Trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế nông nghiệp, phát triển theo chuỗi giá trị, tăng trưởng theo hướng Xanh – Bền vững vừa là nhu cầu tự thân, vừa là xu thế bắt buộc.
Thực tế đòi hỏi việc hoàn thiện các chính sách và cơ chế là vô cùng cần thiết; nhưng đồng thời cũng cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống: Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức dân sự, Viện nghiên cứu, và cộng đồng để Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng, tận dụng tối đa cơ hội để ngành NN-PTNT đi đúng định hướng “minh bạch - trách nhiệm - bền vững” được Đảng, Chính phủ đề ra và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan truyền tải qua rất nhiều diễn đàn, hội nghị về phát triển ngành thời gian qua.
Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt nam về cơ hội thúc đẩy tiềm năng phát triển thương mại nông sản, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), cho biết trong thời gian tới ngành nông nghiệp phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các đàm phán về các hiệp định thương mại tự do mới và rút kinh nghiệm như đã từng làm với EVFTA hay CPTPP.
Việt Nam phải sẵn sàng khi những cơ hội mới mở ra, chuẩn bị cho việc kí và triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Vương quốc Anh, với Thụy Sĩ và các nước Trung Âu.
Theo dự báo gần đây nhất của OECD, nhu cầu về nhập khẩu nông lâm thủy sản toàn cầu trong những năm tới sẽ thấp hơn so với 10 năm vừa rồi do suy thoái kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng, chỉ đạt 1,2% so với trung bình 10 năm trước (2,2%).
Các nước có khả năng tăng bao gồm Ấn Độ và các nước trong khu vực Châu Phi. Đây là những thị trường mới mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu và thúc đẩy cơ hội đàm phán hợp tác.
Các thị trường lớn, thị trường mặt hàng truyền thống có mức tăng trưởng không cao, có khả năng bão hòa. Ngành nông nghiệp phải tính tới việc chiếm được thị phần và giá trị cao hơn trong các thị trường đó.
Để làm được điều đó phải tính tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm của ngành nông nghiệp: chuỗi chuẩn chỉnh, đảm bảo chất lượng theo nhu cầu mới, đặc biệt là sản phẩm xanh, thân thiện môi trường,… vốn có nhu cầu rất lớn tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu.
Một nhu cầu mới nữa cần cân nhắc chính là áp dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử. Tuy nhiên trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhu cầu về sản phẩm chế biến, gói đồ ăn sẵn đưa đến từng hộ gia đình sẽ tăng lên. Ngành nông nghiệp phải tính tới khâu bảo quản chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường.
Và nếu muốn tránh được tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí cao ở khâu vận chuyển trong Covid-19 và vẫn đảm bảo chất lượng, đã đến lúc các doanh nghiệp xuất khẩu đi cùng nhau, tạo thành các khối liên minh lớn để làm việc với doanh nghiệp lớn tại các thị trường xa hơn, khó tính hơn chứ không phải mỗi những thị trường gần, giá rẻ.
Ví dụ muốn sang EU, các doanh nghiệp bày tỏ rằng họ luôn có nhu cầu về hàng Việt Nam nhưng không tìm được doanh nghiệp cung cấp quy mô đủ lớn theo yêu cầu của họ. Câu chuyện tương tự xảy ra tại Mỹ và Nhật Bản, hay như Trung Quốc rất gần Việt Nam nhưng để đi được vào phân khúc của Bắc Kinh, Thượng Hải thì vẫn cần doanh nghiệp và khối liên minh lớn nhằm giữ uy tín, xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng, và giảm chi phí vận chuyển.
Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT), công tác hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học là điều tất yếu. Việt Nam đã có khá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này.
Khoa học không chỉ đóng cửa trong mỗi quốc gia. Các tiến bộ về công nghệ kĩ thuật của thế giới, với những cơ hội mở cửa trong thời điểm hiện tại, Việt Nam có thể áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất thế giới, mang về nghiên cứu thích nghi với điều kiện của Việt Nam.
Trong thời gian tới nông nghiệp Việt Nam đang định hướng chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái. Tuy nhiên các nghiên cứu của Việt Nam trong giai đoạn vừa rồi chưa tập trung nhiều vào vấn đề này, thay vào đó là cách mạng xanh, chọn giống mới năng suất cao,..v.v.
Nhu cầu sản xuất của thị trường thay đổi rất nhanh. Các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam không thể tự giải quyết hết các vấn đề, nên iệc hợp tác quốc tế với các tổ chức nghiên cứu như nhóm của CGIAR hay các tổ chức quốc tế sẽ giúp các nhà khoa học được trao đổi kinh nghiệm và học hỏi thông qua các dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế để mang về ứng dụng ở Việt Nam.
Các khâu sau thu hoạch hay chế biến nông sản có những công nghệ khá tốt ở nước ngoài, vấn đề là phải tìm được công nghệ phù hợp. Các viện, trường thông qua hoạt động nghiên cứu sẽ đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ, thích nghi hóa các công nghệ của nước ngoài phù hợp quy mô sản xuất của Việt Nam. Chi phí cũng không được quá cao mà phải phù hợp khả năng đầu tư của các hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ, HTX.
Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế giúp Việt Nam học tập được những phương thức quản trị tiên tiến, ví dụ như quản trị chuỗi giá trị, quản trị HTX,… vốn vẫn đang còn nhiều lúng túng.
Nền nông nghiệp Việt Nam đang trên đà hội nhập thế giới. Muốn xuất khẩu ra các nước thì không những sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của họ, về thương mại thì họ cần quy mô lớn, sản phẩm phải đồng đều. Để chuỗi nông sản được thông suốt, các phương thức quản trị hiện đại hơn là một yếu tố cần thiết.