| Hotline: 0983.970.780

Ông trưởng bản với con đường thoát nghèo

Thứ Hai 18/06/2012 , 10:22 (GMT+7)

Từ khi có con đường lên đỉnh Thung Chùa, người dân bản Đằng Long (xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình) bỏ đói nghèo để sống khá giả. Kỳ tích ấy, một phần nhờ vào trưởng bản Triệu Văn Tiến.

Từ khi có con đường lên đỉnh Thung Chùa, người dân bản Đằng Long (xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình) bỏ đói nghèo để sống khá giả. Kỳ tích ấy, một phần nhờ vào trưởng bản Triệu Văn Tiến.

Bị chửi "điên"

Bản Đằng Long nằm xa nhất, khó khăn nhất xã Bắc Sơn. Ngày xưa, Đằng Long còn có một "bản con" nữa tên là Thung Chùa. Đó là một vùng đất biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Không điện, không đường, không ruộng... Thời tiết ở Thung Chùa lại khắc nghiệt, cây cối không phát triển, con người hay ốm đau bệnh tật. Thời chiến tranh, đã có lúc người dân Thung Chùa bỗng đổ bệnh rồi chết gần hết. Đất Thung Chùa trở thành hoang hóa, không một bóng người. Sau giải phóng, chính quyền cho Thung Chùa sát nhập luôn vào bản Đằng Long. Khó càng thêm khó, nhiều năm liền, Đằng Long luôn nằm trong danh sách những bản nghèo nhất huyện Kim Bôi.

Hai năm trước, ông Triệu Văn Tiến giữ chức trưởng bản Đằng Long. Đó là thời điểm cả bản có 47 hộ với 270 nhân khẩu, chủ yếu là người Dao, 100% thuộc diện hộ nghèo. Đất đai cằn cỗi nên Đằng Long cứ bị đói nghèo bám theo dai dẳng. Người trong bản phải lên tận Thung Chùa khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, trồng luồng, trồng lúa. Song, khoảng cách từ Thung Chùa đến bản Đằng Long xa gần chục cây số nên việc đi lại, vận chuyển hàng hoá rất khó khăn. “Lúa gặt về phải xử lý tại nơi, luồng trồng lên không có đường cho ô tô vào chở. Mỗi lần muốn bán người dân phải dùng trâu, bò kéo vài ba cây đi cả chục cây số đường rừng xuống trung tâm của bản. Vì vậy để gom được một xe ô tô luồng cũng phải mất cả tháng trời nên không có ai muốn đến đây mua”, ông Tiến kể.


Ông Tiến giới thiệu về con đường giúp bản làng thoát nghèo

Là người luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho bà con, suốt mấy tháng liền, đêm nào trưởng bản Tiến cũng trằn trọc nghĩ “mưu”. Bao nhiêu suy nghĩ hình thành trong đầu, nhưng vẫn chưa tìm được cách nào phù hợp. Một đêm, trong giấc ngủ, ông Tiến nghe như có người nói bên tai: Phải mở đường lên Thung Chùa thì cuộc sống người dân mới khá lên được.

Tỉnh dậy ông trưởng bản thấy cũng có lý và quyết định sẽ mở đường. Nhưng phải bắt đầu từ đâu, kinh phí thế nào…Đem thắc mắc ấy định bàn bạc với gia đình thì lập tức bà vợ ông “ca” một tràng như tát nước vào mặt. Vợ nói ông bị điên, các con nói bố cứ mơ mộng hão huyền. Không tìm được sự đồng thuận từ gia đình, vị trưởng bản tìm đến người dân. “Tôi tưởng trong buổi họp dân đó mọi người cũng sẽ chửi như vợ con tôi chứ. Ai ngờ mọi người đồng ý 100%. Sau buổi phổ biến, khoảng một tuần sau từng nhà đã tự giác mang tiền đến nộp đầy đủ”.

