| Hotline: 0983.970.780

Phòng khả năng không mua nổi lương thực từ bên ngoài, Trung Quốc tăng đất nông nghiệp

Thứ Sáu 18/08/2023 , 12:23 (GMT+7)

'Lãnh đạo cấp cao không hài lòng về việc sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích khác', một quan chức Thành Đô nói. 'Khả năng tự cung tự cấp lương thực là ưu tiên hàng đầu'.

Tại thành phố Thành Đô, phía tây Trung Quốc, nhà hàng lẩu nổi tiếng Star Shining in the Clouds đã đóng cửa. Đây là một trong rất nhiều cơ sở kinh doanh đã phải ngừng hoạt động vì nỗ lực tăng diện tích đất canh tác của chính phủ nước này.

Chính quyền địa phương đã thu hồi hơn 6.700ha đất chỉ tính riêng tại Thành Đô, đóng cửa nhiều công ty, như một phần của nỗ lực quyết liệt trên toàn quốc để mở rộng diện tích trồng ngô và đậu tương nhằm tăng cường an ninh lương thực.

Kế hoạch này vẫn chưa thể khiến sản lượng gia tăng đáng kể nhưng đã gây ảnh hưởng nặng nề tới những doanh nghiệp như Star Shining in the Clouds, mở cửa chỉ hai năm trước khi đóng cửa hồi tháng 4. “Chúng tôi sẽ không mở nhà hàng nếu biết nó sẽ bị phá bỏ nhanh như vậy,” một cựu quản lý tại đây cho biết.

Trên khắp đất nước, nhà chức trách đã thu hồi hơn 170.000ha kể từ năm 2021 khi Bắc Kinh đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu, trong bối cảnh chính phủ lo ngại về cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ có thể phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong một bài phát biểu vào năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay chính quyền phải thực hiện “các biện pháp cứng rắn” để duy trì 120 triệu ha đất canh tác trên cả nước, mức mà chính phủ cho là cần thiết để đảm bảo tự cung tự cấp.

“Trung Quốc phải có khả năng tự nuôi sống người dân của mình”, ông nói. “Chúng ta sẽ bị người khác kiểm soát nếu không thể giữ bát cơm của mình”.

Quá trình đô thị hóa và bùng nổ sản xuất đã góp phần khiến Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực trong những thập kỷ qua. Dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 3/4 lượng đậu nành Trung Quốc tiêu thụ đến từ Mỹ và Brazil. Trung Quốc cũng nhập khẩu 7% lượng ngô trong năm ngoái, tăng so với mức dưới 1% một thập kỷ trước.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, “Trung Quốc đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là không thể mua bất kỳ loại thực phẩm nào từ nước ngoài”, Yu Xiaohua, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Gttingen, Đức, nhận xét. “Chính quyền đặt niềm tin vào nỗ lực khai hoang nhằm cải thiện khả năng tự cung cấp lương thực của đất nước”.

Nhưng những gì đang diễn ra tại Thành Đô là minh chứng cho thấy khó khăn mà chính quyền các địa phương Trung Quốc vấp phải trong tham vọng tạo ra những cánh đồng ngũ cốc ở ngoại ô các thành phố lớn, giới phân tích đánh giá.

“Thật khó để khiến đất khai hoang cho năng suất trở lại trong thời gian ngắn vì bạn không thể chỉ gieo hạt đậu nành trên cánh đồng rồi bỏ đi”, Darin Friedrichs, giám đốc nghiên cứu thị trường của Sitonia Consulting, công ty tư vấn nông nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải, giải thích. “Bạn cần người cung cấp hạt giống, phân bón và thiết bị ở khoảng cách không quá xa và khi thu hoạch, bạn cần có thương nhân trong khu vực sẵn sàng mua hoặc tích trữ chúng”.

Điều trớ trêu trong trường hợp của Thành Đô là vào năm 2017, thành phố này đã chuyển đổi đất nông nghiệp thành công viên, trong một dự án trị giá 4,7 tỷ USD, giúp tạo ra một điểm du lịch nổi tiếng thu hút các cơ sở kinh doanh như Star Shining.

“Giới lãnh đạo cấp cao không hài lòng về việc sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích khác”, một quan chức Thành Đô nói. “Khả năng tự cung tự cấp lương thực là ưu tiên hàng đầu”.

Những người thuê đã ký hợp đồng nhiều năm với chính quyền địa phương để có thể sử dụng đất nông thôn vào mục đích thương mại đã bị thu hồi hợp đồng. “Chúng tôi đang sửa sai lầm mà chúng tôi mắc phải trước đây”, quan chức khác tại Thành Đô cho hay.

(Theo Financial Times)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất