| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống nắng nóng cho thủy sản ở Nam Trung bộ, mưa lũ ở Tây Nguyên

Thứ Năm 20/07/2023 , 17:03 (GMT+7)

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III khuyến cáo biện pháp nhằm hạn chế tác động xấu do biến động thời tiết trong nuôi trồng thủy sản ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III vừa có văn bản gửi Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT); Sở NN-PTNT các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum cảnh báo nắng nóng khu vực Nam Trung bộ và mưa lũ khu vực Tây Nguyên trong nuôi trồng thủy sản năm 2023.

Theo văn bản, kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2023 các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên cho thấy, nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ và sản xuất giống với 7/14 thông số quan trắc định kỳ có giá trị nằm ngoài giới hạn cho phép, gồm độ mặn, độ kiềm, ammonia, COD, phosphate, Vibrio spp., coliforms.

Diễn biến thời tiết thời gian tới dự báo phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động nuôi thủy sản ở các tỉnh Nam Trung bộ.

Diễn biến thời tiết thời gian tới dự báo phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động nuôi thủy sản ở các tỉnh Nam Trung bộ.

Ngoài ra, kết quả quan trắc tôm thẻ chân trắng giám sát ở Bình Định có mẫu dương tính với tác nhân gây còi (EHP), chiếm tỷ lệ 18,2%; nước vùng nuôi tôm hùm lồng với 50% thông số có giá trị nằm ngoài giới hạn cho phép gồm nhiệt độ, DO, ammonia, COD, Vibrio spp., coliforms; nước cấp vùng nuôi cá nước lạnh với 25% thông số quan trắc định kỳ có giá trị nằm ngoài giới hạn cho phép gồm nhiệt độ, pH, ammonia và phát hiện ký sinh trùng Gyrodactylus sp. (sán lá đơn chủ) trên da và mang cá hồi giám sát tạu Klong Klanh (Lạc Dương, Lâm Đồng).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng dự báo sẽ tiếp tục xảy ra tại khu vực Trung Trung bộ từ tháng 7 - 8/2023 với số ngày nắng nóng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Riêng khu vực Tây Nguyên, từ tháng 7 - 9/2023 bước vào cao điểm mùa mưa, thời lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, dự báo tháng 8/2023 thời lượng mưa cao hơn khoảng 5 - 20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Cần nâng cao sức đề kháng cá nuôi vào mùa nắng nóng. Ảnh: Huy Hùng.

Cần nâng cao sức đề kháng cá nuôi vào mùa nắng nóng. Ảnh: Huy Hùng.

Cũng theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7 - 9/2023, trên khu vực biển Đông có khoảng 6 - 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2 - 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Dự báo diễn biến thời tiết thời gian tới tiếp tục phức tạp, đặc biệt là giai đoạn khu vực Nam Trung bộ chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, thời tiết có sự chuyển biến, thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, làm biến động một số yếu tố môi trường nước như nhiệt độ, pH, độ mặn giảm, các muối dinh dưỡng hòa tan (amoni, photphate…), TSS, độ trong tăng trong nước cấp, nước vùng nuôi tôm hùm. Đây là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh trên tôm nuôi phát triển, nhất là bệnh EHP, WSSV, AHPND và bệnh phấn trắng trên tôm nuôi nước lợ; bệnh sữa, đen mang và ngọt hóa cục bộ vùng tôm hùm nuôi lồng; ký sinh trùng, xuất huyết, lở loét trên các nước lạnh.

Để hạn chế tác động xấu do biến động thời tiết, theo đề nghị của Cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đưa ra cảnh báo và đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Thống kê cho thấy, nhiệt độ trung bình tại các điểm quan trắc nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ khu vực Nam Trung bộ 6 tháng đầu năm 2023 là 29,6 độ C, cao hơn 1,3 độ C so với nhiệt độ trung bình cùng kỳ năm 2022 (28,3 độ C) và nước vùng nuôi tôm hùm là 29,1 độ C, cao hơn 0,8 độ C so với cùng kỳ (28,3 độ C).

Biện pháp giảm tác động của nắng nóng vùng nuôi các tỉnh Nam Trung bộ

- Đối với tôm nuôi nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng): Người nuôi cần nâng cao độ sâu mực nước ao nuôi (>1,4m), chuẩn bị đầy đủ bình oxy, máy sục khí, vôi, lưới lan, tăng cường quạt nước nhằm ổn định nhiệt độ nước ao nuôi, tránh việc thay đổi yếu tố nhiệt độ, mật độ tảo đột ngột làm ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nuôi. Nên cấp nước khi trời mát (nước đã qua xử lý ở ao lắng), bổ sung thêm khoáng vào nước ao nuôi tránh hiện tượng thiếu khoáng chất.