Con đường thoát nghèo

Rót chén nước chè mời khách, ông Tiến cứ liên tục gật đầu với tôi ra chiều mãn nguyện. Không phải mãn nguyện vì con đường mà mãn nguyện vì tấm lòng bà con dân bản. Một bản nghèo vậy mà mọi người đã xoay xở được để góp tiền mở đường. Chưa đầy một tháng, 47 hộ dân đã góp được hơn 200 triệu đồng.

Gánh vác trọng trách cao cả, ngày nào ông Tiến cũng trèo đèo lội suối thực địa rồi cặm cụi vẽ bản đồ về con đường, tính toán kinh phí… Con đường lên Thung Chùa chiếm hết tâm trí ông trưởng bản, khiến ông bỏ bê cả việc nhà. Nhiều hôm ông còn bỏ bữa, người gầy sọp đi khiến vợ con lo lắng. Dân làng thấy vậy cũng ái ngại mà khuyên ông đừng ôm việc vào thân, để từ từ rồi tính.

Năm 2009, con đường được khởi công từ trung tâm bản Đằng Long đến xóm Thung Chùa dài hơn 7 km. Ông phải xuống tận huyện thuê máy xúc, máy ủi về làm. Đường đi đá ghồ ghề hiểm trở, lại chênh vênh trên sườn núi khiến người lái máy được thuê mấy lần đòi bỏ cuộc. Trưởng bản Tiến phải  van nài: Hãy cứu giúp người dân chúng tôi, chỉ có con đường thì dân mới bớt khổ.

Ròng rã gần 2 năm trời, với bao sức người sức của, cuối năm 2010, con đường lên Thung Chùa cũng được hoàn thành. Chỉ một thời gian ngắn, bộ mặt bản Đằng Long thay đổi. Đường lên xóm Thung Chùa giờ đẹp lắm, xe máy chạy bon bon, ô tô chở luồng lên được tận đỉnh đồi. Mỗi mùa gặt lúa người dân không còn phải vất vả ăn chực nằm chờ trên núi. Thay vào đó, lúa gặt đến đâu đưa về nhà đến đó. Làm xong con đường huyết mạch mang sứ mệnh xóa nghèo cho dân bản, ông Tiến cũng nghỉ luôn chức trưởng thôn để lo đồng áng giúp vợ con.

Thành tích mà ông Tiến làm được, đến nay bà con ai cũng thầm nể phục. Về Đằng Long bây giờ, hỏi bất cứ người dân nào về sự đổi thay từ khi có con đường; từ già đến trẻ, ai cũng nói “có con đường người dân khấm khá hơn nhiều”. Minh chứng cho lời nói, chúng tôi được ông Tiến dẫn một vòng quanh làng, hầu như nhà nào cũng có ti vi, xe máy... Thỉnh thoảng lại có chiếc ô tô xe tải chạy ngược lên núi, một vài tiếng sau đã thấy xe luồng đầy ắp đi xuống.

Ông Triệu Văn Sinh, một trong những người tiên phong lên khai hoang vùng đất Thung Chùa, không giấu nổi niềm vui: “Sau năm 1975, khi đất nước hoà bình tôi đã lên trồng luồng, làm ruộng. Ngày đó không có đường sá như bây giờ. Để đến được ruộng cả gia đình tôi phải đi bộ mất cả ngày đường. Giờ thì khác rồi, có đường ô tô đi được. Người dân mỗi lần lên nương, núi chỉ mất mươi lăm phút đồng hồ. Hai năm nay, nhờ có ô tô vào núi mua luồng mà gia đình đã khấm khá”. Gia đình ông tới đây xây nhà gạch, lợp mái bằng thay cho nhà sàn. Trước đây chỉ có mình ông Sinh dám lên khai hoang, giờ Thung Chùa đã có hơn chục hộ lên an cư, lập nghiệp. Đường sá mở tới đâu ruộng lúa, hoa màu phát triển tới đó. Tất cả họ đều ghi lòng tạc dạ công lao của trưởng bản Triệu Văn Tiến.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.