| Hotline: 0983.970.780

Phát triển rừng ngập mặn tốn chi phí gấp 3 so với đất liền

Thứ Sáu 11/03/2022 , 07:05 (GMT+7)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo nêu một số khó khăn và giải pháp bảo vệ, phát triển rừng ven biển, rừng ngập mặn tại hội thảo ngày 10/3.

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu tại Hội thảo 'Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển - Giải pháp giảm phát thải và phát triển kinh tế'. Ảnh: Bá Thắng.

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu tại Hội thảo "Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển - Giải pháp giảm phát thải và phát triển kinh tế". Ảnh: Bá Thắng.

Trong số các loại rừng, rừng ngập mặn có khả năng tích trữ khí cacbonic tốt nhất. Chúng có thể hấp thụ lượng các bon nhiều gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới truyền thống trên đất liền. Dù vậy, việc phát triển rừng ven biển, rừng ngập mặn hiện gặp nhiều khó khăn dù chúng chỉ chiếm tương ứng 3% và 1% tổng diên tích rừng quốc gia.

Một trong số những khó khăn, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo là chi phí trồng rừng. Dựa trên dự toán của các địa phương có rừng, chi phí trồng 1 ha rừng phòng hộ trên đất liền khoảng 60 triệu đồng, nhưng rừng ngập mặn lên tới 200 triệu đồng, thậm chí hơn.

Tháng 10/2021, Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030". Trong số những mục tiêu của Đề án, có: Chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Một góc trong khu rừng ngập mặn Cần Giờ, TP. HCM. Ảnh: TL.

Một góc trong khu rừng ngập mặn Cần Giờ, TP. HCM. Ảnh: TL.

Giải pháp chính trong Đề án, là xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển. Một số loài cây như mắm, đước, vẹt, bần, dà... đã được ngành lâm nghiệp đưa vào trồng tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, phát triển bền vững rừng ven biển nói riêng và rừng ngập mặn nói chung vẫn là bài toán khó.

Bên cạnh nguyên nhân về chi phí, như Phó Tổng cục trưởng Trần Quang Bảo nêu trên, còn những vấn đề như: Phát triển rừng ven biển rủi ro hơn nhiều lần so với rừng trên cạn; quỹ đất của rừng ven biển thường biến động do chịu sức ép từ quy hoạch của địa phương; tình trạng xâm lấn, phá rừng, nuôi trồng thủy sản diễn ra ở nhiều nơi bởi người dân mưu sinh; một số mô hình hay như nuôi tôm trong rừng ngập mặn ở ĐBSCL chưa có điều kiện phổ biến, nhân rộng. 

Gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ, phát triển rừng ven biển, nhưng cả nước đã thực hiện 140 dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển giai đoạn từ 2015 - 2020, dựa trên tinh thần của Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 22/1/2015 của Thủ tướng. Trong đó, bảo vệ rừng ven biển 295.164 ha; tổng diện tích trồng rừng 22.390 ha, trồng cây phân tán 4 triệu cây.

Tiếp nối thành công trên, Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đã đưa ra những tiêu chí phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia và các quy hoạch liên quan.

Đây là cơ sở để Đề án đạt hiệu quả bền vững, hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển, dựa trên cam kết của nhà nước về ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, khuyến khích huy động vốn đầu tư từ các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế.

Người dân Bình Định bảo vệ, trồng mới rừng ngập mặn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người dân Bình Định bảo vệ, trồng mới rừng ngập mặn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trên tinh thần đó, Tổng cục Lâm nghiệp đề ra 3 nhiệm vụ chính để thực hiện Đề án. Một là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan tới rừng ven biển. Hai là xây dựng, phát triển, nâng cao giá trị của các mô hình kinh tế trong rừng ven biển, đảm bảo sinh kế cho người dân. Ba là thu hút hơn nữa nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực quốc tế để bảo vệ, phát triển rừng ven biển.

"Qua hội thảo, ngành lâm nghiệp cam kết lắng nghe, ghi nhận các ý kiến từ chuyên gia, địa phương và các tổ chức quốc tế. Trước mắt, chúng tôi sẽ rà soát, xác định chính xác quỹ đất cho rừng ven biển, nghiên cứu thêm nhiều giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng ven biển", Phó Tổng cục trưởng Trần Quang Bảo kết luận.

Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu trồng mới 20.000 ha rừng, gồm: 9.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 10.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 trồng mới 11.000 ha.

Trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000 ha, gồm: 6.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 8.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng đối với 9.000 ha.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.