| Hotline: 0983.970.780

Phân tích: Trung Quốc sẽ giảm mạnh nhập khẩu đậu tương vào cuối năm nay

Thứ Hai 26/07/2021 , 15:48 (GMT+7)

Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm mạnh vào cuối năm 2021 so với mức kỷ lục của nửa đầu năm.

Tỷ suất lợi nhuận thịt lợn hơi giảm, đồng thời thay đổi công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi là những nguyên nhân quan trọng khiến nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc giảm mạnh (Ảnh minh họa).

Tỷ suất lợi nhuận thịt lợn hơi giảm, đồng thời thay đổi công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi là những nguyên nhân quan trọng khiến nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc giảm mạnh (Ảnh minh họa).

Theo Reuters, sự sụt giảm lợi nhuận của ngành chăn nuôi lợn,, kèm theo đó là việc tăng mạnh dùng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi khiến Trung Quốc giảm hẳn nhu cầu đậu tương. Ước tính nhập khẩu đậu tương năm nay của thị trường tỷ dân có thể ít hơn tới 100 triệu tấn.

Do Trung Quốc chiếm 60% lượng đậu tương nhập khẩu toàn cầu, suy giảm nhu cầu nhập khẩu của nước này, cùng với đó là dự đoán vụ mùa bội thu của nông dân Mỹ (ước tính là vụ thu hoạch lớn thứ ba của họ từ trước đến nay), sẽ làm tăng thêm biến động cho vụ mùa quan trọng năm nay.

"Nhu cầu bã đậu tương đang chạm đáy. Giá cơ bản hiện ở mức âm 120 nhân dân tệ (ở miền bắc Trung Quốc), mức thấp nhất trong năm nay. Nhu cầu có thể tăng trở lại, nhưng ngay bây giờ nó đã giảm", theo một quản lý của một nhà máy nghiền tại miền bắc Trung Quốc. "Chúng tôi thực sự không thể đặt hàng để mua. Khối lượng xuất khẩu đậu tương của Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng", vị quản lý cho hay.

Nhà máy của ông chỉ có một lô hàng được đặt cho tháng 8, trong khi thông thường nó sẽ được đặt hết hàng cho đến sau tháng 10. Như hiện tại, các nhà máy nghiền ở trung tâm chế biến đậu tương quan trọng Sơn Đông sẽ mất gần 400 nhân dân tệ để nghiền nát mỗi tấn hạt có dầu.

Trung Quốc đã nhập khẩu kỷ lục 48,95 triệu tấn đậu tương trong nửa đầu năm 2021, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái khi đàn lợn hồi phục sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi và nhà sản xuất hàng đầu Brazil xuất khẩu một vụ mùa kỷ lục. "Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu đang giảm", các nhà phân tích thống nhất nhận định.

Zou Honglin, nhà phân tích của Myagric.com, một trang web thương mại, cho biết: "Động lực (nhập khẩu) hồi đầu năm khá mạnh. Nhưng kể từ tháng 5, mức tăng nhập khẩu hàng năm đã chậm lại".

Nhiều thức ăn hơn, ít bã đậu tương hơn

Một nguyên nhân chính dẫn đến việc sử dụng đậu tương chậm lại là do tỷ suất lợi nhuận thịt lợn hơi bị giảm. Mặc dù có một khởi đầu mạnh mẽ vào đầu năm khi nông dân cố gắng tái đàn lợn, nhưng sau đó giá thịt lợn hơi bắt đầu lao dốc, bắt nguồn từ việc thanh lý đàn và tăng sản lượng thịt lợn của người nuôi.

Biên lợi nhuận lợn hơi tại Trung Quốc hiện dao động từ -150 nhân dân tệ đến 84 nhân dân tệ, giảm hơn 100% kể từ đầu năm.

Zou, người đã giảm ước tính nhập khẩu đậu tương cả năm của Trung Quốc xuống 97 triệu tấn cho biết: "Thị trường tiếp tục giảm ước tính về nhập khẩu cả năm. Rõ ràng là mức tăng tiêu thụ protein thua xa mức tăng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi".

Một yếu tố quan trọng khác là sự thay đổi trong hỗn hợp thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc, làm giảm khối lượng bã đậu tương cần thiết trong khẩu phần ăn của động vật.

Trung Quốc đã sản xuất 139,33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi trong sáu tháng đầu năm 2021, tăng 21,1% so với năm 2020, theo Hiệp hội Công nghiệp thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc. Sản lượng thức ăn cho lợn là 62,46 triệu tấn, tăng 71,4% so với năm trước.

Trong khi đó, khối lượng bã đậu tương nghiền chỉ tăng 1,62% so với cùng kỳ năm ngoái lên 42,63 triệu tấn, theo Myagric.

"Nhu cầu không tốt như mong đợi, một lượng lớn lúa mì và gạo được đưa vào thức ăn chăn nuôi, có nghĩa là rất nhiều bã đậu tương sẽ bị thay thế", một quản lý khác của một nhà máy nghiền lớn có chi nhánh trên khắp Trung Quốc cho biết.

Người quản lý nói thêm rằng một số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu đã mua bã đậu tương trước đó hiện đang bán lại hợp đồng.

Dự trữ bã đậu tương tăng cũng cho thấy việc tiêu thụ chậm hơn. Tồn kho bã đậu tương do các nhà máy nghiền lớn nắm giữ đã tăng 19% trong tháng 6 so với tháng trước, cao hơn 20% so với mức của năm trước và cao hơn khoảng 7% so với mức trung bình của thời điểm này trong ba năm qua, theo Trung tâm Thông tin về Ngũ cốc và Dầu Quốc gia Trung Quốc.

Việc tăng khối lượng lúa mì trong hỗn hợp thức ăn chăn nuôi dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong năm tới.

Khối lượng đậu tương xuất sang Trung Quốc chậm lại

Nhập khẩu đậu tương trong tháng 6 của Trung Quốc từ tất cả các nước là 10,72 triệu tấn, giảm 4% so với 11,16 triệu tấn của tháng 6 năm 2020.

Lượng hàng nhập khẩu đến tháng 7 đạt 8,3 triệu tấn, với phần lớn xuất xứ từ Brazil, theo Refinitiv. Con số này giảm 18% so với 10,09 triệu tấn của năm trước.

Howie Lee, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng OCBC cho biết: "Các dấu hiệu có vẻ không lạc quan cho sự phục hồi vào lúc này. Biên lợi nhuận trong nước vẫn ở mức đỏ trong khi tồn kho bã đậu tương vẫn ở mức cao".  Trung Quốc cũng không đặt nhiều đơn hàng mua trong vụ đậu tương mới của Hoa Kỳ so với năm 2020.

(Theo Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.