Ngân sách năm ngoái tiết lộ WHO đã chi gần 192 triệu đô la cho chi phí đi lại trong năm 2018 với chuyện các nhân viên đôi khi phá vỡ quy tắc riêng của tổ chức, sử dụng chuyến bay với khoang thương gia hay đặt vé đắt tiền vào phút cuối.
Con số đó đã giảm 4% so với năm 2017, khi cơ quan này hứa sẽ kiềm chế chi phí đi lại.
Năm 2017, một cuộc điều tra của hãng tin AP đã tiết lộ rằng WHO đã chi khoảng 200 triệu đô la mỗi năm cho việc đi lại, bao gồm vé máy bay hạng nhất và khách sạn năm sao cho Tổng giám đốc Margaret Chan.
Người kế nhiệm Tedros Adhanom Ghebreyesus hứa sẽ hành động và cấm đi máy bay hạng nhất cho tất cả nhân viên.
Con số, được tiết lộ trong Báo cáo kết quả 2018-19, đã bị các nhà phê bình WHO nắm được - đặc biệt là những người ở Hoa Kỳ, nơi tổ chức này bị tấn công dữ dội.
Số tiền mà WHO chi cho đi lại là một trong những lĩnh vực gây tranh cãi nhất trong ngân sách hàng năm.
Trong số tiền chi cho việc đi lại, 45% là cho chi phí đi lại của nhân viên, phần còn lại cho chuyên gia y tế và quan chức địa phương làm việc trên mặt đất với WHO. Chi phí nhân viên chiếm 41% trong tổng ngân sách của tổ chức - số tiền lớn nhất.
Ngay cả các nhà quan sát đồng cảm với WHO cũng nói với Telegraph, tổ chức này phải đối mặt với “một trận chiến liên tục” trong quản lý chi phí và có nguy cơ khiến các quốc gia thành viên xa lánh nếu không làm như vậy.
Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố ông cắt tài trợ cho WHO, cáo buộc các quan chức của WHO phá hoại cuộc chiến chống Covid-19 do quá "thiên vị Trung Quốc".
Hoa Kỳ là người đóng góp lớn nhất cho ngân sách hàng năm của WHO và quyết định của Trump sẽ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực chống lại bệnh tật trên toàn thế giới.
Động thái của Trump, dành được sự ủng hộ rộng rãi giữa các chính trị gia đảng Cộng hòa, những người từ lâu đã kêu gọi một cuộc điều tra về việc Mỹ đóng góp bao nhiêu cho WHO.
Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott cho biết hồi đầu tháng này rằng những người nộp thuế ở Mỹ “không nên tiếp tục chi hàng triệu đô la mỗi năm để tài trợ cho một tổ chức cố tình nhắc lại các tuyên truyền từ Bắc Kinh”.
Thông báo của Tổng thống đã bị lên án rộng rãi là một nỗ lực làm chệch hướng khỏi những thất bại của chính ông trong việc ứng phó với virus Corona ở Mỹ, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh ban đầu, nhưng đã có những chỉ trích dai dẳng về chi tiêu của WHO.
Sophie Harman, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Queen Mary, London, nói với Telegraph: Chi phí đi lại là một cơn ác mộng trong quan hệ công chúng đối với WHO, đặc biệt là khi họ nói cần nhiều tiền hơn từ các quốc gia thành viên. Thật khó để biện minh cho việc tăng ngân sách của mình khi mọi người đều bay hạng thương gia.
“Đó là một cuộc chiến liên tục vì nó từng được coi là một quyền lợi, nhưng WHO đã thực hiện cải cách và thắt chặt chi tiêu”.
Giáo sư Harman cho biết WHO đã phạm sai lầm khi để Tổng thống Trump sử dụng tổ chức trong trận chiến với chính phủ Trung Quốc.
“Đây là một vấn đề lớn ở Trung Quốc, điều này sẽ định hình mối quan hệ của họ với các quốc gia khác, những người bí mật nghĩ rằng Trump có lý”, bà nói.
WHO cho biết công việc của họ rất quan trọng đối với các nỗ lực của thế giới trong cuộc chiến chống lại Covid-19 và giờ không phải là lúc để cắt giảm tài nguyên.
Người phát ngôn của WHO cho biết: "Với nhân viên ở hầu hết các quốc gia trên thế giới xử lý nhiều ưu tiên và trường hợp khẩn cấp về y tế (chúng tôi đang quản lý 9 trường hợp khẩn cấp vào thời điểm hiện tại), đi lại là một điều cần thiết”.
"WHO sử dụng gần 7.000 người trên toàn thế giới. Khi nhân viên đi lại, họ làm rất nhiều việc, bao gồm ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, đánh giá mức độ sẵn sàng khẩn cấp của các nước, thực hiện vắc xin và các chiến dịch y tế công cộng khác, đào tạo nhân viên y tế, v.v."
Bà nói thêm: "Cần lưu ý rằng thường chưa tới một nửa tổng chi phí đi lại của WHO dành cho nhân viên. Hơn một nửa là chi phí phát sinh để đưa đại diện của các quốc gia thành viên - chủ yếu đến từ các nước thu nhập thấp và trung bình - và các chuyên gia bên ngoài tới các cuộc họp về kỹ thuật và quản trị. Đây là một phần trung tâm trong công việc của WHO. "