Hôm 3/10, ông Zelensky đã gặp tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte, người đã vội vã đến Kiev chỉ 2 ngày sau khi nhận chức.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thuyết phục các đồng minh của mình về việc hỗ trợ bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái của Nga", ông Zelensky nói với các phóng viên, song lưu ý rằng "họ vẫn chưa sẵn sàng".
Kiev đã cố gắng thuyết phục các đồng minh NATO mở rộng hệ thống phòng không của họ vào lãnh thổ Ukraine trong nhiều tháng qua, cho rằng các hệ thống tên lửa do phương Tây viện trợ không thể ngăn chặn các cuộc tấn công sắp tới của Nga.
Hồi tháng 7, Ukraine đã ký một hiệp ước an ninh với Ba Lan theo các điều khoản này. Tuy nhiên, Warsaw đã rút lại thoả thuận với lý do cần phải tham vấn với NATO.
Tại cuộc họp báo với ông Rutte, Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine cần "đủ vũ khí cả về số lượng và chất lượng" để xoay chuyển tình thế trên chiến trường, bao gồm cả vũ khí tầm xa mà theo ông đang bị các đối tác của Kiev trì hoãn cung cấp.
Ông Rutte cho biết ông chọn Kiev là điểm đến đầu tiên của mình "để khẳng định rõ với các bạn, với người dân Ukraine và tất cả những người đang theo dõi, rằng NATO đứng về phía Ukraine".
Ông Rutte, người từng giữ chức Thủ tướng Hà Lan, cũng chia sẻ với nhà lãnh đạo Ukraine rằng "ưu tiên và đặc quyền" của ông là ủng hộ Kiev và sẽ nỗ lực để đảm bảo Kiev sẽ thắng thế. Ông cũng cam kết rằng sẽ có ngày Ukraine trở thành thành viên chính thức của NATO. Ông nhấn mạnh về vấn đề này, Nga không có quyền bỏ phiếu và cũng không có quyền phủ quyết.
Tuy nhiên, ông Rutte đã né tránh các câu hỏi về việc cung cấp hệ thống phòng không và những hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây, lưu ý rằng điều này không phải do NATO quyết định, mà phụ thuộc vào từng thành viên của khối.
"Tất nhiên, việc bắn hạ máy bay không người lái hoặc tên lửa xâm phạm lãnh thổ của đồng minh là quyết định của chính quyền các quốc gia", ông Rutte nói. Ông giải thích rằng do điều này cũng ảnh hưởng đến NATO, các quốc gia thành viên vẫn đang tham vấn chặt chẽ khi những tình huống này phát sinh.
Về các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa được chuyển giao cho Ukraine, "điều đó tùy thuộc vào quyết định của mỗi đồng minh và không phải của NATO", ông Rutte nói, song khối dự định thảo luận về vấn đề này tại phiên họp ngày 12/10.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng vấn đề không phải là phương Tây có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga hay không, mà thực tế là vũ khí tầm xa không thể được sử dụng nếu không có sự tham gia trực tiếp của quân đội phương Tây.
"Điều này có nghĩa là các nước NATO, Mỹ, các nước châu Âu đang chiến đấu chống lại Nga. Điều này sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột Ukraine và buộc Nga phải đưa ra quyết định phù hợp", ông Putin nói vào thời điểm đó.