| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nông nghiệp vì hạnh phúc của người dân

Thứ Tư 11/01/2023 , 09:19 (GMT+7)

Tùy điều kiện cụ thể nhưng nói chung một bộ phận lớn dân cư đã ngày càng quan tâm mặc đẹp, phù hợp với thời tiết, khí hậu mùa vụ và điều kiện lao động.

Năm 1946, khi trả lời các nhà báo, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người còn chỉ rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[1].

Rõ ràng, vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam mà Bác Hồ đã suốt đời hy sinh, phấn đấu không biết mệt mỏi cùng Đảng ta lãnh đạo đất nước 92 năm qua. Hạnh phúc của nhân dân gắn liền với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, chính vì thế từ năm 2012 tổ chức Liên hợp quốc đã đưa ra tiêu chí quốc gia hạnh phúc để xếp loại hàng năm. Một số chỉ số được quan tâm là mức độ hài lòng của người dân, GDP bình quân đầu người, sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng giáo dục, môi trường, bảo đảm an ninh trật tự,… Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh: “Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc”[2].

 

Thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu và triển khai, đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tế cuộc sống, phát triển nông nghiệp của đất nước cũng phải lấy nông dân làm gốc, vì hạnh phúc của người dân để có những giải pháp tích cực, đồng bộ và hiệu quả.

Trước hết, nông nghiệp từng bước khắc phục được những bất lợi và hạn chế hiện nay như tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; giá trị gia tăng trên mỗi lao động nông nghiệp thấp; mức độ cơ giới hóa, tự động hóa, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ không cao; còn phải nhập cả một số giống cây trồng vật nuôi từ Thái Lan, Trung Quốc,… và nhiều loại thức ăn gia súc, gia cầm; chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu quốc gia nên khó cạnh tranh trên thương trường,…

Mặc dù trong những năm qua nông nghiệp đã có những tiến bộ vượt bậc khi tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội, đảm bảo an ninh lương thực, thay đổi diện mạo nông thôn mới,… nhưng nhìn chung đời sống người nông dân còn thấp nhiều so với khu vực đô thị, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Người dân rất quan tâm đến những nhu cầu thiết thực về vật chất và tinh thần như ăn, ở, học hành, chữa bệnh, vui chơi, giải trí,…

Chăm lo nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân đòi hỏi phải phù hợp với từng vùng miền cụ thể. Vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa trước mắt đảm bảo đủ lương thực và các loại thực phẩm thiết yếu cho đồng bào. Vùng đô thị, đồng bằng, trung du cần từng bước cung ứng gạo ngon, tăng rau quả tươi, thủy sản trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày. Mỗi người dân đều đòi hỏi vệ sinh an toàn thực phẩm, vì thế công tác quản lý Nhà nước phải kiểm soát tốt, kể cả kiểm soát nguồn nước sạch sinh hoạt. Sau bữa ăn cần lo đến áo mặc, mặc đủ, mặc ấm của người dân, nhất là ở vùng mưa lũ, vùng khó khăn như Bác Hồ từng căn dặn.

Tùy điều kiện cụ thể nhưng nói chung một bộ phận lớn dân cư đã ngày càng quan tâm mặc đẹp, phù hợp với thời tiết, khí hậu mùa vụ và điều kiện lao động. Vấn đề nhà ở, ở sạch, ở đẹp là một nhu cầu chính đáng. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng quản lý tốt công tác quy hoạch, kiến trúc khu dân cư nông thôn, đô thị để cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Nhà nước đã có cơ chế, chính sách giải quyết nhà ở cho hộ nghèo, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp,… nhưng đòi hỏi các cấp chính quyền tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện để người dân được sớm thụ hưởng. Hiện nay người dân rất lo lắng đến chất lượng dạy và học cũng như công tác chăm sóc sức khỏe. Đây là vấn đề được Nhà nước coi là quốc sách, là mục tiêu phấn đấu rất quan trọng nhưng việc tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, khó khăn, hiệu quả không cao. Tương lai con em chúng ta, nền dân trí, tầm vóc người dân Việt phụ thuộc rất lớn ở lĩnh vực này. Môi trường sống của người dân đòi hỏi phải giải quyết tốt ở những nơi còn để ô nhiễm nặng cả nguồn nước, chất thải, khí thải, chặt phá rừng, đốt rừng, bê tông hóa đô thị, nông thôn. Công tác an ninh trật tự xã hội có nhiều tiến bộ nhưng cần thường xuyên được quản lý tốt để ngăn chặn các tệ nạn cướp giật, trộm cắp, ma túy, mại dâm và cả an toàn giao thông.

Vì hạnh phúc của người dân, nông nghiệp có vai trò, vị trí rất lớn đóng góp vào sự nghiệp đó. Ngoài đóng góp tăng thu ngân sách, đảm bảo nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến, cải thiện cảnh quan môi trường, nhất là tăng tỷ lệ cây xanh, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, ngành nông nghiệp còn có vai trò to lớn trong chăm lo cải thiện chất lượng bữa ăn, cung ứng nguồn nước sạch để góp phần chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thân thiện với môi trường,… nhất định ngành nông nghiệp sẽ đóng góp tích cực cùng hệ thống chính trị vì hạnh phúc của người dân hiệu quả, thiết thực trong thời gian tới.

-----

[1] - Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, T4, Tr175.

[2] - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, T1, Tr173.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.