| Hotline: 0983.970.780

Phát huy giá trị từ mô hình tôm lúa tại vùng Bán đảo Cà Mau

Thứ Tư 03/11/2021 , 17:25 (GMT+7)

ĐBSCL Nhiều tỉnh trong vùng Bán đảo Cà Mau đã hình thành vùng sản xuất ổn định, xác định đây là mô hình canh tác thông minh.

Nông dân huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu thăm cánh đồng tôm lúa. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu thăm cánh đồng tôm lúa. Ảnh: Trọng Linh.

Trong những năm qua tình trạng hạn, mặn ngày càng nghiêm trọng thì mô hình tôm lúa của người dân vùng Bán đảo Cà Mau được xem là thuận thiên, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Đối với các sản phẩm tôm lúa từ mô hình này, được người tiêu dùng tín nhiệm vì phương thức sản xuất theo hướng tự nhiên, an toàn thực phẩm. Nhiều tỉnh trong vùng Bán đảo Cà Mau cũng đã hình thành vùng sản xuất ổn định, xác định đây là mô hình canh tác thông minh, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Mô hình thuận thiên

Tại Sóc Trăng, mô hình luân canh tôm lúa được nông dân trong tỉnh áp dụng gần 30 năm và tiếp tục duy trì mở rộng diện tích canh tác qua từng năm. Mặc dù diện tích sản xuất lúa tôm của tỉnh Sóc Trăng khá khiêm tốn so với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Tỉnh Sóc Trăng chỉ có khoảng 17.700 ha, tập trung tại huyện Mỹ Xuyên là nơi có mô hình sản xuất tôm lúa hiệu quả. Sản xuất tôm lúa tại huyện Mỹ Xuyên được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu.

Ông Trần Văn Tiền, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chia sẻ: Khi còn là thanh niên thì mô hình tôm lúa đã thu hút tôi. Tuy không làm giàu nhưng mô hình tôm lúa giúp gia đình tôi thoát nghèo, đủ ăn, đủ mặc và có được cuộc sống khá ổn định. 

Theo ông Tiền, vụ thu hoạch lúa tôm trên đất tôm vừa qua, gia đình thu hoạch hơn 7 tấn lúa ST25 từ 2 ha, bán gần 7.300 đồng/kg. Trừ chi phí, anh Tiền lãi hơn 70 triệu đồng. Trước đó, ông Tiền cũng thu hoạch hơn 400 kg tôm sú tự nhiên từ ruộng lúa này, lãi hơn 40 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong vụ tôm lúa, ông Tiền đã thu hơn 110 triệu đồng.

Ông Tiền chia sẻ: Khi nuôi tôm, mặt đáy ao hình thành lớp dưỡng chất rất tốt cho lúa và lại không có mầm sâu bệnh, vì vậy tôi hầu như không cần sử dụng thêm phân, thuốc trong vụ lúa. Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được tạo thêm khoáng cho nên các chất độc hại được giảm bớt, cắt mầm bệnh trong ruộng nuôi. Nhờ vậy, ruộng tôm sạch hơn, khi nuôi không cần phải sử dụng nhiều thuốc, hóa chất dẫn đến chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận tăng.

Theo nhiều nông dân ở huyện Mỹ Xuyên, nuôi tôm theo mô hình thuận thiên, tôm lớn tự nhiên, không tốn nhiều chi phí thức ăn và nhẹ công chăm sóc, lại ít bệnh, thịt chắc và ngon ngọt.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên - Đặng Văn Phương cho biết: Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững mô hình tôm lúa bền vững hằng năm ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 17.700 ha, diện tích trồng lúa trên nền tôm 8.900 ha. Tổng sản lượng gần 40.000 tấn tôm và gần 46.000 tấn lúa. Nhờ phát huy tốt tiềm năng đất đai, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân được nâng lên đáng kể.

Mô hình kinh tế tập thể từng bước được quan tâm và phát triển, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt gần 200 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,5% (5 năm trước) xuống còn hơn 1%. Xu hướng đẩy mạnh sản xuất ngành hàng thủy sản theo hướng hữu cơ có nhiều lợi thế xuất khẩu là lựa chọn đúng của địa phương.

Mô hình tôm lúa là sản phẩm sạch rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Ảnh: Văn Vũ.

Mô hình tôm lúa là sản phẩm sạch rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Ảnh: Văn Vũ.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhận định: Hiện nay, con tôm là đối tượng nuôi thủy sản chủ lực trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Hơn nữa, lúa ST25 - giống lúa thuộc nhóm lúa thơm ST được sản xuất và rất thích nghi với điều kiện sinh thái vùng tôm lúa huyện Mỹ Xuyên đã đoạt giải gạo ngon nhất thế giới đang là cơ hội lớn để tiếp tục phát triển vùng sản xuất tôm lúa chất lượng cao.

Trước đây, luân canh theo mô hình tôm lúa, nuôi tôm thiệt hại khoảng 20%/năm. Nhưng nhờ biện pháp canh tác giảm sử dụng tối đa phân bón và thuốc trừ sâu trong sản xuất lúa để bảo vệ môi trường nuôi tôm nên hiệu quả nâng lên rõ rệt. Trong hai năm qua diện tích nuôi tôm bị thiệt hại giảm dần, từ 10% xuống còn 8,4%.

Nâng cao chuỗi giá trị

Tỉnh Bạc Liêu có diện tích canh tác lúa trên đất tôm khoảng 39.000 ha, trong đó tập trung chủ yếu tại hai huyện Phước Long (13.677 ha) và huyện Hồng Dân (trên 24.400 ha). Lợi thế của mô hình tôm lúa tại Bạc Liêu là sản xuất lúa hoàn toàn không sử dụng phân bón và thuốc hóa học. Do là sản phẩm sạch cho nên tôm, lúa sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá ổn định ở mức cao. So với trước đây khi độc canh cây lúa, các hộ chuyển đổi sang mô hình tôm lúa cho năng suất tôm nuôi bình quân đạt khoảng 450 đến 500 kg/ha, giúp người dân tăng lợi nhuận lên gấp hai, ba lần.

Anh Nông Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình thăm mô hình tôm lúa của xã viên. Ảnh: Trọng Linh.

Anh Nông Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình thăm mô hình tôm lúa của xã viên. Ảnh: Trọng Linh.

Anh Nông Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình ở ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, cho biết: HTX Ba Đình được thành lập từ năm 2018, hiện nay HTX có 83 xã viên, với diện tích canh tác 150 ha. Hiện tại, HTX sản xuất theo mô hình tôm lúa kết hợp với 2 vụ tôm, 1 vụ lúa (8 tháng nuôi tôm, 4 tháng trồng lúa).

“Với mô hình tôm lúa kết hợp giúp cho người dân thu lợi nhuận từ 60 – 100 triệu đồng/ha. Đây được xem là mô hình thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới HTX Ba Đình tiếp tục mở rộng thêm diện tích và thành viên  trên địa bàn huyện Hồng Dân”. Anh Nông Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình chia sẻ.

Theo anh Thạch, với mô hình tôm lúa, các xã viên khi tham gia HTX sẽ được bao tiêu vật tư đầu vào và được đảm bảo đầu ra. Vì đây là sản phẩm sạch nên thị trường tiêu thụ đầu ra cho bà con rất thuận lợi. Đới với mô hình tôm lúa hiện nay mang lại hiệu quả kinh tế rất ổn định, bà con xã viên trong HTX nhiều hộ vươn lên làm giàu nhờ mô hình này.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Mô hình sản xuất này sẽ tiếp tục có khả năng mở rộng khi dự án công trình Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn II được hoàn thành cùng với một số hệ thống cống ngăn mặn phía bắc Quản Lộ - Phụng Hiệp hoàn chỉnh. Đặc biệt, Bạc Liêu đã quy hoạch vùng tôm lúa là vùng sản xuất “lúa thơm - tôm sạch” và hướng đến sản xuất tôm lúa hữu cơ.

Còn tại tỉnh Cà Mau, có diện tích tôm lúa 37.000 ha tập trung tại các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và của TP Cà Mau. Riêng huyện Thới Bình đã phát triển nhân rộng diện tích trồng lúa sạch với 15.000 ha, sản phẩm gạo sạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận là sản phẩm đạt chất lượng.

Mô hình này vừa có thu nhập vừa cải tạo môi trường đất. Huyện đã lựa chọn những vùng phù hợp để phát triển trồng lúa hữu cơ với diện tích hơn 800 ha. Mô hình được xem là bền vững và phù hợp với địa bàn của huyện trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.