Ngày 16/12, Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh, dư địa về nông nghiệp của tỉnh Lào Cai là rất lớn, luôn khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế và phát triển nông nghiệp khác với các ngành kinh tế khác, nên không thể nóng vội mà cần có chiến lược lâu dài, trọng tâm, bền bỉ, quyết tâm. Chủ trương đúng, Nghị quyết 10 đã ban hành, có chính sách, bây giờ bắt tay vào thực hiện với phương châm chủ trương một thì giải pháp phải mười và kế hoạch phải một trăm.
Do vậy, cần bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ vào kế hoạch hằng năm và lấy đó làm tiêu chí đánh giá thi đua; cần nghiên cứu tổ chức cuộc thi tìm hiểu nội dung và các giải pháp thực hiện Nghị quyết 10.
Đồng thời, các ngành, địa phương cần làm tốt công tác quản lý, tích tụ đất đại tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; tăng cường thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực, tâm huyết vào đầu tư lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và giống mới nâng cao giá trị gia tăng nhưng phải đảm tính bền vững về mặt xã hội, môi trường;
Tăng cường mở rộng liên kết theo các chuỗi sản phẩm, tạo thành các mô hình liên kết dọc và liên kết ngang; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giới thiệu, quảng bá sản phẩm đảm bảo thích ứng thị trường...
Trong giai đoạn tới, tỉnh Lào Cai tập trung phát triển các ngành, hàng chủ lực gồm: Cây chè, cây dứa, cây chuối, cây quế, cây dược liệu, chăn nuôi lợn và phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững. Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt khoảng 5,5%/năm.
Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) đến năm 2025 ước đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 3.300 tỷ đồng so với năm 2020; tạo việc làm tăng thêm cho trên 16.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực đến năm 2025 đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 2,6 lần (tăng 4.000 tỷ đồng) so với năm 2020, chiếm khoảng 55% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.