| Hotline: 0983.970.780

Đại diện Philippines thăm Nhà máy AVAC trước khi nhập 150.000 liều vacxin AVAC ASF LIVE

Thứ Hai 26/08/2024 , 20:09 (GMT+7)

Lô vacxin dịch tả lợn Châu Phi của AVAC nằm trong số 600.000 liều mà Chính phủ Philippines đã đặt hàng sau khi cho phép lưu hành tại nước này từ tháng 7/2024.

Các quyết định đều dựa trên bằng chứng khoa học

Ngày 26/8, đại diện phía Philippines, gồm: Ông Engr. Rosendo O.So, Chủ tịch SINAG - nhóm nông nghiệp uy tín, gồm những chuyên gia và cố vấn có ảnh hưởng lớn về an ninh và phát triển lương thực bền vững và bà Pinky Pe Tobiano, Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodites Inc - đơn vị nhập khẩu vacxin dịch tả lợn Châu Phi của AVAC (AVAC ASF LIVE) đã thăm kho hàng của Nhà máy AVAC tại Hưng Yên.

Đại diện phía Philippines thăm kho hàng của Nhà máy AVAC tại Hưng Yên ngày 26/8. Ảnh: Hồng Thắm.

Đại diện phía Philippines thăm kho hàng của Nhà máy AVAC tại Hưng Yên ngày 26/8. Ảnh: Hồng Thắm.

Chủ tịch SINAG Engr. Rosendo O.So cho biết, sau khi kiểm tra Nhà máy AVAC, ông thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo quản lạnh…, tất cả đều ổn.

“Chính phủ Philippines rất chào đón việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam. Thông qua việc nhập khẩu vacxin AVAC ASF LIVE, chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được dịch tả lợn Châu Phi (ASF) bằng giải pháp vacxin”, ông Engr. Rosendo O.So nói thêm.

Bà Pinky Pe Tobiano khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục hợp tác với Công ty AVAC vì trong quá trình đánh giá về an toàn, về hiệu lực bảo hộ và các hồ sơ nghiên cứu, các dữ liệu mà chúng tôi nhận được đều rất tốt. Tiến độ đăng ký đều phù hợp với yêu cầu của Cục Quản lý Dược phẩm Philippines. Các quyết định đưa ra đều dựa trên cơ sở và bằng chứng khoa học".

Bà Pinky Pe Tobiano cho hay, đã biết tới vacxin AVAC ASF LIVE thông qua sự giới thiệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, từ đó đã liên lạc trực tiếp với AVAC để đàm phán. Sau đàm phán, hai bên đã tiến hành các thử nghiệm và đánh giá thận trọng. Tất cả quyết định đưa ra đều dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học. Bà khẳng định hoàn toàn hài lòng với những kết quả nghiên cứu đến thời điểm này.

“Hiện nay, lo ngại lớn nhất của Chính phủ Philippines cũng như KPP Powers Commodities là vacxin nhập lậu ảnh hưởng đến quá trình nhập khẩu và thử nghiệm vacxin AVAC ASF LIVE. Chính vì vậy, hôm nay chúng tôi đã trực tiếp sang thăm Nhà máy AVAC để giám sát, giúp sau này có thể phân biệt được những vacxin Chính phủ Philippines mua và vacxin nhập lậu. Chúng tôi rất vui vì đã có những kết quả rất tích cực. Chúng tôi tin rằng, vacxin AVAC ASF LIVE là giải pháp hữu ích cho người chăn nuôi lợn ở Philippines”, bà Pinky Pe Tobiano nói thêm.

Tại sao vacxin tốt lại chưa được dùng nhiều?

TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam chia sẻ, đây là câu hỏi mà ông nhận được từ rất nhiều người cả trong nước và quốc tế.

Ông Điệp cho rằng: “Vacxin mới và khó sản xuất như ASF, đặc biệt là do công ty trong nước sản xuất, nên tất nhiên ban đầu sẽ có sự nghi ngờ, đây là điều khó tránh khỏi”.

TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nói: 'Vacxin AVAC ASF LIVE không phải là áo giáp hoàn hảo nhưng là áo giáp hiệu quả để phòng chống ASF'. Ảnh: Hồng Thắm.

TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nói: "Vacxin AVAC ASF LIVE không phải là áo giáp hoàn hảo nhưng là áo giáp hiệu quả để phòng chống ASF". Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Điệp cũng nêu ra một số lý do khiến người chăn nuôi do dự, lo ngại trước việc sử dụng vacxin ASF mới. Thứ nhất, có thể người chăn nuôi đã mua phải vacxin kém chất lượng, không đảm bảo chất lượng. Thứ hai, hiện nay chưa có tiêu chuẩn quốc tế về vacxin ASF, điều này khiến nhiều chuyên gia, người chăn nuôi băn khoăn. Thứ ba, còn nhiều thông tin trong nước và quốc tế chưa chính xác về vacxin ASF…

Ngoài ra, cũng có ý kiến e ngại việc vacxin có thể tạo ra nhiều biến chủng. Việc này khó có thể tránh khỏi, vì đây là đặc tính của vacxin sống giảm độc lực, ví dụ như vacxin tai xanh, đều không thể tránh khỏi nguy cơ làm xuất hiện các biến chủng giống vacxin khi đưa ra lưu hành.

Đứng trước những ý kiến trái chiều, ông Điệp chia sẻ các giải pháp của AVAC trong thời gian tới là đăng ký bổ sung đối tượng sử dụng là lợn sinh sản. Hợp tác với các tổ chức quốc tế để đánh giá độc lập và công bố quốc tế (WOAH, FAO). Hợp tác với các cơ quan, tổ chức, công ty trong nước như C.P. Việt Nam, Cargill… để phổ biến và cung ứng vacxin. Thúc đẩy việc đăng ký và dùng thử ở các nước.

“Phao cứu sinh” cho người chăn nuôi vừa và nhỏ

Theo TS. Nguyễn Văn Điệp, ASF là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã). Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng, với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

Bà Pinky Pe Tobiano, Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodites Inc - đơn vị nhập khẩu vacxin AVAC ASF LIVE tin rằng, vacxin này sẽ là giải pháp hữu ích cho người chăn nuôi lợn ở Philippines. Ảnh: Hồng Thắm. 

Bà Pinky Pe Tobiano, Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodites Inc - đơn vị nhập khẩu vacxin AVAC ASF LIVE tin rằng, vacxin này sẽ là giải pháp hữu ích cho người chăn nuôi lợn ở Philippines. Ảnh: Hồng Thắm

Số liệu của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) cho thấy, tính đến năm 2023, ASF đã xuất hiện ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Còn tại Việt Nam, báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho hay, năm 2019, tổng số lợn chết và tiêu hủy do ASF trên cả nước là gần 6 triệu con, gây thiệt hại hơn 13.000 tỷ đồng.

Hiện nay, ASF vẫn đang bùng phát trên diện rộng ở nước ta. Tỷ lệ nhiễm ASF ở đàn lợn có thể lên tới 80 - 90% ở các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ.

Với các công ty chăn nuôi lớn, tỷ lệ nhiễm khoảng 40 - 50%, có những công ty lên tới 70%, đa số chủng virus lưu hành chính tại Việt Nam hiện nay là genotype II. Vacxin ASF của Công ty AVAC bảo hộ rất tốt cho lợn chống lại chủng này.

Ông Điệp nói, đặc tính nổi bật của AVAC ASF LIVE là có mức an toàn cao; có khả năng bảo hộ cao; an toàn và bảo hộ tốt cho lợn nái và đực giống.

"Vacxin AVAC ASF LIVE không phải là áo giáp hoàn hảo nhưng là áo giáp hiệu quả để phòng chống ASF. Nếu không có vacxin ASF chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục bất ổn. Vaxcin ASF là phao cứu sinh cho người chăn nuôi vừa và nhỏ khi họ không thực hiện các biện pháp an toàn sinh học tốt như các doanh nghiệp lớn”, ông Điệp nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay, AVAC đã cung ứng hơn 2,6 triệu liều vacxin AVAC ASF LIVE ra thị trường, trong đó thị trường trong nước gần 2,3 triệu liều, Philippines là 300.000 liều, Nigieria 5.000 liều. Hiện nay, đang đăng ký lưu hành tại một số nước như: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nepal, Myanmar, Nigieria… Đang dự trữ tại kho AVAC là 1,5 triệu liều.

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.