UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi các sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội TPHCM; UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc đẩy mạnh tháng cao điểm tiêm vacxin phòng Covid-19.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Ban Quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp, các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp… tiếp tục đẩy mạnh tăng cường truyền thông, vận động người lao động tiêm vacxin phòng Covid-19; tiếp tục lập danh sách người lao động đủ điều kiện tiêm mũi nhắc lại lần 2 để phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện nơi đơn vị trú đóng để tổ chức tiêm vaccine ngay tại nơi làm việc tạo điều kiện thuận tiện cho người lao động.
“Tình hình Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, không ngoại trừ khả năng biến chủng mới xuất hiện khiến dịch tái bùng phát, nếu không có sự bảo vệ của vacxin thì rất nguy hiểm”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kêu gọi người dân đi tiêm chủng.
Sở Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ khẩn trương phối hợp Tổng Công ty Viễn thông Viettel - Chi nhánh Viettel Hồ Chí Minh, căn cứ dữ liệu trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 chủ động nhắn tin đến từng người dân đến các điểm tiêm đã được ngành y tế công khai trên Cổng thông tin để được tiêm nhắc lại nếu đủ điều kiện.
Sở Y tế bên cạnh việc công khai danh sách điểm tiêm cố định, điểm tiêm lưu động, cần công khai kết quả tiêm vacxin phòng Covid-19 của từng quận, huyện, TP Thủ Đức hằng ngày lên Cổng thông tin điện tử ngành y tế để công khai cho người dân được biết.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo trung tâm y tế trên địa bàn khẩn trương tiếp nhận hết vacxin đã được phân bổ để hoàn tất việc tiêm chủng cho người dân, đảm bảo trên 90% dân số trên địa bàn được tiêm mũi 3 và các đối tượng phù hợp tiêm mũi 4 được tiêm đầy đủ theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, chủ động thực hiện các biện pháp hữu hiệu để tuyên truyền đến người dân, thực hiện tiêm chủng hết vacxin đã được phân bổ, không để xảy ra tình trạng hủy vacxin do hết hạn sử dụng.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về tiêm vacxin và phòng chống dịch, người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, báo cáo số lượng người dân không đồng ý tiêm về Sở Y tế ngay sau khi đợt cao điểm kết thúc để tổng hợp báo cáo UBND TP.
Phối hợp với các khu chế xuất, khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp trên địa bàn để tổ chức tiêm vacxin phòng Covid-19 trong trường hợp số lượng người cần tiêm nhiều.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vacxin phòng Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vacxin giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 14/6, TP.HCM phát động tháng cao điểm tăng cường tiêm chủng phòng chống Covid-19 cho người dân. Cụ thể, người dân sẽ được tiêm các mũi bổ sung chưa tiêm, những người đã tiêm mũi 3 sẽ được tiêm tăng cường mũi 4.
Tuy nhiên, đến nay, công tác tiêm mũi 3, mũi 4 trên địa bàn TP.HCM diễn ra chậm, người dân có tâm lý dịch đã lắng xuống nên không cần tiêm nữa. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chưa đồng thuận cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm chủng, do đó chỉ khoảng 50% trẻ tuổi này được tiêm.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo trung tâm y tế trên địa bàn khẩn trương tiếp nhận vaccine đã được phân bổ để hoàn tất việc tiêm chủng cho người dân, đảm bảo trên 90% dân số trên địa bàn được tiêm mũi 3 và các đối tượng phù hợp tiêm mũi 4 theo đúng quy định.
Tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ tiêm vacxin phòng Covid-19 của Bộ Y tế với 20 tỉnh miền Nam ngày 24/6, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các tỉnh thành phải tiêm hết vacxin đã phân bổ trước 30/6.
Trong khi đó, theo báo cáo của các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang tồn hàng trăm nghìn liều vacxin, đơn cử như Vĩnh Long, Đồng Tháp mỗi nơi còn khoảng 200.000 liều, Bạc Liêu 250.000 liều, An Giang trên 100.000 liều... Do đó, nguy cơ vacxin hết hạn, phải hủy rất cao nếu không triển khai tiêm chủng kịp thời trong thời gian tới.