Rừng trồng của Cty Bảo Châu Phú Yên |
Cty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên được thành lập từ 2003, bắt đầu trồng rừng từ năm 2010. Ngoài hoạt động lâm nghiệp, Cty còn khai thác, sản xuất và chế biến gỗ trồng phục vụ cho các thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện Cty đã trồng hơn 3.000ha rừng, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu. Năm 2016, Cty đã đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ dăm phục vụ xuất khẩu tại KCN Đông Bắc Sông Cầu.
Nhà máy có diện tích 36.000m2, tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị để sản xuất gỗ dăm xuất khẩu và giai đoạn 2 đầu năm 2018, Cty cũng đã đầu tư 50 tỷ đồng lắp đặt phân xưởng sản xuất viên nén đầu tiên tại Phú Yên, có công suất 30.000 tấn/năm.
Ông Trần Đăng Khoa, GĐ Cty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên cho biết: Để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, từ lâu Cty đã có định hướng hướng tới phát triển rừng bền vững, chú trọng trong chế biến để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu.
Và, rất mừng vào năm 2017, khi dự án RAFT3 do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư khởi động. Sau đó, được Sở NN-PTNT giới thiệu, RAFT3 đã giúp Cty có hướng đi mới trong trồng, chế biến và xuất khẩu.
Theo đó, Cty đã được các chuyên gia của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tập huấn quản lý rừng bền vững cho CBCNV trực tiếp quản lý rừng. WWF đã chính thức kết nạp Cty trở thành thành viên mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu.
Việc tham gia mạng lưới kinh doanh này sẽ thúc đẩy các mối liên kết SXKD giữa các Cty và hỗ trợ hoạt động lâm nghiệp có trách nhiệm, theo hướng bền vững. Mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu đưa ra các điều kiện thị trường nhằm giúp bảo tồn rừng trong khi vẫn cung cấp các lợi ích kinh tế, xã hội cho các DN và những người phụ thuộc vào rừng.
Nhà máy chế biến dăm gỗ của Cty Bảo Châu Phú Yên |
Theo ông Khoa, ông rất tin tưởng vào các giá trị mà mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu tạo dựng và mong muốn các khu rừng do Cty quản lý đạt được các tiêu chuẩn bền vững về môi trường và xã hội để từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm…
Và kết quả này đúng theo kỳ vọng và nỗ lực của Cty khi mới đây đơn vị đã vinh dự nhận chứng chỉ rừng trồng FSC với hơn 1.900ha keo. Định hướng đến năm 2020, Cty phấn đấu nâng diện tích rừng trồng lên khoảng 5.000ha theo quy hoạch phát triển rừng của tỉnh.
Ông Khoa chia sẻ, chuỗi sản xuất từ trồng đến khai thác và chế biến sản phẩm dăm gỗ của nhà máy đã xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và đang hướng tới những thị trường khó tính như Bắc Mỹ, châu Âu.
Sản xuất viên nén năng lượng từ dăm gỗ và gỗ phế phẩm phục vụ cho xuất khẩu cũng được các chuyên gia lâm sản của Hàn Quốc, Nhật Bản đến kiểm tra và đánh giá chất lượng rất cao. Vì vậy, với số lượng hàng làm ra hiện tại của Cty không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Từ quý 2/2016, sản phẩm dăm gỗ của Cty đã bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Về sản phẩm viên nén, đầu quý 4/2018, Cty sẽ xuất 4.000 tấn, tương ứng với một lượng lớn nguyên liệu tận dụng từ gỗ rừng trồng bị thải loại như cành, nhánh, mùn cưa, vỏ cây”, ông Khoa nói. |