Theo một báo cáo tình báo được tờ New York Times (NYT) trích dẫn, các nhà phân tích tin rằng ngay cả khi quân đội Ukraine được phép tùy ý sử dụng các tên lửa tầm xa, điều đó sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến cuộc xung đột do nước này chỉ sở hữu một số lượng hạn chế. Hơn nữa, sau các đợt tấn công ban đầu, Nga có thể sẽ di dời các cơ sở quan trọng ra khỏi tầm tấn công, khiến Ukraine khó đạt được thêm bất kỳ mục tiêu quân sự nào.
Bên cạnh đó, một quyết định như vậy sẽ là một canh bạc lớn, vì điều này có thể dẫn đến các cuộc tấn công "có thương vong" vào các tài sản quân sự của Mỹ trên toàn thế giới, NYT lưu ý.
Các phản ứng tiềm năng của Nga có thể bao gồm "từ các hành động phá hoại nhằm vào các cơ sở quân sự ở châu Âu đến các cuộc tấn công có khả năng gây thương vong vào các căn cứ quân sự của Mỹ và châu Âu", theo báo cáo. Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng nếu Moscow quyết định tấn công trả đũa, họ có thể "âm thầm phá hoại" thay vì thực hiện các cuộc tấn công công khai nhằm giảm nguy cơ xung đột leo thang hơn nữa.
Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine 3 loại hệ thống tên lửa tầm xa, bao gồm: ATACMS do Mỹ sản xuất, Storm Shadows của Anh và tên lửa SCALP của Pháp. Phía Nga đã nhiều lần cáo buộc Kiev sử dụng các tên lửa này để tấn công cơ sở hạ tầng và dân thường ở Crimea, cũng như các khu vực đã trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga.
Kiev đã liên tục yêu cầu Washington và các đồng minh dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng loại vũ khí này để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây của Ukraine cho rằng những hạn chế này là nhằm giúp họ tránh bị cuốn vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga trong khi duy trì viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập luận rằng việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công nước này sẽ trực tiếp kéo Mỹ và NATO vào cuộc chiến chính thức với Nga, vì Kiev phụ thuộc vào quân đội Mỹ trong việc cung cấp tọa độ tấn công. Trước đó, ông cũng khuyên các quốc gia thành viên NATO nên nhận thức được rằng "họ đang đùa giỡn với điều gì", cảnh báo rằng Nga có thể đáp trả bằng cách trang bị vũ khí chính xác tầm xa cho các đối thủ của phương Tây.
Ngoài ra, theo yêu cầu sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga được ông Putin công bố hôm 25/9, Moscow sẽ coi "hành động gây hấn nhắm vào Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào với sự tham gia hoặc hỗ trợ từ một quốc gia hạt nhân" là một "cuộc tấn công chung", có thể dẫn đến một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày "kế hoạch chiến thắng" của mình cho phía Mỹ trong tuần này, với hy vọng thuyết phục được Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa. Trước đó, Anh và Pháp cho biết họ sẵn sàng cho phép Ukraine toàn quyền sử dụng tên lửa hành trình tầm xa của mình, nhưng chỉ khi Washington đồng ý điều này trước.