| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống dịch bệnh chỉ bằng kinh nghiệm, người chăn nuôi rất dễ trắng tay

Thứ Ba 13/12/2022 , 09:15 (GMT+7)

VĨNH PHÚC Các dịch bệnh nguy hiểm ngày càng nhiều nên người chăn nuôi ngày càng ý thức việc phòng chống dịch bệnh không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm, mà phải có thú y hỗ trợ.

Tiên phong thử nghiệm tiêm vacxin dịch tả lợn châu Phi

Ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc cho biết: Trong năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên bám sát thực tế, nắm bắt tình hình, tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bài bản, khoa học, tiết kiệm, hiệu quả cao.

z3938720127233_c45ed94e358a83449860759fa9e5f4eb

Năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc tiến hành tiêm vacxin cúm gia cầm cho đàn gia cầm được trên 7,2 triệu lượt con. Ảnh: Trung Quân.

Trong đó, tập trung thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn phù hợp, duy trì mức độ nuôi hợp lý, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm; thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn các hộ chăn nuôi trên địa bàn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có phối trộn làm thức ăn nhằm giảm các chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi để thực hiện chuyển đổi số tới các hộ chăn nuôi quy mô vừa và lớn...

Bên cạnh đó, Chi cục chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện phối hợp với phòng chuyên môn của UBND huyện, xã, phường, thị trấn tập trung triển khai công tác tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đảm bảo kế hoạch.

Ngoài ra, phối hợp với Công ty Navetco lựa chọn các cơ sở chăn nuôi lợn có đủ điều kiện để triển khai tiêm phòng và giám sát việc thử nghiệm vacxin dịch tả lợn châu phi (DTLCP) NAVET-ASFVAC trên địa bàn quản lý.

Chỉ đạo nhân viên thú y cấp xã giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, đặc biệt với bệnh DTLCP, lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc thú y, thuốc thú y thuỷ sản, hành nghề thú y và quảng cáo thuốc thú y trên địa bàn tỉnh...

z3938717562560_eaabc834ad2a151120a8dafd7c34ccd1 (1)

Trên đàn trâu, bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc đã tiêm vacxin lở mồm long móng cho 159.000 lượt con; tụ huyết trùng 78.800 con. Ảnh: CCCNTY Vĩnh Phúc.

Về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, Chi cục đã cấp hơn 9.000 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật; 30 giấy chứng nhận kiểm dịch cá giống với số lượng cá đã qua kiểm dịch hơn 1,8 triệu con; 4 giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn cho 4 cơ sở chăn nuôi lợn, gà; 2 giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y cho 2 cơ sở (1 cơ sở chăn nuôi, ấp nở gia cầm và 1 cơ sở khám, chữa bệnh động vật)...

Phòng chống dịch bệnh không chỉ dựa vào kinh nghiệm

Vĩnh Tường là địa phương có hoạt động chăn nuôi phát triển mạnh mẽ trong những năm qua với đa dạng các loài vật nuôi như bò thịt, bò sữa, lợn, gia cầm, chim cút...

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vĩnh Tường, tính đến tháng 10/2022, toàn huyện có hơn 26.800 con trâu, bò (trong đó, đàn bò sữa hơn 14.900 con); đàn lợn hơn 50.600 con; gia cầm hơn 1,5 triệu con; chim cút hơn 2,8 triệu con. Sản lượng sữa tính đến hết tháng 11/2022 đạt hơn 53.300 tấn.

Ông Đỗ Đức Tỉnh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vĩnh Tường chia sẻ: Với đặc thù là huyện có số xã, thị trấn nhiều, địa bàn rộng, trong khi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán vẫn chiếm đa số nên công tác phòng, chống, quản lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được huyện đặc biệt quan tâm.

Cán bộ Trạm và nhân viên thú y các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản; thu thập và phân tích các mẫu bệnh phẩm để kịp thời xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan trên diện rộng.

Trạm phối hợp với Trạm Chẩn đoán - Xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) thu thập hàng nghìn mẫu huyết thanh, dịch ổ nhớp, mẫu phân, mẫu máu, mẫu cá... để chủ động giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh và sự lưu hành của virus. Từ đó, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống, bảo vệ sản xuất chăn nuôi, thủy sản...

IMG_7773

Theo ông Lê Văn Phương, thôn Kim Đê, xã An Tường (Vĩnh Tường), trong chăn nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh không tốt thì người nuôi rất dễ trắng tay. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, Trạm phối hợp với Phòng Quản lý thuốc và Thức ăn chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y), đội Quản lý thị trường số 2 của huyện thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi và hành nghề thú y... Nhờ đó, năm 2022, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.

