| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Ninh Thuận tạo kỳ tích

Thứ Năm 30/12/2021 , 13:50 (GMT+7)

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Ninh Thuận năm 2021 vẫn tăng 6,5%, cao nhất trong nhiều năm qua. Đây là một kỳ tích.

Tăng trưởng ngoạn mục

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2021, tình hình thời tiết khá thuận lợi để địa phương phát triển các ngành nghề lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, dù dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp nhưng Sở và các cơ quan, ban, ngành đã chỉ đạo điều hành ngay từ đầu năm, xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể với kịch bản phát triển sản xuất gắn phòng chống dịch Covid-19 sát với tình hình thực tế.

Sở NN-PTNT Ninh Thuận cũng phối hợp kịp thời, hiệu quả với các địa phương để chỉ đạo tổ chức sản xuất linh hoạt theo diễn biến thực tế nên các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Nho là cây trồng đặc thù của tỉnh Ninh Thuận đem lại giá trị kinh tế rất cao. Ảnh: Minh Hậu.

Nho là cây trồng đặc thù của tỉnh Ninh Thuận đem lại giá trị kinh tế rất cao. Ảnh: Minh Hậu.

Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh ước đạt 12.414,8 tỷ đồng, tăng 6,5% so năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp Ninh Thuận trong nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch phức tạp thì đây là một kỳ tích.

Cụ thể, giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp đạt 5.411,755 tỷ đồng, tăng 15% so năm 2020, riêng giá trị sản xuất trồng trọt tăng 19,5% so năm 2020; lĩnh vực lâm nghiệp đạt 83 tỷ đồng; thủy sản, nhất là sản xuất tôm giống ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn đạt 6.920 tỷ đồng, tăng 0,7% so năm 2020.

Đặc biệt, thông qua kết nối cung cầu năm 2021, các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh đều được tiêu thụ nhanh chóng trong điều kiện dịch Covid-19, không phải "giải cứu".

Ông Đặng Kim Cương cho biết: Trong trồng trọt, ngành nông nghiệp của tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất mùa vụ cụ thể, chi tiết từng phương án theo nguồn nước. Tổ chức xuống giống đồng loạt thông qua việc phát huy vai trò của 31 cánh đồng lớn làm mẫu, lựa chọn loại giống mới thích hợp. Tăng tỷ lệ cơ giới hóa, chuyển đổi cây trồng, tăng diện tích áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến và phòng chống hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng nên lĩnh vực trồng trọt tăng mạnh so năm 2020 cả về năng suất và sản lượng.

Táo xanh là cây trồng chủ lực của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Táo xanh là cây trồng chủ lực của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Đối với chăn nuôi, tỉnh phát huy hiệu quả công tác lai tạo giống, cải tạo đàn vật nuôi năm từ 2020 làm tăng trọng lượng xuất chuồng. Đồng thời, chủ động được nguồn giống, đẩy mạnh tiêm phòng, đặc biệt mô hình liên kết chăn nuôi heo của các trang trại với Công ty C.P và CJ để phát triển mạnh với 54 trang trại (tăng 15 trang trại so cuối năm 2020). Do vậy, tỉnh tăng đáng kể sản lượng thịt hơi xuất chuồng so với năm 2020.

Ở lĩnh vực khai thác hải sản, đến cuối năm 2021, có 95% tàu cá có hạn ngạch khai thác vùng khơi của tỉnh đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, gần 71% tàu có thiết bị dò ngang, rất thuận lợi trong việc chỉ đạo sản xuất, tổ chức sản xuất. Các tổ đoàn kết trên biển có thời gian bám biển dài ngày từ vùng nhà dàn DK1 đến ngư trường các tỉnh phía Nam nên giảm thời gian di chuyển, tăng hiệu quả khai thác.

"Trong sản xuất tôm giống năm 2021, dù tăng nhưng đây là mức tăng thấp so với năm 2020 do nhu cầu tôm giống giảm nhiều trong các tháng cuối năm vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Tây Nam bộ", ông Đặng Kim Cương cho biết.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận cuối tháng 11/2021, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Phùng Đức Tiến đã biểu dương và đánh giá rất cao kết quả ngành nông nghiệp Ninh Thuận đạt được. Với tốc độ tăng trưởng 6,5% thì đây là một thành tích rất đáng ghi nhận về những nỗ lực của ngành nông nghiệp Ninh Thuận trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Măng tây xanh ở Ninh Thuận đem lại giá trị kinh tế lên đến hàng tỷ đồng/ha. Ảnh: Minh Hậu.

Măng tây xanh ở Ninh Thuận đem lại giá trị kinh tế lên đến hàng tỷ đồng/ha. Ảnh: Minh Hậu.

Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2021, năm 2022, ngành nông nghiệp Ninh Thuận sẽ thực hiện các chỉ tiêu như tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 3 - 4%, tốc độ tăng giá trị gia tăng 3,5% so với 2021; giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước đạt 137 triệu đồng/ha; tỷ lệ diện tích đất sản xuất được chủ động tưới đạt 60,5%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,1%; tỷ lệ hộ dân cư dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97%; có 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 4 - 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ninh Thuận sẽ tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, với động lực là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nước, đặc biệt là cây nho, táo và cây trồng cạn với khoảng 1.300 - 1.500 ha, trong đó chuyển đổi ít nhất 400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả.

Đồng thời, duy trì và phát triển các liên kết cánh đồng lớn tại các vùng sản xuất tập trung, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất. Phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, nâng cao chất lượng đàn gia súc đáp ứng yêu cầu công nghiệp chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ninh Thuận đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Ninh Thuận đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận sẽ phát huy lợi thế, áp dụng công nghệ cao, kiểm soát chất lượng chặt chẽ để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Đối với khai thác thủy sản, sẽ khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại cho nhóm tàu khai thác vùng khơi gắn với chính sách hỗ trợ ngư dân.

Song song với tổ chức sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Ninh Thuận cũng hướng đến tổ chức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm. Ninh Thuận cũng sẽ tiếp tục triển khai đề án Mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm đặc thù có lợi thế.

Năm 2022, Ninh Thuận sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng  nông thôn mới theo kế hoạch. Triển khai thực hiện đề án OCOP gắn với việc thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

"Năm 2021 là năm đầu của kỳ kế hoạch 5 năm nên nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia như xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 mới được Quốc hội phê duyệt, chưa có nguồn vốn để triển khai.

Điều này gây khó khăn trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại các địa phương theo kế hoạch, khó khăn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và thực hiện Chương trình OCOP", ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho hay.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.