| Hotline: 0983.970.780

Phân bón chứa chất độc: Giới khoa học kịch liệt phản đối

Thứ Tư 27/01/2010 , 14:30 (GMT+7)

Khi loạt bài điều tra về hiện trạng hoạt chất cực độc Nitrobenzene sử dụng trong phân bón được công bố, NNVN nhận được rất nhiều phản hồi của giới khoa học, trong đó nhiều ý kiến lên án gay gắt.

Khi loạt bài điều tra về hiện trạng hoạt chất cực độc Nitrobenzene sử dụng trong phân bón được công bố, NNVN nhận được rất nhiều phản hồi của giới khoa học, trong đó nhiều ý kiến lên án gay gắt. Được biết, Cục Trồng trọt cũng đã có công văn gửi các cơ quan chuyên môn cho ý kiến về vấn đề này. 

>> Lại nhập nhèm giữa phân với thuốc
>> Phân bón chứa chất độc - Sự thật đang được che giấu?
>> Nông dân ''vô tư'' sử dụng phân bón lá chứa chất độc

Trung tâm NC Phân bón và Dinh dưỡng cây trồng (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa - SFRI) là đơn vị được SFRI giao nhiệm vụ phân tích độc chất Nitrobenzene để Viện có cơ sở trả lời Cục Trồng trọt. Chiều 26/1, trao đổi với NNVN, TS Cao Kỳ Sơn, Giám đốc Trung tâm NC Phân bón và Dinh dưỡng cây trồng, cho biết kết quả tìm hiểu bước đầu của Trung tâm như sau:

Nitrobenzene có công thức hoá học là C6H5NO2, là hợp chất nitro thơm đơn giản nhất, chứa nhóm nitro ở nguyên tử cacbon của vòng thơm. Nitrobenzene được điều chế bằng cách nitro hoá benzen, nguyên liệu chủ yếu là benzen, còn tác nhân nitro hóa có thể có nhiều loại như axit nitric, muối nitrat, oxit nitơ… Nitrobenzene là chất lỏng dạng dầu có mùi hạnh nhân, dung dịch trong nước có vị ngọt, ts = 210,8oC, khối lượng riêng ở 20oC: 1,1934 g/cm3.

Nitrobenzen là một trong các sản phẩm trung gian được sản xuất chủ yếu từ nguyên liệu ban đầu là than đá và dầu mỏ, qua nhiều quá trình chế biến hóa học khác nhau. Nitrobenzene chiếm một vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp hoá chất. Nitrobenzen có rất nhiều ứng dụng. Phần lớn được dùng để tổng hợp anilin, benzidin, dinitrobenzen, thuốc nhuộm, xà phòng, xi đánh giầy, thuốc nổ, dùng trong y dược, thuốc bảo vệ thực vật…Nitrrbenzene là dung môi chọn lọc dùng rất nhiều trong tổng hợp hữu cơ, chất oxi hoá…

Độc tính của Nitrobenzene được ký hiệu R23: Độc qua đường hô hấp, R24: Độc qua tiếp xúc với da, R25: Độc qua đường tiêu hóa, R40: Cơ sở của tác nhân gây ung thư, R48: Độc nếu tiếp xúc lâu dài, R51: Độc với động vật thủy sinh, R62: Nguy cơ giảm khả năng sinh sản.

Trên người: Có thể gây chết do không hô hấp được. Được phân loại là chất cực độc. Liều lượng uống trung bình gây chết người có thể từ khoảng 1-5 g. Các ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể có thể trì hoãn trong vài giờ. Nitrobenzene có thể hấp thụ nhanh chóng qua da. Rượu Ethyl làm trầm trọng hơn tình trạng ngộ độc gây nên bởi Nitrobenzene. Những người thường tiếp xúc sẽ mắc chứng thiếu huyết cầu tố, ngộ độc gan, ngộ độc thần kinh, tiềm ẩn gây ung thư. Liều gây chết trên chuột là 640 mg/kg.

Thời gian phân hủy của Nitrobenzene tùy thuộc nhiều yếu tố nhưng từ 64-125 ngày.