Gia đình ông Lê Văn Phương ở thôn Kim Đê, xã An Tường (Vĩnh Tường) nuôi 27 bò sữa chia sẻ: Chi phí đầu tư cho chăn nuôi bò sữa thường rất lớn, bao gồm chuồng trại, thiết bị, con giống, thức ăn... Đơn cử, 1 con bò sữa có trị giá khoảng 50 - 60 triệu đồng, trong khi các hộ đều nuôi với số lượng đầu con nhiều. Do đó, nếu công tác phòng, chống dịch bệnh làm không tốt, để đàn bò mắc bệnh thì thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn, thậm chí mất trắng.

Theo ông phương, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ngoài việc thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình phát triển đàn bò, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường để đưa ra phương án xử lý phù hợp thì các hộ phải nghiêm chỉnh thực hiện lịch tiêm phòng vacxin định kỳ mà Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đưa ra (6 tháng tiêm phòng 1 lần).

Bởi lẽ, hiện nay, rất nhiều loại virus, bệnh mới xuất hiện, nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm không thôi là chưa đủ, mà phải có lực lượng cán bộ thú y có chuyên môn từ tỉnh đến huyện, xã cung cấp vacxin đảm bảo chất lượng, tiêm phòng phải đúng thời gian, liều lượng thì việc phòng chống dịch bệnh mới đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu mầm bệnh, ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối khu vực chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe của người nuôi, chuồng trại phải được thường xuyên quét dọn sạch sẽ, định kỳ phun thuốc khử trùng (2 lần/tháng). Ngoài ra, thiết bị, máy vắt sữa cũng phải được vệ sinh sạch sẽ vì những vật dụng này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

“Gia đình mình bán sữa cho công ty, ngày nào đến lấy sữa nhân viên thu mua cũng đều lấy mẫu để kiểm tra chất lượng. Nếu công tác vệ sinh không tốt thì dù sản lượng sữa có nhiều đến mấy cũng đều bị trả lại. Trung bình mỗi tháng gia đình thu được khoảng 6 tấn sữa, tương đương 72 triệu đồng (chưa trừ chi phí) nên nếu để sơ sẩy vấn đề gì thì chỉ có nước mang sữa đi đổ, thiệt hại rất lớn”, ông Phương phân tích.

IMG_7862

Theo ông Ngô Văn Mỳ, thôn Nội, xã Tân Tiến (Vĩnh Tường), phòng bệnh cho đàn gia cầm không chỉ dựa vào kinh nghiệm. Ảnh: Trung Quân.

Tương tự, ông Ngô Văn Mỳ, thôn Nội, xã Tân Tiến (Vĩnh Tường) đang vào lứa gà đẻ mới với số lượng 5.000 con cho hay: Các lứa gà trước, trung bình gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng 4.000 quả trứng/ngày, với giá bán 2.100 - 2.200 đồng/quả, số tiền thu về hàng ngày không hề nhỏ. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gà luôn phải được ưu tiên hàng đầu.

“Khi gà hết chu kỳ khai thác trứng, chúng tôi cũng bán gà thịt thanh lý nên phải phòng chống dịch bệnh cho tốt thì mới đảm bảo được nguồn thu. Không những vậy, hiện tại, một con gà từ khi úm đến khi đẻ trứng tốn chi phí khoảng 140.000 đồng, nếu nuôi 5.000 gà đẻ thì chi phí mất khoảng 700 triệu đồng. Nếu để đàn gà mắc bệnh thì xác định chỉ có trắng tay”, ông Mỳ bộc bạch.

Theo ông Mỳ, để phòng chống dịch bệnh cho đàn gà hiệu quả, gia đình ông mua con giống ở những cơ sở uy tín, được tiêm phòng vacxin đầy đủ. Trong quá trình nuôi, định kỳ cho uống kháng sinh phòng bệnh, chuồng trại phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; sử dụng đệm lót sinh học bằng men vi sinh trộn với trấu để giảm mầm bệnh, giảm mùi hôi thối và bụi, giúp gà giảm nguy cơ mắc bệnh.

“Nói thật, mình có thâm niên nuôi gà nên một số bệnh thông thường thì vẫn có thể đoán biết được, tuy nhiên, những vấn đề chuyên sâu như con giống có đảm bảo đúng F1 hay không, những bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, Newcastle...; bệnh không có vacxin, thuốc chữa như leucosis (lơ cô hay máu trắng ở gà) mà không có cán bộ thú y có chuyên môn thì mình cũng bó tay”, ông Mỳ đánh giá.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.