Trong khi hàng trăm hộ trồng hoa ở Đà Nẵng đầu tư khá nhiều kinh phí đúc chậu to, chậu nhỏ, trồng cúc vàng, cúc trắng, ly ly, đồng tiền… bán vào dịp Tết thì anh Nguyễn Xuân Hùng ở tổ 4, thôn Dương Sơn, xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang lặng lẽ làm nhà lưới bằng khung thép, phủ kín khu vườn rộng 200 m2 trồng phong lan Monkara, có xuất xứ từ Thái Lan.
Sau 18 tháng kể từ ngày đưa giống về, khu vườn phong lan đơm bông rất đẹp, đủ màu sắc. Đều đều mỗi tuần vài ba lượt, anh Hùng chọn những bông đã bung cánh, cắt, gói ghém cẩn thận giao cho các shop hoa ở phố.
Anh Hùng chăm sóc lan Monkara
Đã từng chiêm ngưỡng sự đài các của nhiều loài phong lan, song ai trong chúng tôi như bị thôi miên trước vẻ đẹp kiêu sa và quyến rũ của loài Monkara taị vườn nhà anh Hùng. 2.000 cây trồng có hàng có lối trên nền vỏ đậu phụng, cây nào cây nấy xanh ngắt, vươn những chiếc lá như lưỡi kiếm, trong đó không ít cây đã trổ những bông màu vàng chanh, tím nhạt... “Loài phong lan này trổ bông quanh năm. Khi bông đã bung cánh là cắt bán. Bông có thể chưng hơn 1 tháng mới thay”, anh Hùng cho biết.
Theo anh, thực ra mấy năm trước anh đâu dám nghĩ đến nghề lạ hoắc này. Công cuộc xây dựng nông thôn mới như làn gió lành tràn về làng quê, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi nhà. Bởi, nếu chỉ bám mấy sào ruộng, đủ ăn đã khó nói chi làm giàu. Đang lúc bế tắc hướng phát triển kinh tế, anh sực nhớ đến người bạn có trang trại trồng phong lan ở huyện Củ Chi, TPHCM.
Sắp xếp công việc, anh xách túi làm chuyến hành trình về phương Nam. Khi tận mắt chứng kiến kiểu làm ăn của người bạn, anh nhận thấy, loài cây này mới là cơ hội để làm giàu. Được ông bạn cổ vũ, giúp đỡ, anh lưu lại đó ít ngày học hỏi kinh nghiệm trồng phong lan cắt cành.
Về lại Đà Nẵng, dồn hết vốn liếng, vay mượn người thân, bạn bè được 400 triệu, anh đầu tư dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới bằng vòi phun xoay. Xong xuôi đâu đó, vào lại Củ chi mua cây giống. Mỗi cây đưa về đến vườn trị giá 150.000 đồng.
Thế rồi, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Đến nay có thể lạc quan nói rằng, hướng đi này phù hợp với xu thế phát triển nền nông nghiệp đô thị. Phong lan Monkara hợp khí hậu thổ nhưỡng Đà Nẵng, bông rất đẹp. Mỗi cây thường trổ 2 - 3 bông/lượt. Cắt đi rồi, khoảng 1 tháng sau đã thấy nhú lên bông khác. Đợt đầu tiên thu 20 triệu đồng. Vụ hoa tết vừa qua, hơn 1.500 cây trổ được đưa ra thị trường.
“Hồi mới đưa về cứ nghĩ, loài phong lan có nguồn gốc từ Thái Lan này trồng để đơm bông không đơn giản. Thế nhưng, trồng rồi mới hay, làm giàu từ loài hoa này không khó. Điều quan trọng nhất là tưới đều và chủ động phòng ngừa các loại nấm gây hại. Từ kinh nghiệm của người bạn, 18 tháng qua, tôi duy trì đều đặn việc phun thuốc trừ nấm mỗi tháng 2 lần", anh Hùng chia sẻ.
Hỏi về khâu tiêu thụ, nở nụ cười tươi, anh cho biết, không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng. Loại phong lan cắt cành này, nhiều người ưa chuộng, shop nào cũng đặt mua. Tới đây sẽ mở rộng quy mô, phát triển lên 5.000 cây.
Vô vàn cách làm giàu tại các làng quê, song cách làm giàu của anh Nguyễn Xuân Hùng rất đáng nhân rộng. Bởi, hoạt động này không chiếm ít diện tích đất, vừa làm giàu, vừa làm đẹp cho đời. Tính ra, trên phạm vi 200 m2 trồng phong lan Monkara, khi cả 2.000 cây cho thu hoạch, mỗi năm, anh Hùng có trong tay ngót nửa tỷ đồng. Quả là nguồn thu lý tưởng ở vùng thuần nông.