Cương quyết, không thỏa hiệp
Chiều tối 16/3, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP. HCM) đúng thời điểm đoàn liên ngành kiểm tra số ô tô biển số 60H073... chở gia cầm từ Đồng Nai vào TPHCM.
Mặc dù được giải thích nhằm đảm bảo cho công tác phòng chống dịch nhưng tài xế nhất quyết không chịu hợp tác với lý do: chở hàng của công ty, buộc phải còn tem niêm phong.
Sau một thời gian giải thích cùng với lực lượng cảnh sát giao thông, cuối cùng tài xế chấp nhận hợp tác với yêu cầu: được quay video lại làm bằng chứng để báo cáo và có biên bản làm việc.
Cách đây không lâu, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cũng phát hiện và buộc tiêu hủy xe gà thịt hơn 350 con không có giấy kiểm nghiệm của cơ quan chức năng. Sau khi thuyết phục xin bỏ qua không thành, chủ xe bắt đầu la lối, gây khó dễ và gọi thêm nhiều người đến Trạm để gây áp lực, dọa nạt.
Rất may, lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt “giải vây”, buộc phải tiêu hủy cả xe gà không rõ nguồn gốc, nộp phạt và tiền tiêu hủy hơn 13 triệu đồng. Tất cả gà sau đó được tiêu hủy đúng quy định, không có con nào lọt vào địa bàn TP để tiêu thụ.
Theo ông Phạm Ngọc Chí, Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức: Mỗi ngày, Trạm kiểm tra, kiểm soát khoảng hơn 120 phương triện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Bao gồm khoảng 15.000 con gia cầm sống; 1.000 - 1.500 con heo sống; hơn 50 tấn thịt gia cầm và hơn 60 tấn thịt heo nhập vào TP tiêu thụ.
“Trong năm 2022, Trạm chúng tôi đã phát hiện và xử phạt 43 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y với số tiền phạt 170 triệu đồng; tang vật vi phạm hơn 30 tấn sản phẩm các loại; tang vật tiêu hủy 2,1 tấn.
Nhiều đối tượng từ nhẹ nhàng xin hối lộ bỏ qua đến manh động đe dọa, gây khó dễ nhưng chúng tôi đều không thỏa hiệp, quyết làm đúng pháp luật và không để sản phẩm chăn nuôi đi vào địa bàn TP” - ông Chí thông tin.
Kiểm soát dịch không tốt là có lỗi với người dân
Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức nằm ở cửa ngõ phía Đông của TP. HCM, trên trục giao thông đường bộ tuyến Bắc - Nam với nhiệm vụ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại đầu mối giao thông đường bộ theo quy định của Cục Thú y. Đây là Trạm kiểm dịch có vai trò rất lớn trong việc kiểm soát nguồn dịch, an toàn thực phẩm chăn nuôi trước khi lưu hành tại TP và các tỉnh phía ĐBSCL.
Hiện nay toàn Trạm có 7 người (trong đó có 1 nữ) được bố trí trực theo ca, trực kiểm dịch 24/24 giờ trong ngày kể cả ngày nghỉ tuần, nghỉ lễ, tết để giải quyết công việc được giao.
Hồi tưởng lại dịch tả heo Châu Phi (2019), ông Phạm Ngọc Chí cho biết đó là khoảng thời gian mà anh em phải làm 200% công suất. “Do khối lượng công việc lớn và trách nhiệm nặng nề, nên hầu hết anh em lấy cơ quan làm nhà. Tất cả cán bộ trạm đều quá tải công việc, kiểm tra liên tục để phát hiện, truy vết nguồn bệnh” - ông Phạm Ngọc Chí chia sẻ.
Dịch COVID-19 ập đến, TP. HCM siết chặt các chỉ thị, rồi đến phong tỏa trong thời gian dài. Người dân không được đi lại để phòng chống dịch nhưng tình hình giao thương, vận chuyển các sản phẩm chăn nuôi nhằm cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người vẫn diễn ra. Đó cũng là khoảng thời gian mà các cán bộ của Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức căng mình để làm việc, không để “dịch chồng dịch” trong bối cảnh vô cùng cam go.
Thế nên, ở thời điểm hiện tại, khi có thông tin cúm A/H5N1 có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam mà TP. HCM là đầu mối giao thương quan trọng, tất cả đều thận trọng, nắm bắt thông tin và tiếp tục đặt mình vào tâm thế sẵn sàng và thận trọng nhất có thể.
“Làm tốt công việc là mình mới chỉ hoàn thành nhiệm vụ thôi, còn dù chỉ vô tình bỏ qua nguồn bệnh, để dịch xâm nhập vào Thành phố thì lúc đó mình trở thành kẻ có tội với người dân. Thế nên, thận trọng hơn chút, kĩ càng hơn chút để Thành phố được bình yên, phát triển” - ông Chí tâm tư.
Còn tiếp...