| Hotline: 0983.970.780

Phát triển cây trồng giá trị cao vùng hạ du thuỷ lợi Tân Mỹ

Thứ Hai 11/07/2022 , 07:05 (GMT+7)

NINH THUẬN Đó là khẳng định của ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận về quy hoạch cây trồng, định hướng phát triển nông nghiệp vùng thuỷ lợi Tân Mỹ.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT NINH Thuận. Ảnh: Mai Phương.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT NINH Thuận. Ảnh: Mai Phương.

Theo ông Cương, Ninh Thuận là vùng đất khô hạn nhất cả nước, khí hậu khô nóng, gió nhiều, lượng mưa rất thấp, thuộc loại khí hậu cận hoang mạc. Hàng năm, thường xảy ra tình trạng khô hạn khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Về hạ tầng hồ chứa thủy lợi, hiện toàn tỉnh có 21 hồ chứa nước vừa và nhỏ với tổng dung tích thiết kế trên 194 triệu m3. Ngoài ra, Ninh Thuận còn được bổ sung nguồn nước rất quan trọng từ hồ thuỷ điện Đơn Dương (Lâm Đồng) thuộc lưu vực sông Đa Nhim, tổng lượng nước chuyển khoảng 570 triệu m3/năm.

Tuy nhiên, do chưa có các hồ chứa đủ lớn để tích nước, nên vào mùa khô hàng năm các hồ chứa ở địa phương còn rất ít nước. Ví như vào thời điểm tháng 5/2020, dung tích các hồ chứa của Ninh Thuận chỉ còn khoảng 12,3% lượng nước so với dung tích thiết kế, trong đó có đến 11 hồ cạn trơ đáy.

Cú hích cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh

Vậy dự án thuỷ lợi Tân Mỹ có ý nghĩa thế nào đối với tỉnh Ninh Thuận trong việc giải bài toán khô hạn, thưa ông?

Dự án thủy lợi Tân Mỹ được đầu tư trên địa bàn Ninh Thuận có dung tích trữ nước 219,81 triệu m³, lớn hơn tổng dung tích của 21 hồ chứa nước hiện có. Đây là dự án thủy lợi đầu tiên cả nước được đầu tư xây dựng theo mô hình hiện đại, điều tiết nước tưới bằng đường ống áp lực thông qua hệ thống đường ống kín, điều khiển bằng công nghệ SCADA hiện đại, giúp tỉnh hiện thực hóa chủ trương xây dựng hệ thống liên hồ và tưới chủ động tiết kiệm nước.

Tỉnh Ninh Thuận định hướng sẽ phát triển diện tích nho vùng hưởng lợi Dự án thuỷ lợi Tân Mỹ 2.000ha. Ảnh: Minh Hậu.

Tỉnh Ninh Thuận định hướng sẽ phát triển diện tích nho vùng hưởng lợi Dự án thuỷ lợi Tân Mỹ 2.000ha. Ảnh: Minh Hậu.

Thực trạng khi chưa có dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, khu vực phía Bắc của tỉnh nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung chỉ dựa vào nguồn nước chính của thủy điện Đa Nhim (dung tích 165 triệu m3 nước) và các hồ chứa nhỏ, nên thường xuyên thiếu nước và khô hạn, chỉ đáp ứng chủ động nước khoảng 40% diện tích đất sản xuất nông nghiệp khu vực phía Bắc của tỉnh.

Hiện nay, Dự án thuỷ lợi Tân Mỹ đã hoàn thành từng phần và bàn giao từng hạng mục cho địa phương, tiếp nước kịp thời, góp phần vào công tác chống hạn trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ cắt lũ cho vùng hạ du vào mùa mưa lũ. Sau khi dự án hoàn thành, sẽ tăng điện tích đất nông nghiệp có tưới khu vực phía Bắc tỉnh Ninh Thuận lên 70 - 75% (tăng 7.480 ha, cấp bổ sung cho khu tưới hồ Cho Mo, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh với diện tích khoảng 5.700 ha và cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch…).

Ngoài ra, dự án còn tạo dung tích 10,3 triệu m3 cho thủy điện tích năng Bác Ái, công suất 1.200 MW và kết hợp tạo nguồn cho 2 trạm thủy điện tại đầu mối sông Cái và đập dâng Tân Mỹ với công suất 24  MW; đáp ứng yêu cầu cấp nước cho các vùng khô hạn nhằm phục vụ đa mục tiêu, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận.

Để phát huy hết vùng hưởng lợi, việc phát triển kênh mương nội đồng rất quan trọng, vậy tỉnh đã triển khai xây dựng như thế nào, thưa ông?

Việc phát triển kênh mương nội đồng để phát huy hết vùng hưởng lợi là việc rất quan trọng và cấp thiết đối với địa phương. Để chuẩn bị cho công tác tiếp nhận quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Đề án thành lập Trạm Thủy nông Sông Cái – Tân Mỹ, trước mắt để thực hiện quản lý, vận hành hạng mục đập dâng, kênh chung, kênh chính Tân Mỹ từ K0 đến K21+827 đã được bàn giao tạm thời cho tỉnh và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tiếp nhận cụm công trình đầu mối hồ sông Cái và tiếp nhận chính thức toàn bộ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

Măng tây xanh là cây trồng có giá trị cao, rât phù hợp vùng khí hậu khô nóng được định hướng mở rộng diện tích ở vùng hạ du thuỷ lợi Tâm Mỹ. Ảnh: Minh Hậu.

