Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Ngọc Thắng, Phó Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Hải (phường Lam Sơn, TP Hưng Yên) cho biết: So với các nhà bè nuôi cá trên sông khác thì sự ra đời của HTX là khá muộn (năm 2016). May là từ khi thành lập đến nay, HTX luôn có lãi 1 - 1,8 tỷ đồng, tùy năm.
Hiện mỗi năm HTX Thủy sản Hưng Hải cung ứng ra thị trường trên 30 tấn cá đặc sản sạch các loại, đạt lợi tức góp vốn từ 150 - 250 triệu đồng/thành viên/năm.
Năm 2021 này tưởng sẽ lỗ to, không bán được cá bởi dịch Covid-19. Nhưng từ sau dừng giãn cách xã hội đến nay, thương lái các nơi lại tấp nập đến “ăn” cá. Nhờ vậy HTX không mhững đã thu hồi đủ vốn mà còn lãi nhẹ. Hiện HTX vẫn còn hàng chục tấn cá đặc sản, thu hoạch vào dịp Tết cuối năm, dự kiến lợi nhuận vẫn tương đương cùng kỳ năm trước.
Phân tích về nuôi cá lồng trên sông luôn có lãi, ông Thắng cho hay: Trên sông luôn có sóng, gió và nước chảy mát mẻ, rất giàu ô xy, cho phép nuôi thả nhiều loại thủy sản với mật độ cao, vẫn đảm bảo cá tăng trọng nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp.
Cũng vì lòng sông có sóng vỗ thường xuyên, buộc các loại cá phải vận động liên tục, làm cho cơ thịt chúng săn chắc, không hôi tanh, xào rán không ra nước. Vì vậy, cá nuôi sông luôn được thương lái săn mua với giá cao hơn 1,2 - 1,5 lần so với sản phẩm cùng loại nuôi trong đồng.
Mặt khác, phạm vi nuôi cá lồng bè tương đối hẹp, rất dễ chăm sóc, quản lý, không phải đầu tư máy móc, đường điện cho bơm thay nước định kỳ, không phải quạt, sục tăng cường ô xy cho cá như các ao nuôi thâm canh. Vì vậy, giá thành sản xuất cá lồng trên sông hạ hơn đáng kể so với thủy sản nuôi trong đồng.
“Tuy nhiên, nếu cứ ỷ lại vào các lợi thế tự nhiên sẵn có trên sông, không coi trọng kỹ thuật chăm nuôi cá lồng bè, thì thua lỗ là cầm chắc”, ông Thắng khẳng định.
Để nuôi cá trên sông có lãi, nhà đầu tư phải đảm bảo lồng, lưới luôn chắc chắn, bền vững, không để thủng lọt cá bơi ra ngoài, gây thất thoát. Phải dự báo được nhu cầu thị trường từng loại cá thương phẩm trong năm, để cơ cấu con giống chăn nuôi hợp lý.
Đồng thời, phải lường trước được những rủi ro thiên tai, môi trường (mưa bão, hạn hán, ô nhiễm dòng chảy) để chủ động các giải pháp phòng ngừa, giảm thiệt hại. Cần tính toán thời điểm xuống giống, sao cho thu hoạch cá vào các dịp lễ Tết, sẽ bán được giá cao, tăng lợi nhuận. Ngoài ra, còn phải kết nối được với nhiều thương lái bao tiêu, để chủ động xuất bán.
Bên cạnh đó, nuôi cá trên sông cần lưu ý các khâu kỹ thuật như: Lồng bè nuôi phải luôn vệ sinh sạch sẽ. Phòng trị bệnh cho cá kịp thời bằng cách chọn nuôi con giống khỏe, mua thức ăn cho cá từ những nhà sản xuất có uy tín, định kỳ 10 ngày/lần giã mịn tỏi trộn vào thức ăn cho cá, thường xuyên có túi vôi treo ở vị trí góc lồng nơi đầu nguồn nước...
Khi thời tiết thay đổi, cần cho cá ăn thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng. Lưu ý, cá nuôi trên sông phải chịu áp lực dòng chảy ngay từ khi mới thả, nên cần mua con giống lớn hơn, đồng đều hơn (khoảng 100 - 200g/con, tùy loại) sẽ giúp giảm hao hụt. Chỉ nên dùng kháng sinh trên cá khi các bệnh hại chạm ngưỡng rủi ro kinh tế. Và chỉ sử dụng các thuốc trong danh mục được nhà nước cho phép dùng trong nuôi trồng thủy sản an toàn...
Bằng những cách làm nói trên, mỗi năm HTX đã cung ứng ra thị trường trên 30 tấn cá đặc sản sạch các loại như cá lăng, cá bống, diêu hồng, chạch sụn, trắm cỏ và chép giòn. Qua đó, đảm bảo lợi tức góp vốn liên kết sản xuất cho mỗi thành viên HTX từ 150 - 250 triệu đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng cho 2 lao động tại chỗ.
Anh Đỗ Ngọc Quyền, Giám đốc HTX tiết lộ: Chỉ sau 2 năm góp vốn nuôi trồng thủy sản trên sông, 7 thành viên trong HTX đã được chia lãi cao hơn vốn góp khởi nghiệp. Lợi nhuận chia về các năm sau, coi như là tiền “bỏ ống” của thành viên.
Hiện tại, HTX đang có 56 lồng nuôi cá các loại. Kế hoạch sang năm 2022, HTX sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lên 70 lồng và đầu tư thêm cơ sở chế biến cá đông lạnh. Hướng tới, cơ bản sản phẩm cá của HTX đều đưa được vào các siêu thị trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phụ cận. HTX Phấn đấu nâng mức lợi nhuận cho mỗi thành viên HTX lên 300 triệu đồng/năm.
“HTX Thủy sản Hưng Hải đã tận dụng tốt lợi thế có sông Hồng chảy qua địa phương để phát triển nuôi cá lồng bè đạt hiệu quả cao. Các sản phẩm từ HTX xuất ra thị trường đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Trịnh Kim Uyên, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hưng Yên đánh giá.