Cần theo dõi sát hoạt động bất thường của tôm nuôi (ăn giảm, tấp mé, ngoi lên mặt nước…) để có biện pháp xử lý kịp thời khi nắng nóng. 

Cần theo dõi sát hoạt động bất thường của tôm nuôi (ăn giảm, tấp mé, ngoi lên mặt nước…) để có biện pháp xử lý kịp thời khi nắng nóng. 

Thời tiết ở khu vực nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, vì vậy cần giám sát các chỉ tiêu môi trường cơ bản ở ao nuôi (nhiệt độ, pH, màu tảo…), hoạt động bất thường của tôm nuôi (ăn giảm, tấp mé, ngoi lên mặt nước…) để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trời nắng nóng kéo dài làm sức ăn của tôm giảm, do đó người nuôi cần hết sức lưu ý liều lượng thức ăn cho tôm. Nên cho ăn khoảng 70 - 80% lượng thức ăn thường ngày, cho ăn lúc sáng sớm hoặc lúc chiều mát, thức ăn đạt chất lượng. Tăng cường siphon sau những lần tôm ăn xong (đối với ao lót bạt).

Lắp đặt máy quạt nước đúng vị trí để tập trung được các chất thải lại khi vận hành. Tăng thời gian quạt nước, nhất là vào lúc 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau để tăng oxy hòa tan, đặc biệt là oxy tầng đáy, tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu phí phát triển, làm giảm lượng khí độc trong ao.

- Đối với tôm hùm nuôi lồng: Chuẩn bị bình oxy, máy sục khí dự phòng khi tôm hùm nuôi bị ngợp do oxy thấp cục bộ; che mát lồng/bè bằng lưới lan 2 lớp, màu đen.

Thực hiện các biện pháp tăng cường lưu thông nước như san thưa mật độ tôm nuôi, vệ sinh lưới lồng, sinh vật bám, thu gom rác thải.

Lưu ý đến hiện tượng màu nước thay đổi bất thường, sự phân tầng nhiệt độ nước, dòng chảy ở khu vực nuôi để kịp thời có các biện pháp điều chỉnh phù hợp (tăng/giảm độ sâu lồng nuôi, giảm lượng cho ăn…).

Người nuôi tôm hùm lồng cần tuân thủ kế hoạch thả nuôi và hướng dẫn sản xuất của cơ quan chức năng tại địa phương.

Người nuôi tôm hùm lồng cần tuân thủ kế hoạch thả nuôi và hướng dẫn sản xuất của cơ quan chức năng tại địa phương.

Giảm lượng thức ăn đưa vào lồng từ 20 - 30% so với bình thường khi thời tiết có nắng nóng kèo dài. Khi trời oi, ít gió, cần cung cấp oxy hòa tan kịp thời, tránh hiện tượng thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi.

Chọn loại thức ăn còn tươi, khử trùng thức ăn (bằng thuốc tím, liều lượng 1g/100 lít nước), ngâm thức ăn tươi trong thuốc tím khoảng 15 phút trước khi cho tôm ăn), kết hợp bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm giúp nâng cao sức đề kháng đàn tôm nuôi.

Chủ động phòng bệnh cho tôm đối với một số bệnh phát triển mạnh trong mùa nắng nóng như bệnh sữa, bệnh đỏ thân… trên tôm hùm nuôi.

Người nuôi cần tuân thủ kế hoạch thả nuôi và các hướng dẫn sản xuất của các cơ quan chức năng tại địa phương.

Biện pháp giảm tác động của mưa lũ ở vùng nuôi các tỉnh Tây Nguyên

Sử dụng lưới có mắt lưới phù hợp để chắn các loại rác (vỏ, lá cây, bao bì ni lông…) ở đầu nguồn. Cần cho nước chảy qua bể lọc thô (cát thô, cát tinh…) nhằm hạn chế hàm lượng TSS, COD cao trong ao/bể nuôi.

Sử dụng các loại vôi CaCO3/Dolomite đưa xuống ao/bể nuôi, liều lượng 30 - 50kg/1.000m3 để giảm độ sục, TSS và tăng pH nước ao. Tăng cường kiểm soát thức ăn, chế độ cho ăn, bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm giúp nâng cáo sức đề kháng cá nuôi.

Chủ động phòng các bệnh trên cá khi khu vực vào cao điểm mùa mưa; chủ động phòng chống sạt ở đất ở những nơi có ao/bể nuôi gần sườn đồi, chân núi.

Cơ quan có thẩm quyền ở địa phương phổ biến bản tin cảnh báo nắng nóng và mưa lũ đến với cộng đồng người nuôi trồng thủy sản địa phương.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.