| Hotline: 0983.970.780

Phát triển rừng bền vững để giảm phát thải nhà kính

Thứ Năm 28/09/2017 , 08:47 (GMT+7)

Ngày 27/9, tại Hà Nội, dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” đã tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về Văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ER-PD)...

Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến lần cuối để hoàn thiện Văn kiện trước khi chính thức gửi Quỹ Đối tác Các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) vào cuối tháng 11/2017 và bảo vệ tại cuộc họp Quỹ các-bon (CF16) vào tháng 12 năm nay.

12-54-07_ton_cnh_hoi_tho
Quang cảnh hội thảo

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, REDD+ là sáng kiến nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính thông qua 5 hoạt động: (1) Giảm phát thải từ mất rừng, (2) Giảm phát thải từ suy thoái rừng, (3) Bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, (4) Quản lý rừng bền vững và (5) Tăng cường trữ lượng các-bon rừng.

Mục đích chính của REDD+ là nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. REDD+ cũng mang lại các lợi ích về môi trường, xã hội cho các quốc gia tham gia thực hiện REDD+. Không giống như những sáng kiến khác, REDD+ là cơ chế trong đó các nước tham gia quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) chỉ chi trả tài chính cho các nước thực hiện REDD+ dựa trên các kết quả giảm phát thải khí nhà kính được ghi nhận.

Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ được tiến hành ở 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bao gồm toàn bộ diện tích rừng lá rộng thường xanh còn lại hiện nay của Việt Nam và một số khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu. Vùng này có 10,3 triệu người (chiếm 12% dân số cả nước), có tổng diện tích đất tự nhiên là 5,1 triệu ha (chiếm 16% diện tích cả nước), độ che phủ rừng là 57% (2,9 triệu ha), trong đó 74% là rừng tự nhiên (2,1 triệu ha).

Đây là Chương trình REDD+ cấp vùng thực hiện đầu tiên ở nước ta, với tham vọng giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ khoảng 33,06 triệu tấn CO2 quy đổi, trong đó FCPF/Ngân hàng Thế giới đã cam kết chi trả cho các nỗ lực giảm phát thải sau khi thẩm định kết quả thực hiện là 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 60 triệu USD trong thời gian 6 năm thực hiện Chương trình (từ năm 2018 đến năm 2024).

11-01-54_nh_1_-_rung_khong_chi_giup_nguoi_dn_giu_bn_lng_m_con_lm_gim_pht_thi_nh_kinh
Rừng không chỉ giúp người dân giữ bản làng mà còn làm giảm phát thải nhà kính

Vì đây là chương trình được chi trả sau khi kết quả được thẩm định minh bạch nên nguồn kinh phí để triển khai thực hiện chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ cần được bố trí từ các nguồn hiện có như: Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (2016-2020); Quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình nông thôn mới; Dự án hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường khả năng chống chịu ven biển triển khai ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ, Hải Phòng và Quảng Ninh (Ngân hàng Thế giới - 150 triệu USD); Dự án Quỹ khí hậu xanh (UNDP - 11,5 triệu USD)...

Về văn kiện Chương trình, TS Vũ Tấn Phương, Chuyên gia tư vấn cho biết, Chương trình được thiết kế dựa trên các yêu cầu: Giải quyết các nguyên nhân (trực tiếp, gián tiếp) gây mất rừng và suy thoái rừng; Phù hợp và đóng góp vào các chiến lược và chính sách quốc gia; “Tham vọng” nhưng “thực tế”; Chi trả dựa trên kết quả; Tự ứng trước để đầu tư thực hiện.

Văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ có 4 hợp phần, 10 tiểu hợp phần và 28 hoạt động chính:

Hợp phần 1: Tăng cường điều kiện cần thiết cho giảm phát thải với 2 tiểu hợp phần: tăng cường chính sách kiểm soát chuyển đổi rừng tự nhiên; tăng cường thực thi pháp luật và quản trị rừng.

Hợp phần 2: Thúc đẩy quản lý rừng bền vững và tăng chất lượng rừng với 3 tiểu hợp phần: bảo vệ rừng tự nhiên hiện có; nâng cao chất lượng rừng trồng; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên.

Hợp phần 3: Thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững cho người dân phụ thuộc vào rừng với 2 tiểu hợp phần: cải thiện sản xuất nông nghiệp; đa dạng và cải thiện sinh kế người dân sống phụ thuộc vào rừng.

Hợp phần 4: Quản lý và điều phối Chương trình với 3 tiểu hợp phần: quản lý và điều phối chương trình; theo dõi, giám sát và đánh giá; truyền thông.

11-01-54_nh_2_-_pht_trien_rung_ben_vung_l_cm_ket_cu_viet_nm_lm_gim_pht_thi_khi_nh_kinh_voi_cong_dong_quoc_te
Phát triển rừng bền vững là cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế giúp giảm phát thải khí nhà kính

Nếu văn kiện được Quỹ Đối tác Các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (thay mặt FCPF) sẽ thương thảo và ký kết Hiệp định chi trả Giảm phát thải (ERPA) để thực hiện Chương trình. Đây sẽ là một hoạt động quan trọng góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về REDD+, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đồng thời thể hiện trách nhiệm và nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” được Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) tài trợ không hoàn lại, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí 5 triệu USD, thời gian thực hiện từ tháng 11/2016 đến tháng 12/2019. Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ quản, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp là chủ dự án.

Dự án FCPF giai đoạn 2 được triển khai với mục tiêu Hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức, kỹ thuật cho các cơ quan có liên quan ở Trung ương và 6 tỉnh thuộc Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam.

 

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...