Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp tổ chức buổi phổ biến pháp luật về động vật hoang dã và ký cam kết với khối cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.
Đây hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (gọi tắt VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện gần 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh chim hoang dã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được các chuyên gia về pháp luật chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến pháp luật, các văn bản, hướng dẫn liên quan đến động vật hoang dã.
Qua đó, góp phần chuyển tải thông điệp “Không săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ và quảng cáo động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm” đến cộng đồng và các doanh nghiệp, chủ nhà hàng, quán ăn, các hộ dân đang có sinh kế liên quan đến động vật hoang dã đúng theo quy định pháp luật.
Đồng thời đây cũng là dịp cập nhật những kiến thức pháp luật mới về động vật hoang dã; kêu gọi các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cùng chung tay hành động để bảo vệ các loài động vật hoang dã. Từ đó tạo sự lan tỏa, cộng hưởng mạnh hơn trong công tác bảo vệ động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học.
Tham gia sự kiện, đại diện 30 chủ nhà hàng, quán ăn đã ký cam kết chung tay bảo tồn các loài động vật hoang dã, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và hài hoà với lợi ích kinh tế.
Theo kết quả khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do WWF-Việt Nam thực hiện trong năm 2021-2022 cho thấy, các quán ăn/nhà hàng mắt xích chính trong chuỗi cung ứng thịt động vật hoang dã. Khoảng 50% sản lượng thịt động vật hoang dã được đưa đến người tiêu dùng tại các địa bàn khảo sát thông qua kênh nhà hàng.
Việc các nhà hàng cam kết chung tay hành động sẽ góp phần đáng kể trong hoạt động bảo tồn các loài động vật hoang dã.