| Hotline: 0983.970.780

Phát triển mạnh xu hướng nuôi gà lai chọi

Chủ Nhật 17/12/2023 , 08:22 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Gà lai chọi dễ thích nghi với môi trường, khí hậu, tỷ lệ sống đạt cao, tăng trưởng nhanh, dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao nên đang được người dân Hải Phòng ưa chuộng.

Nuôi gà lai chọi tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Nuôi gà lai chọi tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Trước đây, đa số các hộ dân ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng thường nuôi gà trắng để phát triển kinh tế, tuy vậy do sức đề kháng yếu, cách phòng bệnh chưa tốt nên quá trình nuôi hay xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế kém dần, nhiều gia đình chuyển đã đổi sang nuôi đối tượng khác hoặc bỏ hẳn.

Từ năm 2017, được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng hướng dẫn, một số hộ dân đã dần chuyển sang nuôi gà lai chọi. Với đặc thù là khỏe, chống chịu dịch bệnh tốt, thời gian nuôi dài nên thịt ngon, giá cả cao, thu nhập người nuôi gà được cải thiện.

Sự thành công của những người làm thí điểm với thu nhập vượt trội đã được lan tỏa đi khắp Hải Phòng, bắt đầu từ năm 2019, hàng loạt chủ trang trại đã tiếp cận tìm hiểu để chuyển từ nuôi gà trắng sang nuôi gà lai chọi trong chuồng kín, thậm chí có hộ còn mạnh dạn mở rộng quy mô lên gấp đôi.

Ghi nhận tại xã Lại Xuân, địa phương này hiện có 30 trang trại chăn nuôi gà, trong đó có 7 trang trại quy mô từ 1 vạn con trở lên. Tất cả đều đã chuyển đổi sang nuôi gà lai chọi, không còn hộ nuôi gà ri lông màu hay loại gà nào khác.

Chị Nguyễn Thị Thoa, trú tại xã Lại Xuân chia sẻ, trang trại gia đình chị đang nuôi gia công 12 nghìn con gà lai chọi, việc chăn nuôi diễn ra thuận lợi suốt thời gian qua.

Qúa trình nuôi, được cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y hướng dẫn về thức ăn, phòng bệnh nên thời gian qua chưa xảy ra dịch bệnh. Gà được nuôi trong chuồng kín, với gà lẩu thì 70 ngày còn gà thịt trên 100 ngày mới bán được.

Gà lai chọi có sức đề kháng tốt, dễ nuôi. Ảnh: Đinh Mười.

Gà lai chọi có sức đề kháng tốt, dễ nuôi. Ảnh: Đinh Mười.

So với các loại gà gia đình chị đã nuôi, gà lai chọi cho hiệu quả kinh tế cao hơn, ít dịch bệnh và ổn định hơn. Hiện tại, gà thịt đang được giá 63 nghìn đồng/kg với gà trống và 52 nghìn đồng/kg với gà mái. Với quy mô một lứa 12.000 con, khi xuất chuồng mỗi con đạt từ 2,5-3kg, 3 lứa trong năm gia đình chị Thoa thu về gần 1 tỷ đồng.

“Nuôi gà có lúc này lúc kia, giá cả lúc lên lúc xuống nhưng hạch toán chung cả năm, chúng tôi sẽ thu về được 5.000 - 10.000 đồng/kg gà bán tại chuồng sau khi đã trừ chi phí”, chị Thoa cho hay.

Anh Lê Quang Thanh, kỹ sư chăn nuôi, đồng thời là cán bộ Trạm khuyến nông huyện Thủy Nguyên cho biết, những năm gần đay, hầu hết các trang trại lớn ở trên địa bàn đều thực hiện chuyển đổi sang nuôi gà lai chọi.

Đặc thù chung của huyện Thủy Nguyên là có quỹ đất lớn phục vụ chăn nuôi. Từ khi chuyển sang lai chọi, được cán bộ khuyến nông hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật, con giống và vắc xin, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gà của các hộ dân được cải thiện rõ rệt.

“Người dân đang nuôi rất tốt vì nuôi đã lâu, đã quen thuộc với đặc tính và biết cách nuôi và phòng bệnh cho gà lai chọi nên hiệu quả kinh tế được cải thiện, ổn định. Tuy vậy, bất cập của chăn nuôi gà nói chung vẫn là giá cả không ổn định, cung vượt cầu, cần cân đối với đầu ra đầu vào và tạo nguồn vốn cho người chăn nuôi tiếp cận mới có thể phát triển bền vững hơn”, anh Thanh chia sẻ.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi gà lai chọi. Ảnh: Đinh Mười.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi gà lai chọi. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, gà lai chọi dễ thích nghi với môi trường, khí hậu, tỷ lệ sống đạt cao, tăng trưởng nhanh, dễ nuôi, tiết kiệm được chi phí, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều giống vật nuôi khác, chất lượng thịt thơm ngon, dai thịt, được thị trường ưa chộng.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã hỗ trở người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gia cầm, sản xuất theo chuỗi, mang lại hiệu quả kinh tế.

Các hộ dân được trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng các chế phẩm sinh học làm tăng chất lượng thịt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để được cấp chứng nhận VietGAHP và ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Từ hiệu quả của các mô hình đã triển khai về gà lai chọi, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng khuyến khích, hỗ trợ nông dân, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gia cầm theo VietGAHP gắn liên kết tiêu thụ, nhằm tháo gỡ về đầu ra cho sản phẩm.

Theo quy trình này sẽ giúp người dân từng bước thay đổi thói quen, kỹ năng sản xuất từ phương pháp truyền thống, theo kinh nghiệm sang chăn nuôi theo quy trình VietGHAP, hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...