| Hotline: 0983.970.780

Phân bón Lâm Thao góp phần đem lại giá trị cho hạt gạo thơm Hà Nội

Thứ Ba 25/10/2022 , 19:40 (GMT+7)

Mấy chục năm nay nông dân nhiều nơi quen với việc sử dụng “chay” phân bón vô cơ (đạm, lân, kali, NPK) cho lúa mà không để ý đến việc bổ sung phân hữu cơ

Hậu quả dẫn đến độ phì của đất ngày càng giảm, kết cấu đất bị phá vỡ, bị chai cứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đồng thời đây là tác nhân gây nên sự ô nhiễm môi trường đất, nước, làm bùng phát sâu bệnh hại, nông dân phải phun nhiều thuốc trừ sâu, trừ bệnh, nông sản bị ảnh hưởng đến chất lượng, về lâu dài sẽ không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nhằm khuyến khích sử dụng phân bón cân đối, phối hợp giữa phân hóa học và hữu cơ, vụ mùa năm 2022 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình hình “Trình diễn cây trồng giống mới năng suất chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu” tại 2 xã Thanh Văn và Kim Bài của huyện Thanh Oai trên quy mô 20 ha.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: NNVN.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: NNVN.

Lúa ở đây được cấy thưa, mạ non và chăm sóc khác với thói quen thông thường của bà con. Cụ thể, ở mô hình giảm sử dụng 50% lượng phân bón vô cơ: phân hữu cơ sinh học: 90 kg (2.500 kg/ha), phân hữu cơ nano: 1,25gr (35gr/ha), supe lân Lâm Thao 5 kg (140 kg/ha), NPK 4 kg (112 kg/ha). Cách bón: Bón lót trước bừa cấy, bón 100% phân hữu cơ sinh học  và supe lân Lâm Thao. Bón thúc lần 1: Khi lúa bén rễ bắt đầu đẻ nhánh: bón 2,5kg NPK,kết hợp phun phân hữu cơ nano lần 1 (phun tập trung với lượng 12,5gram/ha). Bón thúc lần 2: Khi lúa đứng cái bắt đầu phân hóa đòng bón 1,5 kg NPK, kết hợp phun phân hữu cơ nano lần 2 (phun tập trung nốt lượng phân hữu cơ nano còn lại: 22,5gram/ha).

Đối chứng, không sử dụng phân hữu cơ mà bón 100% phân vô cơ theo tập quán địa phương. Cụ thể, lượng bón cho 1 sào: Phân hữu cơ sinh học: 90 kg (2.500 kg/ha), supe lân Lâm Thao: 10 kg (280 kg/ha), NPK 8 kg (224 kg/ha). Cách bón: Bón lót trước bừa cấy 100% phân hữu cơ sinh học và phân lân. Bón thúc lần 1: Khi lúa bén rễ bắt đầu đẻ nhanh, bón 5kg NPK. Bón thúc lần 2: Khi lúa đứng cái, bắt đầu phân hóa đòng, bón 3kg NPK còn lại. Cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trong mô hình tương tự như đại trà.

Kiểm tra lúa ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Kiểm tra lúa ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Thời tiết vụ mùa năm 2022 tương đối thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, tuy nhiên cuối vụ lại bị ảnh hưởng của mưa dông làm một số diện tích lúa bị đổ, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Thực tế cho thấy trên cùng giống lúa Bắc Thơm số 7 có gen kháng bạc lá, cùng thời gian gieo cấy, cùng mật độ cấy và bón phân chăm sóc, song sử dụng loại phân bón khác nhau, lượng bón khác nhau, lúa sinh trưởng phát triển cũng khác nhau. Diện tích lúa mô hình do được bón phân hữu cơ nano, giảm 50% lượng phân bón vô cơ, đẻ nhánh tập trung, trỗ tập trung, số bông trên khóm, số hạt trên bông và tỷ lệ hạt chắc cao hơn so với đối chứng; Lá lúa có màu sáng, bản to, dày và cứng hơn vì vậy khả năng chống đổ tốt hơn, ít sâu bệnh hại hơn.

Xây dựng thương hiệu gạo đặc sản là đích đến của Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc.

Xây dựng thương hiệu gạo đặc sản là đích đến của Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc.

Năng suất thực thu mô hình sử dụng phân hóa học kết hữu cơ nano đạt 57,3 tạ/ha (206,3 kg/sào); Năng suất lúa đối chứng không sử dụng phân hữu cơ, bón 100% phân vô cơ đạt 52,5 tạ/ha (189 kg/sào). Mặc dù chi phí sử dụng phân hữu cơ cao hơn so với đối chứng, song nhờ năng suất lúa chênh lệch tới 17,3kg/sào (4,8 tạ/ha) nên đạt lợi nhuận 14.558.000đ/ha (524.088đ/sào), cao hơn so với đối chứng không sử dụng phân hữu cơ 2.902.000 đ/ha (103.000đ/sào).

Hiệu quả lớn hơn không thể cân đong đo đếm được là sử dụng phân hữu cơ nano, giảm 50% lượng phân bón vô cơ, góp phần giảm độ chai cứng đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm gạo chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nếu sử dụng nhiều vụ liên tục sẽ tạo một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, giá trị của hạt gạo Thủ đô chắc chắn sẽ được nâng cao hơn, và có thể hướng tới mục tiêu xuất khẩu được vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật.

Xem thêm
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm 2024

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá khoảng 130 tỷ baht, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.