Bà con còn muốn biết rõ hơn, liệu có thể bón các loại phân này cho các loại đất phèn, mặn tốt như trên đất phù sa không, hoặc có thể sử dụng 2 chủng loại phân này bón cho cây ăn trái và các cây khác được không? Tác giả bài viết xin được lần lượt trả lời cho bà con theo những ý kiến dưới đây:
1 - Bón phân Đầu Trâu TE-A1 và TE-A2 cho các vùng đất phèn mặn có tốt không? Từ khi Cty CP Phân bón Bình Điền chế ra 2 chủng loại phân TE-A1 và TE-A2, và trước khi phổ biến ra SX, cặp phân này đã được tiến hành khảo nghiệm, thực nghiệm trên nhiều chủng loại đất, trên các mùa vụ khác nhau từ ĐBSCL, đến các tỉnh miền Trung, miền Bắc và ngay cả các vùng đất khác nhau ở Campuchia, Lào, Myanmar... Tất cả các thí nghiệm hay trình diễn đều chứng tỏ là các loại phân này rất thích hợp cho lúa ở các vùng sinh thái khác nhau.
Tiếp đó, 2 chủng loại phân này lại được tham gia vào các chương trình VietGAP ở nhiều vùng cũng chứng tỏ rất có hiệu quả. Vì vậy, Cục Trồng trọt đã quyết định đưa 2 chủng loại phân trên tham gia vào chương trình cánh đồng lớn ở các vùng trong nước.
Chương trình “Canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu” thực hiện từ vụ HT 2016, là năm có tình hình biến đổi khí hậu diễn ra rất khốc liệt. Chương trình lại thực hiện khắp 13 tỉnh vùng ĐBSCL bao gồm đủ các chủng loại đất: phù sa ngọt, phù sa phủ trên nền phèn, đất phèn, phèn nhiễm mặn và cả đất xám.
Tổng kết chương trình này cả 3 vụ, bao gồm vụ có thời tiết bình thường và vụ gặp nhiều khó khăn thì các chân ruộng có bón phân Đầu Trâu TE-A1 và TE-A2 đều ưu việt hơn so với ruộng sử dụng các loại phân khác. Bón trên đất phèn U Minh Thượng của Kiên Giang càng có ưu việt hơn, năng suất cao hơn và hiệu quả kinh tế thậm chí cao hơn nhiều so với sử dụng nền phân khác.
2 - Sử dụng Đầu Trâu TE-A1 và TE-A2 đối với các loại cây khác thì sao? Trước hết cần phải hiểu rõ nguyên tắc cơ bản là tất cả các loại cây trồng muốn sinh trưởng, phát triển tốt, có năng suất cao, hiệu quả kinh tế cao thì cây cần được cung cấp đầy đủ và cân đối tất cả các loại dinh dưỡng bao gồm: đa lượng (N, P,K), trung lượng (Ca, Mg, S, Si) và vi lượng ( Fe, Zn, Cu, Mn, Mo, B…).
Khi một trong các nguyên tố này nếu bị thiếu hụt thì sẽ hạn chế năng suất cho cây đó. Mặt khác, vì cây được trồng trong đất nên phần lớn chất dinh dưỡng phụ thuộc vào từng loại đất. Trừ đất cát hay đất quá mặn, quá phèn thì khi chưa bón thêm phân, cây vẫn có thể sinh trưởng và vẫn cho được năng suất theo khả năng của nó. Vì con người muốn thu được nhiều năng suất hơn nên phải cho cây ăn thêm. Việc cho cây ăn thêm đúng là phải biết đất có thể cung cấp cho cây được bao nhiêu, chất nào thiếu nhiều phải bù thêm nhiều, thiếu ít chỉ cần bù thêm ít. Giai đoạn nào cây cần thêm chất gì nhiều phải bón thêm chất đó. Đó là tư duy của phép bón phân cân đối.
Hiểu đúng như vậy thì phân TE-A1 và TE-A2 là phân chuyên dùng cho lúa, có chứa đầy đủ và cân đối các chất cho cây lúa thì chỉ cần bón phân đó theo khuyến cáo mà không cần bổ sung thêm bất kỳ loại phân nào khác. Nhưng khi dùng bón cho loại cây khác thì vì phân có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng nên cây gì cũng có thể bón được.
Tuy nhiên, để cho có hiệu quả cao thì cần gia giảm thêm một số loại chất cho từng giai đoạn. Trong trường hợp sử dụng TE-A1 và TE-A2 bón cho cây ngô (bắp) cùng thuộc loại cây lương thực, nhưng do trồng trên đất cạn nên cần bón liều cao hơn một ít, ví dụ tăng liều lên khoảng 30 - 50% so với liều bón cho lúa mà không cần bổ sung thêm loại phân nào khác.
Ngay đối với cây mía cũng vậy, do nhu cầu về phân của mía cao hơn lúa, nên ta cũng chỉ cần tăng liều lên khoảng gấp đôi so với liều bón cho lúa là có thể thỏa mãn.
Với cây ăn trái, ta cũng vẫn có thể dùng loại phân này được. Nhưng để có cành lá ra nhiều và nhanh, ta có thể cần thêm phân ure vào thời kỳ cây con hay thời kỳ trước ra hoa. Các giai đoạn sau cho quả chỉ cần tăng thêm liều so với khi dùng cho lúa khoảng gấp 2 - 2,5 lần là được.
Vậy là một loại phân chuyên dùng cho 1 loại cây có thể sử dụng để bón cho nhiều loại cây khác, nhưng cần biết nhu cầu cung cấp dinh dưỡng từ đất và nhu cầu từng giai đoạn của cây để gia giảm thêm liều của chính loại phân đó hay 1 hoặc 2 loại phân đơn nào đó, là sẽ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây. |