Trên thế giới có một vụ nổ nhà máy hóa chất Cát Lâm, tỉnh Hắc Long Giang – Trung Quốc xảy ra ngày 13/11/2005 làm 100 tấn Benzen và Nitrobenzene tràn ra sông Tùng Hoa làm cá chết trắng trên sông kéo dài cả 100 km, 10.000 người phải sơ tán.

Trong Thông tư của Bộ Công nghiệp số 01/2006/TT-BCN ngày 11 tháng 4 năm 2006, trong phụ lục số 3 “Danh mục hóa chất độc hại và sản phẩm hóa chất độc hại”, Nitrobenzene nằm vị trí thứ 63.

Trong Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009, có hiệu lực áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 trong Bảng 1 - “Nồng độ tối đa cho phép các chất hữu cơ trong khí thải công nghiệp phát thải vào môi trường không khí”, Nitrobenzene nằm vị trí số 69 với nồng độ tối đa 5 miligam trên mét khối khí thải chuẩn (mg/Nm3) là mét khối khí thải ở nhiệt độ 25oC và áp suất tuyệt đối 760 mm thủy ngân.

Cũng trong Thông tư này, Nitrobenzene(#) là thành phần nguy hại đặc biệt (có tính chất cực độc hoặc có khả năng gây ung thư hay gây đột biến gen rất cao) với ngưỡng hàm lượng tuyệt đối là 40 ppm.

GS Nguyễn Vi, nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa: "Nitrobenzene là chất gây độc mà Giáo sư Phan Liêu và Giáo sư Nguyễn Văn Uyển đã nói rất rõ trên NNVN số gần đây. Tôi gói gọn lại là dùng chất này sử dụng trong phân bón lá là một sự thiếu hiểu biết".

Nitrobenzene là 1 trong 81 chất tìm thấy trong thuốc lá có khả năng gây ung thư.

Từ trước đến nay chưa thấy sử dụng Nitrobenzene làm chất điều hòa sinh trưởng. Gần đây một số công ty sản xuất phân bón lá sử dụng Nitrobenzene như một dung môi hữu cơ.

Trong thư mục, chưa tìm thấy những nghiên cứu cơ bản về ảnh hưởng của Nitrobenzene đến sinh trưởng phát triển của cây trồng hoặc chất lượng nông sản.

Tóm lại: Nitrobenzene là một hóa chất hữu cơ rất độc đối với người, động vật thủy sinh… có thời gian phân hủy khá dài. Hơn nữa, Nitrobenzene cũng chưa được nghiên cứu kỹ về tác dụng nông học, về ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe con người và động vật. Do vậy, theo ý kiến của riêng tôi không nên cho sử dụng các loại phân bón trong thành phần có chứa Nitrobenzene nếu như doanh nghiệp sản xuất không bảo vệ được cơ sở khoa học và an toàn môi trường khi sử dụng các sản phẩm loại này cho cây trồng. Đề nghị yêu cầu tất cả các doanh nghiệp sản xuất phân bón lá nói riêng và các loại phân bón khác đảm bảo trong thành phần phân bón của mình không có Nitrobenzene.

ThS. Nguyễn Ngọc Trì (Trưởng Bộ môn Sinh lý-Sinh hóa-Trường Đại học Nông Lâm TPHCM): Chưa nước nào trên thế giới đưa chất này vào SX phân bón

“Từ trước đến nay làm công tác nghiên cứu giảng dạy, tôi chưa từng nghe công dụng của Nitrobenzene đối với cây trồng. Trái lại, theo một tài liệu nghiên cứu ở nước ngoài còn cho rằng Nitrobenzene có vai trò ức chế hình thành Ethylen trong cây. Ethylen (C2H4) chính là một trong 5 nhóm chất điều hành sinh trưởng chủ yếu của cây trồng, là một sản phẩm hình thành trong giai đoạn phát triển của cây trồng, nhất là điều hòa sự chín của trái cây. Trong tế bào, Ethylene được hình thành từ acid amin Methionin nên nó giúp cho cây ra hoa, trái chín sớm, cành giâm mau ra rễ. Hiện nay, chúng tôi có hẳn một qui trình tổng hợp Nitrobenzene và có thể thực hiện ngay tại nhà chỉ trong thời gian 1 buổi. Nhưng xét thấy do chưa thấy cơ sở khoa học để kết luận Nitrobenzene có lợi ích cho cây trồng nên không thực hiện.