Măng tây xanh là cây trồng có giá trị cao, rât phù hợp vùng khí hậu khô nóng được định hướng mở rộng diện tích ở vùng hạ du thuỷ lợi Tâm Mỹ. Ảnh: Minh Hậu.

Do đó tỉnh Ninh Thuận và Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 7, đơn vị chủ đầu tư công trình đang phối hợp thực hiện việc đầu tư hệ thống điều khiển, giám sát lưu lượng SCADA để đảm bảo đồng bộ, kết nối thông suốt trên toàn hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

Hiện nay, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đang tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống kênh mương kết nối, chiều dài 14 km với kinh phí 370 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Ưu tiên cây trồng có giá trị, gắn với nông nghiệp công nghệ cao

Việc phát triển các loại cây trồng được tỉnh quy hoạch như thế nào tại vùng hưởng lợi trực tiếp của dự án thuỷ lợi này, thưa ông?

Để phát huy hiệu quả tối đa của công trình, Ninh Thuận đã có quy hoạch với phương châm hạn chế mở rộng diện tích sản xuất lúa, bởi việc sản xuất lúa vừa tốn nhiều nước mà hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Vì vậy, tại vùng hưởng lợi của dự án thuỷ lợi Tân Mỹ, tỉnh đã định hướng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây trồng đặc thù sử dụng đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm nước. Theo đó, trong tổng số diện tích hưởng lợi 7.480 ha, chúng tôi quy hoạch trồng mía 500 ha; rau màu 1.800 ha (nha đam, măng tây, dưa lưới, hành, tỏi và rau đậu); cỏ chăn nuôi 1.000 ha; nho 2.000 ha; táo 1.000 ha; cây ăn quả khác 500 ha và đất sử dụng mục đích khác (như đường xá, bờ mương...) 230 ha. Đối với diện tích lúa 450 ha, chúng tôi chủ trương duy trì diện tích đã sản xuất và đã canh tác 1 vụ/năm.

Táo xanh là cây trồng đặc thù của Ninh Thuận. Dự kiến sau khi dự án thuỷ lợi Tân Mỹ hoàn thành, địa phương sẽ mở rộng diện tích lên 1.000 ha. Ảnh: Mai Phương.

Táo xanh là cây trồng đặc thù của Ninh Thuận. Dự kiến sau khi dự án thuỷ lợi Tân Mỹ hoàn thành, địa phương sẽ mở rộng diện tích lên 1.000 ha. Ảnh: Mai Phương.

Hiện tại, Ninh Thuận đã khai thác và đưa vào tưới phục vụ sản xuất với diện tích tưới trực tiếp cho khoảng 1.200 ha đất sản xuất trên địa bàn các xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn thuộc huyện Ninh Sơn và xã Phước Trung thuộc huyện Bác Ái, trong đó diện tích lúa 500 ha, diện tích cây ăn quả và rau màu 700 ha (nho, táo, mía, nha đam, đậu các loại, cỏ thức ăn gia súc). Đồng thời, cấp nước tưới bổ sung cho 1.500 ha (bao gồm khu tưới hồ Cho Mo 580 ha; khu tưới hồ Thành Sơn150 ha; khu tưới vùng cuối kênh Bắc thuộc hệ thống Nha Trinh 770 ha).

Rõ ràng, việc phát triển các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao, gắn với nông nghiệp công nghệ cao mà không phải mở rộng diện tích lúa nước ở vùng này là hướng đi đúng đắn nhằm nâng cao giá trị cây trồng. Vậy định hướng phát triển nông nghiệp tại khu vực này như thế nào, thưa ông?

Ninh Thuận có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm, nhưng chính nắng gió nhiều lại là lợi thế để tỉnh phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng, dự án có quy mô và sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.

Tỉnh định hướng phát triển các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại vùng tưới Tân Mỹ. Diện tích hưởng lợi với khu vực tưới Tân Mỹ và khu vực tưới hồ Sông Cái phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Theo đó, Ninh Thuận dự kiến đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, sử dụng đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm nước như nho, táo, măng tây, dưa lưới, hành, tỏi và rau với diện tích 4.800 ha, còn lại là trồng mía, cỏ phục vụ chăn nuôi và chủ trương chỉ giữ nguyên diện tích lúa hiện tại mà không mở rộng thêm.

Việc quy hoạch các loại cây trồng có giá trị cao sẽ tiết kiệm nước tưới rất nhiều so với sản xuất lúa. Ảnh: Minh Hậu.

Việc quy hoạch các loại cây trồng có giá trị cao sẽ tiết kiệm nước tưới rất nhiều so với sản xuất lúa. Ảnh: Minh Hậu.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát huy hiệu quả nhất nguồn nước nơi đây. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương nghiên cứu khai thác hết các tiềm năng lợi thế lòng hồ để nuôi trồng thủy sản và tận dụng mặt hồ để phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời trên cơ sở tính toán khoảng cách từ hồ tới đường dây tải điện quốc gia.

"Thời gian qua, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước như: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Các chính sách đó được triển khai thực hiện ngay từ khi được ban hành và tiếp tục hoàn thiện theo hướng tạo môi trường ngày càng thuận lợi để khai thác tiểm năng, cơ hội đầu tư nhằm thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sau khi có quy hoạch chi tiết, chúng tôi sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào vùng hưởng lợi của dự án thuỷ lợi Tân Mỹ phát triển các loại cây trồng có gia trị cao theo hướng công nghệ cao, hiện đại, nông nghiệp số”.

(Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận).

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.