Nhiều nguy cơ hiện hữu
Dọc các tuyến đường của TP. HCM, không khó để bắt gặp những điểm bán gà tự phát, thậm chí giết mổ tại chỗ với khẩu hiệu “5 phút là xong” hay “bao nhiêu cũng có”.
Tại khu vực chân cầu Chợ Cầu (Quận 12), khi được PV Báo NNVN hỏi về nguồn gốc của gà, người bán chỉ nói chung chung là gà nhà nuôi, hoặc bán giùm người thân ở Long An. Tương tự, điểm bán gà sống tại đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), người bán cũng cho biết sẵn sàng nguồn hàng, “lấy nhiều thì bán giá sỉ”, với giá từ 70.000 - 100.000/con, bao làm.
Khi tiếp tục được hỏi về mối nguy cúm A/H5N1 từ Campuchia, nhiều người bán chỉ cười trừ. Họ cho biết, lực lượng đô thị thường xuyên tới dẹp nhưng được vài tiếng sau, họ trở lại tiếp tục bán.
Theo TS Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM, những nơi mật độ dân cư đông chăn nuôi gia cầm không được kiểm soát và đặc biệt là ở lề đường, chợ tự phát, chợ truyền thống... có những nơi giết mổ gia cầm không qua kiểm soát thì dễ phát sinh dịch bệnh.
Trước mối nguy dịch bệnh cúm A/H5N1 xâm nhập vào TP, đặc biệt với nhiều nguy cơ mang bệnh từ việc giết mổ gia cầm tự phát, Chi cục Thú y TP.HCM tăng cường với lực lượng liên ngành nhằm giám sát, kiểm tra việc chăn nuôi và giết mổ theo đúng quy trình và có kiểm soát. Nếu không có kiểm soát, không có xuất xứ nguồn gốc thì tịch thu, tiêu hủy.
Tổng lực ngăn chặn
Trước nguy cơ xâm nhập của cúm gia cầm A/H5N1 và các cúm gia cầm khác, TP. HCM đã có văn bản khẩn gửi đến các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc tăng cường phòng, chống dịch cúm A/H5N1.
Sở NN-PTNT TP. HCM cũng chỉ đạo nghiêm chỉnh kiểm tra chất lượng đàn gia cầm, xuất xứ, nguồn gốc, khám lâm sàng và tiến hành lấy mẫu tại các Trạm kiểm tra động vật trên địa bàn.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng với những giải pháp trên thì ngành nông nghiệp cùng với ngành y tế sẽ đảm bảo vệ sinh thực phẩm và vệ sinh phòng dịch tốt”, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú kỳ vọng.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM cho biết, Chi cục đang thực hiện nghiêm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn TP. Trong tháng 3 này, Chi cục cũng đang tổ chức tháng tiêu độc khử trùng cho những cơ sở giết mổ, những nơi mà dễ phát sinh dịch bệnh.
“Đây là tháng chuyển mùa, trước khi vào mùa nắng nóng, sức đề kháng của vật nuôi có sự thay đổi, nên tăng cường công tác phòng chống dịch, khử độc tiêu trùng để ngăn chặn mầm bệnh", ông Thiết cho hay.
Đặc biệt, triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia cầm của tỉnh với khoảng 5 triệu con. Tăng cường tiêm vacxin cúm gia cầm, kiểm soát giết mổ theo đúng quy định.
Ngành y tế TP. HCM mới đây đã có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch cúm (nếu có) để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế lây lan diện rộng.
TP. HCM cũng yêu cầu Công an TP chỉ đạo lực lượng CSGT tham gia vào các đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh động vật, xử lý các điểm kinh doanh giết mổ không đúng quy định trên địa bàn.
Quan trọng nhất vẫn là kiểm soát bệnh trên gia cầm
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - PGĐ Sở Y tế TP. HCM cho biết, cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Theo phân loại bệnh của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, cúm A H5N1 thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao.
“Quan trọng nhất vẫn phải là kiểm soát được nguồn bệnh trên gia cầm, tức không để các vật nuôi mang cúm A/H5N1 vào TP. Tôi nghĩ chúng ta chỉ cần chặn đứng nguồn dịch và giám sát chặt người tiếp xúc với gia cầm mang bệnh thì có thể yên tâm”, PGĐ Sở Y tế TP. HCM phân tích.
Đồng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi Hội Truyền nhiễm TP. HCM cho rằng công tác phát hiện gia cầm chết và chốt chặn mà Chi cục thú y TP đang thực hiện mới là điều tiên quyết trong lúc này.
Theo vị chuyên gia này, virus cúm gia cầm lây truyền từ gia cầm sang người qua tiếp xúc với phân, dịch tiết ở mũi, miệng, mắt từ gia cầm bị nhiễm bệnh. Hiện, chưa ghi nhận trường hợp lây từ người sang người.
“Chúng ta vẫn luôn cảnh giác với cúm A/H5N1 nhưng cũng đừng quá bi quan và lo ngại, có tâm lý bài trừ các sản phẩm từ gia cầm như thịt, trứng… Chỉ cần: không ăn tiết canh, ăn chín uống sôi, vệ sinh sạch sau khi tiếp xúc với gia cầm”, BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo.
Virus cúm gia cầm gây nên bệnh viêm phổi với các triệu chứng giống cảm cúm thông thường như ho, sốt, viêm họng, đau cơ, đau đầu, khó thở, thậm chí buồn nôn hoặc tiêu chảy.
Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm A/H5N1 trên người, trong đó có 64 ca tử vong. Virus này không chỉ ở gia cầm như gà, vịt mà còn có ở nhiều loại chim trời.