| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở Quảng Ninh

Thứ Tư 08/07/2020 , 08:58 (GMT+7)

Cơ giới hóa và phát triển theo hướng tập trung được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn cho hướng đi bền vững ngành nông nghiệp, gia tăng giá trị sản xuất.

Hiệu quả từ quy hoạch đất đai, áp dụng cơ giới hóa lĩnh vực trồng trọt

Tại TP Uông Bí (Quảng Ninh), việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp đang được đẩy mạnh, đặc biệt đối với ngành trồng trọt. Từ khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp không chỉ góp phần cải thiện đời sống của bà con nông dân mà còn thay đổi nền nông nghiệp truyền thống kém hiệu quả.

Đơn cử như cây vải chín sớm Phương Nam, một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn TP Uông Bí, tính đến nay giá trị của loại nông sản này đối với bà con luôn ở mức ổn định, cho lãi cao, nhiều người dân mạnh dạn vay vốn xây dựng, quy hoạch vườn cây kiểu mẫu, sáng suốt, tìm hiểu áp dụng KHCN đối với cây trồng, chịu khó tham khảo tài liệu, hướng dẫn của cơ quan nông nghiệp địa phương..

Ông Phạm Văn Tiến, phường Phương Nam, TP Uông Bí, một trong những người trồng vải đặc sản Phương Nam chia sẻ: Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giảm bớt chi phí mà còn giảm tối đa thời gian bỏ ra chăm sóc. Điều này đồng nghĩa với việc, người nông dân chúng tôi hoàn toàn có khả năng làm chủ trước yếu tố thời tiết, thiên tai, khí hậu, dịch bệnh...

Người dân phường Phương Nam, TP Uông Bí (Quảng Ninh) phấn khởi thu hoạch vải sớm. Ảnh: Anh Thắng.

Người dân phường Phương Nam, TP Uông Bí (Quảng Ninh) phấn khởi thu hoạch vải sớm. Ảnh: Anh Thắng.

Được biết, thời gian tới, TP Uông Bí sẽ tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao như kỹ thuật cắt tỉa, bao quả vải chín sớm; công nghệ trồng giàn và hệ thống tưới nhỏ giọt thanh long ruột đỏ... Đồng thời, tiếp tục phát triển vùng sản xuất tập trung, phát triển kinh tế trang trại, gia trại để nâng giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác, tăng hệ số sử dụng đất.

Theo ông Phạm Văn Sự, Phó phòng Kinh tế TP Uông Bí: Thực tế, địa phương có nhiều địa điểm du lịch, khu công nghiệp than, điện, vật liệu xây dựng... nên người dân dễ kiếm việc làm có thu nhập cao ổn định, trong khi đó làm nông nghiệp có thu nhập thấp, chịu ảnh hưởng nhiều do thời tiết và giá thị trường không ổn định, nếu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vốn lớn nên người nông dân không dám mạnh dạn đầu tư.

Người dân mặc dù mong muốn được tham gia sản xuất nông nghiệp song lại không mặn mà với cách làm mới, tiên tiến, áp dụng KHCN. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm đến nay, các địa phương trong TP Uông Bí đã tăng cường quy hoạch quỹ đất nông nghiệp, chuyển đổi các diện tích đất chưa sử dụng thành đất nông nghiệp, vận động người dân dồn điền, đổi thửa...

"Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa tuân thủ lịch canh tác, thông tin khuyến cáo và sự hướng dẫn về cách chăm sóc, lựa chọn giống cây trồng chất lượng... mà hay đổ xô trồng trọt trồng các loài cây theo xu hướng “sốt”, có thu nhập cao tại thời điểm", ông Sự nói thêm.

Qua đây, nhiều doanh nghiệp ngày càng thiện chí và đầu tư mạnh tay vào nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp là Xí nghiệp bia Thăng Long, cơ sở sản xuất rượu mơ Yên Tử Quang Vinh đã đề xuất thành phố phát triển diện tích cây mơ lông Yên Tử tại khu vực Khe Giang (xã Thượng Yên Công). HTX Hương Việt, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quảng Ninh cũng đã đề xuất tới chính quyền TP Uông Bí, tạo điều kiện về mặt bằng để sản xuất rau an toàn tại phường Bắc Sơn. Riêng đối với cây thanh long, nhiều chủ trang trại thanh long trên địa bàn có đề xuất được thuê đất để mở rộng sản xuất.

Nông nghiệp bền vững hướng tới chất lượng cao

Các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, chủ lực, có lợi thế sớm được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, lập quy hoach cụ thể. Những sản phẩm nông nghiệp này cũng được chú trọng xây dựng thương hiệu ngay từ sớm. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã rà soát, tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm chính gồm: Nhóm cây có lợi thế cạnh tranh và tăng giá trị gia tăng; Nhóm sản phẩm tiềm năng phát triển và sản phẩm hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi.

Từ định hướng trên, kết quả sản xuất trồng trọt tại các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trong tỉnh Quảng Ninh đều tăng trước khi quy hoạch (16/17 vùng), cụ thể: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt diện tích 4.690 ha tăng 115 ha; Vùng trồng rau an toàn đạt 348 ha tăng 14 ha; vùng trồng vải 972 ha tăng 22 ha; vùng trồng cam 545 ha tăng 222 ha. Đến nay, một số vùng trồng cây ăn quả đã và đang triển khai mô hình sản xuất VietGAP như vùng vải chín sớm tại Uông Bí, vùng vải, vùng na theo quy trình VietGAP tại Đông Triều.

Các mô hình sản xuất rau an toàn ở Quảng Ninh có chiều hướng tăng về diện tích, chất lượng và con giống. Ảnh: Anh Thắng.

Các mô hình sản xuất rau an toàn ở Quảng Ninh có chiều hướng tăng về diện tích, chất lượng và con giống. Ảnh: Anh Thắng.

Các quy hoạch được lập và phê duyệt đã trở thành công cụ quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước trong việc định hướng chiến lược phát triển của ngành theo kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực. Qua công tác triển khai xây dựng lập các quy hoạch, việc nhận thức về vai trò của công tác quy hoạch và ý thức chấp hành quy hoạch của các các cơ quan, đơn vị trong ngành được nâng lên. Thông qua việc lập và thực hiện quy hoạch bước đầu kiểm soát được việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đất đai, diện tích mặt đất mặt nước cho quá trình CNH,HĐH ngành nông nghiệp nông thôn của tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu đồng bộ, tính dự báo chưa cao. Quy hoạch sử dụng đất dễ bị điều chỉnh theo yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa khi thu hút kêu gọi đầu tư, do đó một số quy hoạch của ngành lại phải rà soát, điều chỉnh sau một thời gian ngắn được phê duyệt, chưa đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, sự liên kết trong quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.

Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh: Hiện chưa có đánh giá toàn diện thực trạng nông thôn, nông nghiệp từ năm 2017 đến nay, tuy nhiên qua rà soát cho thấy nền kinh tế chung đang chuyển dịch đúng hướng; giảm cơ cấu, số người làm trong ngành nông nghiệp, song vẫn duy trì và tăng trưởng tỷ trọng, giá trị toàn ngành.

Tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi 1.160 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi; Hình thành 20 cánh đồng lớn tại thị xã Đông Triều và thị xã Quảng Yên với diện tích 844 ha. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến và làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên, sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao tăng.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.