Nitrobenzene đưa vào để SX phân bón lá quả là chuyện lạ, không bình thường, bởi các nước trên thế giới chưa ai làm như vậy. Họ chỉ sử dụng trong thuốc BVTV, ngoài ra còn sử dụng trong công nghiệp xi đánh giày, thuốc nhuộm... nhưng rất hạn chế.

Nitrobenzene là một chất lỏng liên kết không chặt chẽ với đất nên sau khi phun sẽ đi thẳng một phần vào nguồn nước ngầm bên dưới, có thể giữ lại trong cây nhưng đặc biệt là không giữ lại trong cá.

Qua các tài liệu nước ngoài xác định Nitrobenzene có độ độc LD50 349 mg/kg (độ độc giết chết 50% cá thể-PV), tức theo tôi đã ở “độ độc cấp 2”, đối với động vật có khả năng gây ra ung thư, còn trên con người thì các nghiên cứu khoa học gần đây thấy chưa rõ. Tùy thuộc thời gian và tần số tiếp xúc với Nitrobenzene mà gây độc nhiều hay ít trên cơ thể con người. Trong không khí, nếu tiếp xúc với Nitrobenzene nhiều sẽ gây chóng mặt, nhức đầu, đau cơ, thậm chí làm giảm khả năng mang oxy của máu.

Đ.QUYÊN

 

Nitrobenzene: Độc với máu, hệ thần kinh

* “Về lâu dài, Nitrobenzene có thể gây ung thư”

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Công nghiệp TP HCM cho biết, Nitrobenzene là chất lỏng có màu vàng nhạt, có mùi đặc trưng của dầu hạnh nhân. Là dung môi dùng rất nhiều trong tổng hợp hữu cơ. Nitrobezene là hợp chất cực độc, nhất là với máu, hệ thần kinh. Hít thở trong thời gian ngắn một lượng lớn Nitrobenzene sẽ nhanh chóng đưa đến mất cảm giác, có hiện tượng tê liệt, chóng mặt, nôn mửa, phá hoại hệ thần kinh. Khi cơ thể bị tác dụng lâu dài của Nitrobezene thì da bị xanh xám, rất dễ gây ung thư.  

Thạc sĩ Nguyệt cho rằng, trong xi đánh giày có thể có Nitrobenzene vì thấy dẫn xuất có màu nâu sẫm. Giáo sư Trần Văn Sung, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cũng khẳng định: “Về lâu dài, Nitrobenzene có thể gây ung thư”.

Nhưng điều nguy hại là hợp chất này dễ dàng gây hại thông qua sự tiếp xúc với da, đường hô hấp.  Vì thế, cũng như giáo sư Sung, tiến sĩ Phạm Thành Quân lo lắng những trẻ em đánh giày bị dính bết bởi những loại xi có pha các hợp chất của nitro. “Xi đánh giày có hợp chất của nitro, nếu bết vào da sẽ rất lâu phai, như thể chúng ta đi nhuộm da vậy. Còn hít lâu dài những loại xi này sẽ ảnh hưởng lên hệ thần kinh. Chúng rất độc hại đối với sức khỏe con người”, tiến sĩ Quân nói.

Nitrobenzen là chất lỏng, khó bay hơi nếu pha vào xi đánh giày, nó có tác dụng làm chậm bay hơi, làm sạch, bóng giày lâu. Nhưng cũng khá dễ để nhận biết xi đánh giày có pha hợp chất này. “Sản phẩm xi đánh giày có sử dụng chất nitrobenzen thường có màu vàng, mùi hắc”. Thông thường, hợp chất này thường dùng để phối màu, tạo thành những xi màu nâu, xi màu cao và thi thoảng có dùng để tạo xi màu đen. 

(Theo báo Đất Việt)

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm