| Hotline: 0983.970.780

Phổ biến mô hình dùng chế phẩm vi sinh trên thủy sản

Thứ Tư 09/02/2022 , 14:14 (GMT+7)

HƯNG YÊN Giải pháp sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi thủy sản được khuyến nông Hưng Yên chú trọng xây dựng nhiều mô hình nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nuôi.

Trước thực trạng nuôi thâm canh cao, môi trường nuôi thủy sản đã bị ô nhiễm và phát nhiều dịch bệnh. Để từng bước khắc phục tình trạng này, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã xây dựng mô hình dùng chế phẩm vi sinh xử lý cho 40 ha ao nuôi cá tại các huyện Yên Mỹ, Ân Thi, Văn Giang và Phù Cừ. Các chế phẩm đưa vào sử dụng bao gồm Bio-Floc 01, Bio-Floc 02 - vi sinh.

Mô hình dùng chế phẩm vi sinh xở lý ao nuôi thủy sản ở huyện Phù Cừ. Ảnh: H.Tiến.

Mô hình dùng chế phẩm vi sinh xở lý ao nuôi thủy sản ở huyện Phù Cừ. Ảnh: H.Tiến.

Bà Trần Thị Thu Hà, cán bộ theo dõi và hướng dẫn thực hiện mô hình cho biết: So với đối chứng (không xử lý vi sinh), ao được xử lý chế phẩm vi sinh luôn ổn định ở ngưỡng phù hợp, độ trong nước dao động từ 23 - 35 cm, pH = 7,4 - 7,6 (tùy thời tiết), rất thích hợp cho các loại cá sinh trưởng, phát triển; năng suất cá tăng quân bình 2,63 tấn/ha/năm; chất lượng cá ngon hơn, thịt thơm, không màng đen ở ruột, xào nấu ít ra nước; sản phẩm đạt yêu cầu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Trần Văn Sâm (hộ tham gia mô hình) ở Tân Tiến, Văn Giang cho biết: Trên diện tích 0,4 ha ao nuôi đã thu được 5 tấn cá các loại (chép, trôi, rô phi, trắm cỏ, mè, chim trắng), doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng, lợi nhuận 60 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng so với cùng diện tích ao không xử lý vi sinh.

“Nếu không có dịch Covid-19 và giá thức ăn chăn nuôi không tăng cao, lợi nhuận sẽ đạt cao hơn nữa”, ông Sâm cho biết thêm.

Cá chép nuôi trong ao có xử lý vi sinh ở huyện Văn Giang. Ảnh: H.Tiến.

Cá chép nuôi trong ao có xử lý vi sinh ở huyện Văn Giang. Ảnh: H.Tiến.

Ông Quách Xuân Quỳnh (HTX Thủy sản Hưng Phát, Phù Cừ) cũng cho hay: Nhờ được tham gia mô hình khuyến nông, ông đã thu được 20,6 tấn cá/ha, tăng 2,8 tấn so với cùng kỳ năm trước. Chất lượng cá có cao hơn so với ao không xử lý vi sinh.

Anh Lê Văn Thịnh (HTX Nuôi trồng Thủy sản Hạ Lễ, Ân Thi) đánh giá: Ao xử lý vi sinh theo mô hình khuyến nông cá ít nhiễm bệnh và tăng trọng nhanh hơn rất rõ rệt. “Ao không xử lý vi sinh, nước hay bị vẩn đục, sủi bọt, dịch bệnh nhiều, nhất là vào các tháng mùa hè, đôi khi còn bốc mùi hôi khó chịu”, anh Thịnh nhận xét.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường nuôi thủy sản diễn ra rất phổ biến. Cơ bản do các chất hữu cơ dư thừa như thức ăn, phân và rác thải các loại tồn đọng lâu ngày dưới đáy ao, trở thành nơi phát sinh các vi sinh vật gây mùi hôi thối, vi sinh vật thải khí độc (Mê tan, Nitrit, Hydrogen sulfide), vi sinh vật gây bệnh, cùng nhiều loại nấm và động vật nguyên sinh khác.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn hộ tham gia mô hình cách sử dụng chế phẩm vi sinh. Ảnh: H.Tiến.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn hộ tham gia mô hình cách sử dụng chế phẩm vi sinh. Ảnh: H.Tiến.

Nếu ao bị ô nhiễm thời gian ngắn, hệ thần kinh động vật thủy sản bị ảnh hưởng nguy hại; ao bị ô nhiễm kéo dài, cá nuôi bị stress, giảm khả năng tiêu thụ thức ăn, giảm tăng trưởng, tăng độ mẫn cảm với tác nhân gây bệnh. Tất cả các nguyên nhân trên đồng thời tác động, cá sẽ chết nhanh, chết đồng loạt.

Việc người chăn nuôi sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất khống chế dịch bệnh và tác nhân gây bệnh, chẳng những không mang lại hiệu quả như mong đợi, còn tạo ra các chủng vi khuẩn mới kháng kháng sinh.

Ngoài ra, các hóa chất và kháng sinh tồn đọng trong quá trình chăn nuôi, không được xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật cũng làm cho môi trường nuôi trồng thủy sản bị suy thoái, ảnh hưởng xấu tới khả năng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thu hoạch cá (mô hình ở Hoàn Long, Yên Mỹ). Ảnh: H.Tiến.

Thu hoạch cá (mô hình ở Hoàn Long, Yên Mỹ). Ảnh: H.Tiến.

Mặt khác, việc quản lý chất lượng con giống, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở chuyên giống thủy sản đang còn nhiều bất cập. Công tác giám sát vùng nuôi, cảnh báo môi trường và dịch bệnh cũng chưa kịp thời.

Cùng với thời tiết luôn thay đổi bất thường, tốc độ biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh, làm cho các ao nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp các loại thủy sản dễ phát sinh dịch bệnh. Qua đó có thể nói, việc triển khai thực hiện mô hình, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý môi trường trong các ao nuôi cá trên địa bàn là thiết thực, có tác động lan tỏa.

“Chế phẩm sinh học đã được các quốc gia trên thế giới chấp nhận, đưa vào sử dụng rộng rãi, nhằm khống chế dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho các vật nuôi dưới nước. Khác với biện pháp hóa học và kháng sinh, chế phẩm sinh học giúp người chăn nuôi và người tiêu dùng an toàn hơn, bền vững hơn.

Xem thêm
Không cho tàu cá rời cảng nếu không trang bị đủ điều kiện an toàn

Bộ NN-PTNT chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá, việc thay đổi thuyền viên, người lao động trên các tàu cá theo chuyến biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.