| Hotline: 0983.970.780

Phía trước là mặt trời

Thứ Tư 29/01/2014 , 22:05 (GMT+7)

Năm nay, người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ăn cái Tết Giáp Ngọ 2014 với ý nghĩa thật đặc biệt: Đây sẽ là lần cuối người dân ở đây phải vui Tết trong cái cảnh “đói” điện.

Năm nay, người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ăn cái Tết Giáp Ngọ 2014 với ý nghĩa thật đặc biệt: Đây sẽ là lần cuối người dân ở đây phải vui Tết trong cái cảnh “đói” điện. Dự án “Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho Lý Sơn bằng cáp ngầm” chính thức được triển khai tựa như “ông mặt trời” đang thắp sáng trong lòng mỗi người dân huyện đảo này. 

Giã từ tháng ngày “đói” điện

Chuyện “đói” điện đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Lý Sơn từ bao đời nay. Lão ngư Nguyễn Tám (84 tuổi), ở thôn Tây xã An Hải, nhớ lại cái thưở “thèm” điện trước đây: “Trước ngày giải phóng, dân Lý Sơn chưa 1 lần nhìn thấy ánh điện, mọi sinh hoạt ban đêm đều trông vào những chiếc đèn dầu. Mà đâu có được dùng dầu hỏa, bởi giá dầu hoả ở đây luôn đắt gấp đôi so với đất liền.

Do đó, dân Lý Sơn phải nghĩ ra cách giã những trái mù u, vắt dầu, cho vào đĩa, gắn vào cái tim vải để thắp. Dẫu chẳng sáng sủa gì, nhưng cũng xua được bóng tối mỗi khi đêm về. Mãi đến năm 1995, sau khi thành lập huyện đảo Lý Sơn 1 năm, người dân ở đây mới được nhìn thấy ánh sáng chiếc bóng điện”.


Người dân Lý Sơn phấn khởi vì sắp chia tay với bình ắc qui

Tuy nhiên, theo ông Võ Xuân Huyện, Bí thư Huyện uỷ Lý Sơn: “Điện khi ấy chập chờn lắm, một máy phát điện diezel công suất nhỏ hơn 1 MW thì chẳng đủ thiếu gì, nên 1 đêm có 4 đêm không. Giá điện lại đắt khủng, khi ấy mà đã 7.000đ/kWh.

Sau đó Lý Sơn được đầu tư thêm một máy nữa, tình trạng thiếu điện được khắc phục, 2 đêm có 1 đêm không. Từ năm 2012 đến nay, điện mới có đều mỗi đêm. Tuy nhiên, người dân cũng chỉ được hưởng điện từ 17 giờ chiều đến 23 giờ đêm mỗi ngày. Cơ quan hành chính thì chỉ được cấp điện mỗi ngày 4 giờ đồng hồ”.

“Đói” điện, đời sống của người dân Lý Sơn vô cùng chật vật. Để tự trang trải nguồn điện, hộ dân nào ở Lý Sơn dù nghèo đến mấy cũng phải cố mua cho được bình ắc qui  giá 2 triệu đồng, sắm thêm bộ đổi điện kèm bộ sạc giá từ 1,5-2 triệu đồng. Thời gian có điện thì nạp vào bình, đến khi điện tắt thì dùng bình phát điện để thắp sáng, chạy quạt máy, xem ti vi…

Đánh bắt hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo Lý Sơn, thế nhưng khi điện không ổn định thì dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây dẫu có cố mấy cũng không thể phát triển. Chạy máy nổ để SX đá lạnh, tăng chi phí đầu vào, dẫn tới giá thành sản phẩm cao mà không đạt chất lượng.

“Do chạy bằng máy nổ nên đá lạnh ở Lý Sơn có giá thành cao. Đá thì non, mềm ộp, vì chạy không đủ giờ. Cá mà được ướp loại đá này cũng bị kém chất lượng theo. Vậy nên các tàu cá ở đây hầu hết đều vào bờ lấy đá lạnh trang bị cho những chuyến biển”, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế huyện Lý Sơn, cho biết thêm.

Tổng kết của EVN năm 2012, bình quân mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ tương đương 1.344 kWh/năm. Trong khi đó, tại Lý Sơn con số này chỉ mới xấp xỉ 96 kWh, những con số trên đã nói lên thảm cảnh “đói” điện ở Lý Sơn nghiêm trọng đến dường nào! 

“Đòn bẩy” của Lý Sơn

Lý Sơn đã có 2 lần mừng hụt vì điện, lần thứ nhất là dự án phong điện, nhưng vì đặc điểm của hòn đảo này mỗi năm có đến 7 tháng không có gió nên dự án bất thành. Kế đến là dự án nhiệt điện chạy than, sau khi được khởi công vào tháng 7/2009 tại thôn Đông xã An Hải, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định tạm dừng vì lo ngại gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển, và hiệu quả kinh tế thấp.


Lý Sơn sẽ như hòn ngọc về đêm khi từ biển nhìn vào

Lần này, Lý Sơn chắc mẩm sẽ được hưởng nguồn điện lưới quốc gia qua hệ thống cáp ngầm. Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Võ Xuân Huyện phấn khởi: “Theo Tổng Cty Điện lực miền Trung, dự án có quy mô đầu tư xây dựng mới 8,74 km đường dây trung áp trên không thuộc huyện Bình Sơn, và 26,2 km đường cáp ngầm trung áp dưới biển từ đất liền ra đảo. Tổng mức đầu tư là 653 tỉ đồng.

Kế hoạch, dự án sẽ được triển khai ngay vào đầu năm 2014, khi thi công sẽ được tận dụng từng chút thời gian trước mùa biển động, dự kiến đến cuối năm sau là Lý Sơn sẽ bừng sáng. Năm sau, người dân Lý Sơn sẽ được ăn cái Tết đầu tiên trong cảnh không còn phải dè sẻn điện. Khi có điện, Lý Sơn sẽ có những bứt phá ngoạn mục trong phát triển về mọi mặt”.

Sự phấn khởi của ông Bí thư Huyện ủy làm tôi nhớ lại, trên chuyến xe buýt đi từ TP Quảng Ngãi về cảng Sa Kỳ để sang Lý Sơn trong chuyến công tác này, tôi tình cờ thấy một người đàn ông trung niên khệ nệ vác lên xe buýt tấm biển hiệu ghi mấy dòng chữ “TẤN HỢP - Chuyên mua bán, sửa chữa các loại: Máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, quạt máy, đầu đĩa, loa thùng…”.

Bắt chuyện, tôi được nghe anh Hồ Tấn Hợp ở thôn Đông, xã An Vĩnh tâm sự: “Nghe nói cuối năm sau Lý Sơn có điện lưới quốc gia, tui phải đi tắt đón đầu bằng cách khởi động mua bán các loại mặt hàng điện tử, điện lạnh để tạo nguồn khách hàng.

Bên cạnh đó, tui phải sang thành phố học nghề sửa chữa để đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng và không bị lạc hậu khi nghề này đã thịnh. Dân Lý Sơn không thiếu tiền, chỉ thiếu điện, khi đã có điện lưới quốc gia tui bảo đảm nhà nhà sẽ sắm tủ lạnh, máy giặt, thậm chí là máy lạnh”.

Điện, chắc chắn sẽ là cái đòn bẩy kích bật dịch vụ hậu cần nghề cá ở Lý Sơn bay lên. Trên đất đảo sẽ nhanh chóng mọc lên nhà máy đông lạnh, nhà máy chế biến thủy sản. Khi đó, sản phẩm đánh bắt của ngư dân không còn phải bán đổ bán tháo, chịu cảnh bị đầu nậu ép giá như hiện nay. Có điện, các nhà máy chế biến đá lạnh cũng sẽ cho ra sản phẩm chất lượng hơn, cạnh tranh được với đá lạnh trong bờ.

Có điện, Lý Sơn sẽ lấp ngay “lỗ hổng” về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là đáp ứng các nhu cầu về chế biến nông - lâm - thủy sản. Ông Huyện nêu ví dụ: “Ngành nông nghiệp sẽ được hưởng lợi đầu tiên, nhất là về chuyện tưới tiêu. Có điện, nông dân sẽ dùng mô tơ để bơm nước tưới hành, tỏi thay cho máy nổ như bây giờ, chi phí đầu vào sẽ được giảm, lại ít tốn công lao động. Có điện ổn định, Lý Sơn sẽ xây dựng nhà máy sơ chế các sản phẩm nông nghiệp như hành, tỏi… Điện sẽ tạo cho nền công nghiệp của huyện đảo theo hướng mở, các ngành dịch vụ cũng sẽ tiến theo”.

Có điện, ngành du lịch ở Lý Sơn sẽ được chấp thêm cánh. Du khách sẽ không còn ngại đến Lý Sơn vì lý do “đói” điện. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn đổ về đây xây dựng nhà hàng, khách hạng, resort…


Những thắng cảnh ở đảo Bé sẽ giúp Lý Sơn thực hiện ý tưởng du lịch biển

Ông Phạm Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, bộc bạch: “Những năm gần đây, đã có nhiều nhà đầu tư đến Lý Sơn thuê đất xây dựng nhà hàng, khách sạn; thế nhưng đổ đất xong cứ để đấy, không thấy động tĩnh gì. Chắc hẳn trong năm tới họ sẽ triển khai để khi Lý Sơn có điện là hoạt động ngay. Hiện người dân Lý Sơn cũng đang xây dựng nhiều khách sạn tư nhân”.

Cũng theo ông Linh, điện sẽ giúp Lý Sơn thực hiện các ý tưởng về du lịch biển, nhất là tại đảo Bé (xã An Bình). Bãi biển ở đảo Bé cực đẹp, ở đây có thể tổ chức cho du khách lướt ván, lặn biển.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm