| Hotline: 0983.970.780

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi

Thứ Ba 20/12/2022 , 09:19 (GMT+7)

Để nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế vùng nông thôn, huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông (Lâm Đồng) xây dựng chương trình OCOP gắn với phát triển liên kết chuỗi.

Nâng tầm cho sản vật vùng nông thôn 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đam Rông (Lâm Đồng), đến nay, huyện có 6 sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP 3-4 sao. Trong đó bao gồm sản phẩm cà phê phin Pilobusta của Công ty GloBeans, chuối Laba của HTX Laba Banana Đạ K'Nàng đạt chứng nhận OCOP 4 sao; các sản phẩm hạt mắc ca sấy của Cơ sở mắc ca Hội Dung, quả sầu riêng của trang trại Dũng Đẹp, quả dứa mật của tổ hợp tác dứa mật Romen và trà dây leo của cơ sở Lê Thị Huệ đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

DSC_7526

Đến nay, huyện Đam Rông  có 6 sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP 3-4 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện tại, huyện Đam Rông đang đề xuất Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận hồ sơ, tổ chức đánh giá, phân hạng và chứng nhận sản phẩm OCOP đối với 4 sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đam Rông chia sẻ, huyện Đam Rông bắt đầu thực hiện chương trình OCOP từ năm 2020 và đã được người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp quan tâm, hưởng ứng.

"Đối với chương trình OCOP, các chủ thể đã chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì để nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua chương trình OCOP, nhiều nông sản của địa phương đã mở rộng được thị trường, có giá bán cao hơn và tăng thu nhập cho nông dân vùng nông thôn", bà Hà chia sẻ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đam Rông, những năm qua, để chương trình OCOP đạt hiệu quả, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình đến với người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Cùng với đó là tổ chức các cuộc tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, triển khai chương trình OCOP. Huyện cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá đối với các sản phẩm OCOP.

Trong khi đó, huyện Lâm Hà cũng đạt kết quả cao trong xây dựng chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện có 17 sản phẩm được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận OCOP từ 3-4 sao. Đặc biệt trong số này có 3 sản phẩm tiềm năng đạt tiêu chuẩn OCOP cấp quốc gia (5 sao) là: bộ trà Olong ba bông mai của Công ty CP Long Đỉnh; Macca sấy Viet's Nuts Lâm Hà của Công ty TNHH Nông sản Huy Hiếu; Macca Lâm Hà của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Vàng MACCA.

DSC_7447

Các sản phẩm từ sachi của Công ty TNHH Sachi Việt (thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Hậu. 

Ông Roda Búp, cán bộ phụ trách chương trình OCOP (Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Hà) cho biết, dự kiến cuối năm 2022, địa phương có thêm 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Cũng theo ông Roda Búp, cương trình OCOP ở huyện thời gian qua được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ. Trong số 13 chủ thể đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận sản phẩm OCOP thì có 9 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 2 cơ sở sản xuất.

Xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao

Tại huyện Lâm Hà, các sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu nông sản có thế mạnh như trà Olong ở xã Phúc Thọ, mắc ca ở các xã Hoài Đức, Tân Hà, Liên Hà, sản phẩm chuối laba ở xã Phú Sơn… Về kết quả chương trình OCOP, ông Roda Búp đánh giá: "Chương trình OCOP là giải pháp tích cực cho đầu ra nông sản địa phương. Hiện nay, các sản phẩm đã được các chủ thể tập trung chế biến sâu, nâng cao giá trị, có truy xuất nguồn gốc nên có được niềm tin từ người tiêu dùng. Việc phát triển sản phẩm OCOP là giải pháp quảng bá thương hiệu và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thế mạnh của địa phương".

Huyện Lâm Hà đưa ra mục tiêu 33 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP vào năm 2025 và trong số này có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao. Huyện cũng phấn đấu hình thành thêm 7 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng tổng số chuỗi của huyện lên con số 30.

DSC_7461

Đến nay, huyện Lâm Hà có 17 sản phẩm được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận OCOP từ 3-4 sao. Ảnh: Minh Hậu.

"Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của huyện Lâm Hà là tiếp tục hỗ trợ phát triển mới các sản phẩm OCOP và nâng cấp các sản phẩm đã đạt chứng nhận. Huyện ưu tiên phát triển sản phẩm từ các vùng nông sản chủ lực, ngành nghề của địa phương như trồng dâu nuôi tằm, du lịch canh nông, dệt lụa truyền thống… Đồng thời tạo sự khác biệt của sản phẩm OCOP với các hàng hóa khác trên thị trường, tăng uy tín cho sản phẩm OCOP để mở rộng thị trường", ông Roda Búp, cán bộ phụ trách chương trình OCOP (Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Hà) nói.

Trong khi đó, với những lợi ích mà chương trình OCOP mang lại, huyện Đam Rông lên kế hoạch phát triển chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 theo hướng kết hợp Đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, huyện  thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển sản phẩm gắn với các lợi thế về vùng nguyên liệu. Đồng thời phát triển chương trình gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan, môi trường và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

DSC_7968

Huyện Đam Rông lên kế hoạch phát triển chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 theo hướng kết hợp Đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà nói, huyện Đam Rông đề ra mục tiêu có 25 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP vào năm 2025. Trong đó bao gồm 1-3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao, 5-7 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao và 15-19 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao. Từ nay đến năm 2025, huyện Đam Rông cũng phấn đấu phát triển trên 30 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với trên 1.000 hộ tham gia, nâng tỉ lệ tiêu thụ qua chuỗi đạt trên 30% giá trị nông sản toàn huyện.

Bà Hà cho biết: "Huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế. Đồng thời, đến năm 2025 huyện sẽ xây dựng 3 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp huyện.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.