm sẽ được cho về. Và sau sáu tháng, Lâm sẽ được tiếp tục mổ đợt 3 và 4 để tách tiếp các ngón còn lại.
“Nhờ sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, đã viết nên một câu chuyện cổ tích tuyệt vời dành cho bé Lâm, chỉ trong 2 tuần cuộc đời của con đã sang một trang mới, con đã có đôi tay cầm nắm được, tưởng chừng như rất bình thường so với các bạn bè khác, nhưng đối với con trước đây chỉ là giấc mơ, hiện con rất mừng hớn hở khoe với BS là hôm nay con đã cầm muỗng ăn cơm, cầm chai nước uống, cầm đồ chơi... và chắc chắn một điều là năm sau lên 8 tuổi con sẽ được cắp sách đến trường để học viết chữ như bao bạn khác, hành trang cần thiết để sau này tự con sẽ làm thay đổi số phận nghèo của gia đình”, những dòng chia sẻ xúc động được BS Xuân Anh viết trên facebook của mình.
Lại thêm một lời cầu cứu BS, đó là trường hợp bé Vy Oanh (4 tuổi) ở huyện Đồng Xoài, tỉnh Phú Yên, gia đình bé cũng thuộc hộ nghèo, mắc hội chứng Aperts đã được một nhóm từ thiện liên lạc với BS. Nhận thấy bé còn quá nhỏ, khả năng mình có thể giúp, nên giống như những trường hợp trước, BS Xuân Anh đã không ngần ngại nhận lời.
Sau thời gian gần 3 tuần điều trị tại Sài Gòn, bé đã được phẫu thuật 2 đợt để tách các ngón hai bàn tay với sự giúp đỡ của các cô y tá đã tận tình chăm sóc vết thương mỗi ngày, nay vết thương của bé đã lành con được về nhà. Lần đầu tiên sau 4 năm chào đời con đã tự cầm được cái muỗng trên chính bàn tay phải của mình.
Hạnh phúc, niềm vui, sự sẻ chia trong cuộc sống… không phải đến từ trong truyện cổ tích, hay trong những giấc mơ, mà đến từ ngay những điều hiện thực mà BS và cộng đồng mạng đã và đang giúp những số phận trẻ thơ hy vọng sẽ được thay đổi tốt hơn từ sau những cuộc phẫu thuật đó.
Khi tôi hỏi anh, con đường “Nâng niu bàn tay Việt” của anh khi nào thì hoàn thành. Anh không ngần ngại mà trả lời: “Chuyên ngành phẫu thuật bàn tay chân rất khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ, kiên nhẫn, có tay nghề và kinh nghiệm vi phẫu thuật. Và đặc biệt giới hạn tuổi vì cần đôi mắt tinh tường, tay không run, chính xác từng milimet... Qua 50 tuổi khó thực hiện, nên khi còn đủ sức khỏe, đôi bàn tay đủ vững, cặp mắt cận còn đủ tinh tường thì tôi sẽ tiếp tục chiến đấu giành lại đôi bàn tay cho các bé dị tật, để các em được trở về cuộc sống bình thường như bao em bé khác”. |