| Hotline: 0983.970.780

Phòng, chống dịch bệnh cho 'cần câu cơm'

Thứ Ba 22/10/2024 , 13:35 (GMT+7)

Thái Nguyên Bên cạnh hỗ trợ con giống tốt, việc phòng, chống dịch bệnh là tối quan trọng để vật nuôi sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.

Ông Bàn Hữu Vượng và vợ chăm sóc cho trâu. Ảnh: Quang Linh.

Ông Bàn Hữu Vượng và vợ chăm sóc cho trâu. Ảnh: Quang Linh.

Sinh kế phù hợp với khả năng lao động của hộ nghèo

Ông Bàn Hữu Vượng, dân tộc Dao, trú tại xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) là một trong các hộ nghèo được hỗ trợ trâu cái giống theo Dự án “Hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phú Lương năm 2024”.

Từ nhỏ, ông Vượng đã bị đục thủy tinh thể, kèm nhiều bệnh lý về mắt nên thị lực rất kém và chỉ làm được công việc ở những nơi đã thuộc địa hình. Hàng ngày, ông Vượng cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hoan trồng cỏ voi và chăn trâu.

“Sức khỏe của tôi và vợ vốn không tốt, nên khó làm được các công việc nặng nhọc. Nay được nhà nước hỗ trợ con trâu cái, thức ăn, kỹ thuật trồng cỏ voi, gia đình tôi cũng yên tâm hơn về thu nhập trong thời gian tới”, ông Vượng cho hay.

Ông Vượng cùng vợ hy vọng, sang năm trâu sinh trưởng tốt để gia đình có nguồn thu, từ đó trả khoản nợ 60 triệu đồng vay ngân hàng từ nhiều năm nay.

Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão lũ và mùa đông cận kề, gia đình ông Vượng mong muốn được chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn hỗ trợ thuốc thú y và kỹ thuật phòng chống dịch bệnh trên trâu.

Chuồng nuôi nhốt đều có tảng đá liếm để bổ sung muối và các chất dinh dưỡng cho trâu. Ảnh: Quang Linh.

Chuồng nuôi nhốt đều có tảng đá liếm để bổ sung muối và các chất dinh dưỡng cho trâu. Ảnh: Quang Linh.

Đảm bảo an toàn dịch bệnh khi hỗ trợ trâu

Động Đạt là xã phía Bắc của huyện Phú Lương, có 2.324 hộ và 9.700 nhân khẩu, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng vẫn còn cao so với mặt bằng chung trong huyện, với 63 hộ nghèo (chiếm 2,71%); 59 hộ cận nghèo (chiếm 2,54%).

Xã Động Đạt được chuyển giao hỗ trợ 20 con trâu cái giống nuôi sinh sản cho 10 hộ nông dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt kết hợp chăn thả có quản lý. 

Theo ông Nguyễn Huy Hà, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương, để công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi đạt hiệu quả cao và hỗ trợ người dân tại huyện Phú Lương, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ tăng cường công tác tiêm phòng.

Trong đó, tổ chức các đợt tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi nhằm phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm phổ biến, đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng đạt mức tối thiểu theo quy định để tránh bùng phát dịch bệnh.

Xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi sức khỏe vật nuôi tại các trang trại, hộ chăn nuôi và cộng đồng. Nhân viên thú y cần thường xuyên thăm nông hộ để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp vật nuôi bị nhiễm bệnh.

Tổ chức các buổi tập huấn và tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi. Hướng dẫn người dân về việc giữ vệ sinh chuồng trại, cách chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi, đồng thời cung cấp thông tin về các bệnh dịch nguy hiểm.

Hỗ trợ người dân nâng cấp chuồng trại theo các tiêu chuẩn an toàn sinh học, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua việc kiểm soát môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải đúng quy định.

“Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan thú y và các tổ chức có liên quan để tạo nên mạng lưới kiểm soát dịch bệnh đồng bộ và hiệu quả. Qua đó, tăng cường hiệu quả phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho vật nuôi và ổn định kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện Phú Lương”, ông Nguyễn Huy Hà nhấn mạnh.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi phong tục tập quán sản xuất, chăn nuôi lạc hậu, kém hiệu quả chuyển sang phương thức chăn nuôi tiến bộ, hiệu quả hơn. Từng bước nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Về phía các hộ hộ tham gia dự án phải cam kết chăm sóc, nuôi dưỡng trâu giống theo đúng hướng dẫn kỹ thuật đã được tập huấn, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin định kỳ theo quy định của cơ quan chuyên môn.

Trong trường hợp trâu ốm, sốt, bỏ ăn, chết không rõ nguyên nhân, phải báo cáo kịp thời cho trưởng xóm, UBND xã hoặc cơ quan thú y gần nhất để kịp thời xử lý. Trong thời gian thực hiện dự án (36 tháng) hộ gia đình tự ý bán, cho, tặng hoặc giết mổ, chủ hộ chăn nuôi chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Xem thêm
Chăn nuôi Vĩnh Phúc gặp khó ló khôn: [Bài 4] Không gì bằng nuôi bò sữa

VĨNH PHÚC Dù phải đối mặt sức ép giá thức ăn tăng cao, lão nông 73 tuổi ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vẫn bình thản: 'Không gì bằng nuôi bò sữa'.

Ớt Bình Định bớt thấp thỏm: Canh tác hướng hữu cơ để xuất khẩu

Để ớt Bình Định rộng đầu ra, theo các nhà tiêu thụ, quy trình canh tác ớt phải đi theo hướng hữu cơ, để sau khi chế biến có thể tham gia xuất khẩu.

Siết quản lý chất lượng giống để tái canh cây có múi

Cây giống sạch bệnh bước ra từ nhà lưới chỉ là khâu đầu tiên trong một chuỗi quy trình gồm nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả sản xuất cây có múi.

Bình luận mới nhất