| Hotline: 0983.970.780

WHO - 'con dê tế thần' của Trump

Thứ Năm 16/04/2020 , 07:10 (GMT+7)

Tuyên bố chấn động của Trump cắt ngân sách hỗ trợ WHO dưới con mắt các chuyên gia không khác gì việc làm suy yếu nỗ lực chống Covid-19 toàn cầu.

"Cắt ngân sách WHO đồng nghĩa với việc rút các cố vấn y tế khỏi những khu vực nghèo khó giữa lúc họ cần nhất. Nếu Covid-19 tăng tốc lây lan ở những khu vực này, dịch bệnh có thể kéo dài thêm nhiều tháng thậm chí nhiều năm nữa hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn với loài người.

Hành động của Trump, tạo ra khủng hoảng giữa khủng hoảng, sẽ làm suy yếu phản ứng toàn cầu ở vào một thời điểm vô cùng bấp bênh", Jeremy Konyndyk, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, trụ sở ở Washington đánh giá trên BusinessInsider.

"Tổ chức Y tế Thế giới là một "con dê tế thần" bởi họ không thể chống trả. Đồng thời, họ cũng không muốn chỉ trích thành viên của mình. Nếu Mỹ muốn đổ lỗi, WHO chỉ đơn giản là ngồi đấy và chấp nhận", ông Konyndyk nói. "WHO thực sự là một "con dê tế thần" hoàn hảo đối với Hoa Kỳ. Nhưng thật nực cười khi nghĩ rằng họ phải chịu trách nhiệm vì phản ứng chậm chạp của nước này".

Theo ông Konyndyk, quyết định cắt ngân sách không liên quan đến việc WHO đã làm hay không làm gì mà chủ yếu nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận khỏi những phản ứng có phần lúng túng và chậm chạp ban đầu của chính quyền Trump trước Covid-19. Và thực tế là Mỹ giờ đây trở thành tâm dịch toàn cầu.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhận định mục đích thực sự của Tổng thống là chối bỏ sai lầm mà chính quyền Trump mắc phải khi đối phó với Covid-19, dù WHO và Trung Quốc cũng "mắc sai lầm".

Các nhà phê bình từng chỉ ra rằng trong nhiều tuần sau khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, Trump thường ca ngợi phản ứng của Bắc Kinh và hạ thấp mối nguy hiểm mà virus gây ra trong nước.

Tuy nhiên, đến khi cả nước Mỹ bị cơn bão Covid-19 tàn phá, ông chủ Nhà Trắng lại tin rằng tổ chức này "thiên vị đối với Trung Quốc" và thông đồng để ngăn chặn đối thủ kinh tế chính của Hoa Kỳ khỏi phải công khai về thảm họa sức khỏe đang diễn ra.

"Nếu WHO đưa các chuyên gia y tế vào Trung Quốc để đánh giá khách quan tình hình thực tế thì dịch bệnh có thể được ngăn chặn tại thời điểm số người chết còn ít", ông nói. "Điều này sẽ cứu sống hàng ngàn người và tránh thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới. Thay vào đó, WHO sẵn sàng tin lời Trung Quốc và bảo vệ những hành động của chính phủ nước này".

Trump lưu ý Mỹ mỗi năm cấp ngân sách cho WHO từ 400-500 triệu USD trong khi Trung Quốc "chỉ đóng góp gần 40 triệu USD", theo Reuters.

Mỹ đóng góp khoảng 22% ngân sách WHO với các khoản tiền được chuyển qua nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ. Hầu hết số tiền đó sử dụng vào chiến dịch loại trừ bệnh bại liệt hay hỗ trợ y tế, dinh dưỡng cho châu Phi.

Số liệu từ WHO cho thấy đóng góp của Mỹ trong năm 2020 dự kiến rơi vào khoảng 116 triệu USD, nhưng Washington hoàn toàn có thể tự nguyện góp nhiều hơn. Ví dụ, năm 2017, Mỹ đã tự nguyện góp 401 triệu USD, theo phân tích từ Quỹ Gia đình Kaiser.

WHO đã kêu gọi hơn 1 tỷ US để tài trợ cho các hoạt động chống lại đại dịch. Cơ quan này cần nhiều nguồn lực hơn bao giờ hết vì nó dẫn đầu phản ứng toàn cầu chống lại Covid-19.

WHO đóng vai trò quan trọng trong tư vấn cho các quốc gia đang phát triển về những vấn đề y tế và khủng hoảng. Việc cắt giảm ngân sách của tổ chức ở thời điểm dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay tiềm ẩn nguy cơ khiến virus vượt khỏi tầm kiểm soát, đồng thời có thể khiến nó bùng phát thành làn sóng thứ hai ở những nước phát triển đã kìm chế virus thành công.

Giáo sư Nahid Bhadelia, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston ở Mỹ, nhận định việc rút lại ngân sách cấp cho WHO không khác gì thảm họa.

"Cắt giảm 15% (đóng góp của Mỹ) vào ngân sách WHO trong đại dịch được cho là lớn nhất thế kỷ chắc chắn sẽ gây ra thảm họa", bà viết trên Twitter. "WHO là một đối tác kỹ thuật toàn cầu, là nền tảng mà qua đó các quốc gia có chủ quyền chia sẻ dữ liệu, công nghệ, là con mắt của thế giới trước quy mô toàn cầu của đại dịch này".

Jack Chow, đại sứ Mỹ về ứng phó HIV/AIDS toàn cầu dưới thời Tổng thống George W. Bush, đánh giá hành động của Trump sẽ làm ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục được mở rộng trong tổ chức.

"Khi Trung Quốc có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, họ sẽ tạo thêm được ảnh hưởng trong toàn bộ hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả WHO".

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.