Tính đến sáng 19/5, dịch Covid-19 tại Việt Nam ghi nhận 324 ca mắc, trong đó 263 trường hợp khỏi bệnh và 33 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, đây là thời điểm có nguy cơ bệnh sốt xuất huyết tăng cao, ghi nhận các ổ dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng. Tính đến đầu tháng 5/2020, cả nước ghi nhận hơn 24.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố và sẽ tiếp tục tăng trong thời điểm sắp tới.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, riêng trong tuần 18, TP.HCM ghi nhận 65 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số bệnh nhân giảm 43,8% so với trung bình 4 tuần trước (116 ca) và không có trường hợp tử vong. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM đến đầu tháng 5/2020 là 6.478 trường hợp, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm 2019 (21.631 ca).
Đặc biệt, trong tuần 18 ghi nhận 6 ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết mới phát sinh ở 7 phường, xã thuộc 4 quận, huyện và đã được xử lý phun hóa chất, diệt lăng quăng tại các ổ dịch và các điểm nguy cơ không để lây lan ổ dịch ra diện rộng.
Trên địa bàn TP.HCM có trên 10.000 điểm nguy cơ, là những nơi thường xuyên tập trung đông người như nhà trọ, công trình xây dựng, địa điểm tôn giáo… Vì vậy, để hạn chế bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã yêu cầu các quận huyện lên kế hoạch rà soát và xử lý các điểm nguy cơ trên địa bàn, thực hiện hoạt động truyền thông lồng ghép phòng chống SXH và Covid-19.
Cũng theo bác sĩ Dũng, hiện nay, ngành y tế cả nước đang tập trung toàn lực để phòng chống dịch Covid-19, tuy nhiên cũng không thể lơ là việc phòng chống các dịch bệnh khác, tránh tình trạng "dịch trùng dịch" trong thời điểm hiện tại, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết.
“Dù chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, nhưng nếu để dịch sốt xuất huyết bùng phát khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và có nguy cơ tiếp tục “xâm nhập” vào Việt Nam thì sẽ để lại hậu quả khôn lường. Trong thời gian tới, mỗi người dân, mỗi gia đình cần tích cực xóa bỏ các điểm nguy cơ ngay chính trong gia đình của mình nhằm phòng, tránh bệnh sốt xuất huyết cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, chủ động các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác”, bác sĩ Dũng nhận định.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), triệu chứng ban đầu của cả hai bệnh sốt xuất huyết và Covid-19 có thể tương tự nhau, nhưng chúng ta có thể phân biệt khi bệnh tình tiến triển. Các bác sĩ sẽ dựa trên biểu hiện lâm sàng và thông tin khác bao gồm dịch tễ và quan hệ tiếp xúc để đưa ra quyết định cho việc xét nghiệm sốt xuất huyết hay Covid-19.
Bác sĩ Dũng cho biết, sốt xuất huyết cũng có biểu hiện giống bệnh nhân mắc Covid-19 là sốt, đau nhức, ho, những ngày đầu khó phân biệt được. Vì vậy, nếu có triệu chứng này thì cần mang khẩu trang và đi tới cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và làm các xét nghiệm.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết là bệnh lưu hành quanh năm ở Việt Nam, chưa có thuốc điều trị và chưa vắc xin. Đỉnh điểm là đầu mùa mưa cho đến đầu năm sau bệnh có xu hướng tăng và có thể lên tới đỉnh điểm và gây dịch.
Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, từ đầu năm đến nay, bệnh viện chủ yếu tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19, tuy số lượng bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết ít hơn những năm trước nhưng vẫn có một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, xuất huyết…
“Bệnh sốt xuất huyết là bệnh năm nào cũng “đến hẹn lại lên”, vào mùa mưa với tỉ lệ mắc bệnh ngày một tăng. Tuy tỉ lệ bệnh sốt xuất huyết nặng chỉ chiếm 5%, nhưng lại có thể dẫn đến tình trạng bệnh phức tạp và tiên lượng tử vong cao. Do đó, để hạn chế diễn tiến nặng của bệnh sốt xuất huyết, người dân nên cảnh giác, chủ động phòng dịch, tránh để lại các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra chỉ vì chủ quan”, bác sĩ Trường khuyến cáo.
Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết:
Sốt cao đột ngột từ 39 độ C trở lên, kéo dài từ 2 đến 7 ngày, khó hạ sốt và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện xuất huyết (chấm/mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam); nhức đầu, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn; phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; mệt li bì, vật vã; đau bụng.
Biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, sốt xuất huyết do virus gây ra, lây truyền qua trung gian là muỗi vằn. Loại muỗi này thường đẻ trứng nơi nước đọng như các hộp cơm, nắp chai nước, bình bông, chum vại chứa nước… rồi sinh sản và chích người vào ban ngày. Chính vì vậy, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chính là diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi.
Bệnh sốt xuất huyết không lây lan qua đường hô hấp nên không cần hạn chế tiếp xúc nhưng muỗi có thể mang bệnh từ người này sang người khác. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh là cần thiết, nhất là các biện pháp phòng chống muỗi đốt.
Đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ. Bất cứ vật dụng nào có thể chứa, đọng nước thì khi những cơn mưa xuống đều có thể thành nơi chứa lăng quăng, tạo ra ổ bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, cần thay nước, súc rửa bình đựng nước, đựng hoa hàng tuần, đậy nắp khi không sử dụng hoặc úp xuống đất; kiểm tra, dọn dẹp các nơi, vật dụng, rác thải có thể đọng nước trong và xung quanh nhà, phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt muỗi nhà ở, vườn, các khu vực xung quanh nhà ở để hạn chế sự sinh sản của muỗi.
Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, khi các trường học đã trở lại hoạt động giảng dạy bình thường sau thời gian dài nghỉ phòng dịch Covid-19, các trường cần vệ sinh khử khuẩn trường lớp thường xuyên bằng cách lau chùi, khử khuẩn sàn nhà, bàn ghế, các vật dụng cá nhân, tay nắm cửa, phát quang bụi rậm quanh trường, dọn dẹp các vật dụng chứa nước như lu, chậu trồng cây, lọ hoa, bình bông… bỏ quên trong sân trường.
Khi ngủ, nên ngủ màn (mùng) hoặc xịt thuốc diệt muỗi trước khi đi ngủ khoảng 30 phút…
Ngoài ra, cần ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý, tích cực bổ sung vitamin C, uống nhiều nước, ăn chín uống sôi,... để nâng cao sức đề kháng, phòng chống các loại dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới, không để dịch bùng phát, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 10 (15/6/2020). Chủ động trong công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết nhưng vẫn đảm bảo giãn cách xã hội và có các biện pháp an toàn trong phòng chống Covid-19.
Giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tập trung truyền thông trước và trong khi thực hiện các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết và phối hợp thực hiện.