| Hotline: 0983.970.780

Vải chín sớm Quảng Ninh: Thương lái vét sạch tại vườn

Chủ Nhật 10/05/2020 , 09:44 (GMT+7)

Trong một tuần trở lại đây, người dân tại phường Phương Nam, TP Uông Bí (Quảng Ninh) đang tất bật cho mùa thu hoạch vải sớm.

Dạo qua phường Phương Nam những ngày này, không khí náo nhiệt của vùng quê được mệnh danh là thủ phủ trồng vải ở Quảng Ninh được thể hiện rõ trên đường nét khuôn mặt của người dân. Bỏ qua tiết trời nắng nôi, oi bức sang một bên, trong một gia đình, từ già đến trẻ đang thay phiên nhau những công việc dang dở cho vụ vải bội thu.

Bà Nguyễn Thị Thi, phường Phương Nam, hồ hởi nói: Không chỉ gia đình tôi, mà gần như 100% các hộ ở phường này sống được là nhờ cây vải. Đầu năm dịch bênh Covid-19, ai nấy trong khu đều lo lắng, sợ vất vả mà không được đền đáp. Ấy thế mà đúng mùa vải chín sớm năm nay cũng đúng thời gian dịch bệnh được kiểm soát.

Người dân trồng vải vui mừng vì được mùa, được giá. Ảnh: Anh Thắng.

Người dân trồng vải vui mừng vì được mùa, được giá. Ảnh: Anh Thắng.

Vào thời điểm này, mặc dù không thể XK sang Trung Quốc, nhưng người dân trồng vải không phải mang đi đâu bán mà sẽ có các thương lái đến tận nơi thu mua. Năm nay, thị trường chính cho vải là thị trường nội địa, giá vải giữ mức ổn định hơn so với các năm trước, giá đổ buôn tại vườn trung bình khoảng 27.000 - 35.000đ/kg, có lúc cao điểm lên tới 45.000đ/kg.

Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, mùa vải năm nay đạt sản lượng toàn diện tích tính đến thời điểm này khoảng 4.000 tấn. Trong đó, trung bình một hộ có khoảng 100 - 200 gốc vải, hộ nhiều thì khoảng 300 gốc vải hoặc hơn, mỗi lần thu hoạch một gốc vải sẽ cho từ 50 - 100 kg quả.

Anh Phạm Văn Dũng, phường Phương Nam chia sẻ: Vải chín sớm Phương Nam có ưu việt so với các loại vải thiều khác như quả to, vỏ mỏng, mẫu mã đẹp, thịt quả mọng nước có vị ngọt thanh dịu và chua vừa phải. Vải ở đây chín sớm hơn vải Thanh Hà (Hải Dương) và vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Ngay từ đầu tháng 5 dương lịch là đã có vải để thu hoạch.

Danh tiếng sẵn có của vùng đất trồng vải, các thương lái đến tận vườn thu mua vải sớm của người dân. Ảnh: Anh Thắng.

Danh tiếng sẵn có của vùng đất trồng vải, các thương lái đến tận vườn thu mua vải sớm của người dân. Ảnh: Anh Thắng.

Giống vải thiều ở vùng đất Phương Nam được bắt nguồn từ một vài hộ dân sinh sống ở đây, theo một số cao niên sống trong khu vực phường Phường Nam thì giống vải chín sớm này được lấy giống từ Hải Dương vào khoảng những năm 1968. Sau đó người dân tự nhân giống và trồng rộng rãi tại các khu Phong Thái, Hồng Phong, Cẩm Hồng, Hồng Hà (TP Uông Bí). Nhà có ít đất thì trồng ít, có nhiều đất thì trồng nhiều, cứ thế cây vải và đã đem lại cuộc sống ấm no, thu nhập ổn định cho người dân.

Nhận thấy điều này, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện dự án, tình hình sản xuất và tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam đã có những chuyển biến tích cực. Từ chỗ sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, đến nay đã hình thành vùng sản xuất tập trung, hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Diện tích, sản lượng cũng như chất lượng quả được năng lên rõ rêt giúp cải thiện thu nhập cho người dân. Hiện diện tích vải chín sớm trên địa bàn phường đã đạt trên 327 ha, diện tích cho thu hoạch là 320 ha.

Thêm nữa, vùng trồng vải chín sớm Phương Nam được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là một trong 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh (vì có hiệu quả kinh tế cao trên 240 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với những loại cây ăn quả khác cùng điều kiện phát triển). Người dân cũng đã nhận được định hướng từ chính quyền trong việc chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng vải chín sớm. Đồng thời, vải Phương Nam đã được Trung Quốc cấp mã số để truy xuất nguồn gốc, thuận tiện hơn cho việc tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm.

Vải sớm Phương Nam được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, là sản phẩm XK sang Trung Quốc. Ảnh: Anh Thắng.

Vải sớm Phương Nam được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, là sản phẩm XK sang Trung Quốc. Ảnh: Anh Thắng.

Việc triển khai mô hình VietGAP trên vùng vải chín sớm Phương Nam đã mang lại những kết quả khả quan. Trên 90% diện tích trồng vải đã áp dụng quy trình VietGAP nên không chỉ sản lượng, mẫu mã mà chất lượng quả cũng ngày càng tăng lên, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hộ trồng vải trong vùng đang tiến hành  thực hiện giai đoạn 2 của dự án xây dựng vùng vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2020, Uông Bí có thêm 140 ha vải trồng, chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng tổng số 280 ha vải chín sớm Phương Nam theo tiêu chuẩn VietGAP.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm