| Hotline: 0983.970.780

Phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm hồ tiêu

Thứ Ba 30/12/2014 , 10:14 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh vừa chủ trì hội nghị thúc đẩy công tác nghiên cứu và triển khai các mô hình phòng trừ bệnh chết nhanh, chết châm trên cây hồ tiêu.

Hội nghị có sự tham gia của ngành nông nghiệp 6 tỉnh: Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước và Đồng Nai. 

Những năm qua, cùng với việc mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh, tăng năng suất, dịch hại trên hồ tiêu cũng ngày trở nên nghiêm trọng, bệnh chết nhanh, bệnh vàng lá chết chậm diễn ra khá phổ biến.

Đăk Lăk có khoảng 15.473 ha hồ tiêu, trong đó bệnh vàng lá chết chậm chiếm 915,4 ha, bệnh vàng lá chết nhanh chiếm 703,58 ha chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, Ea H’leo, Cư Kuin, Buôn Đôn…

Tại Gia Lai, tình trạng hồ tiêu bị chết nhanh, chết chậm cũng khá phổ biến với 380.827 trụ tiêu bị bệnh chết nhanh, 9.215,6 ha bị bệnh chết chậm ở Chư Prong, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Sê… Bình Phước có 295 ha bị bệnh chết nhanh, 121 ha bị bệnh chết chậm...

Chỉ ra nguyên nhân tình trạng hồ tiêu mắc bệnh chết nhanh, chết chậm, ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Gia Lai cho biết: Bệnh xuất hiện và gây hại từ tháng 6,7 đến tháng 8,9 thì phát sinh mạnh. Bệnh bộc phát làm cây tiêu vàng rụng lá và chết hàng loạt trong thời gian ngắn vào thời điểm chuyển tiếp mùa mưa sang mùa khô… Bệnh gây hại nặng trên vùng đất thoát nước kém, đất dí chặt, thiết kế bồn không thoát nước trong mùa mưa, các vườn tiêu chăm sóc kém không đảm bảo quy trình kỹ thuật, lạm dụng việc bón phân hóa học…

"Vấn đề quan trọng là biện pháp chuyển tải thông tin về phương pháp phòng trừ các loại bệnh gây hại trên cây hồ tiêu phải đến tận hộ dân để họ thực hiện theo đúng hướng dẫn. Ngoài ra cần tiến hành rà soát lại quy hoạch, kìm chế việc phá vỡ quy hoạch trên cơ sở tính toán về mặt kinh tế dài hạn…", ông Doanh chỉ đạo.

Tham gia thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh chết nhanh hồ tiêu là do nấm phytophthora gây ra, trong đó phytophthora tropicalis là loài có vai trò gây hại quan trọng nhất, chúng gây hại trong đất, khó phòng trừ, sức phát triển và gây hại của nấm này thay đổi theo từng vùng sinh thái và phụ thuộc vào độ ẩm của đất… Bệnh chết chậm do nhiều tác nhân gây hại gây ra gồm tuyến trùng Meloidogyne incognita, rệp sáp hại rễ và một số nấm đất như Fusarium, Pythium…

Từ thực tế trên, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra quy trình kỹ thuật (tạm thời) phòng chống bệnh chết nhanh, hội chứng vàng lá chết chậm và tuyến trùng hại hồ tiêu. Trong đó các biện pháp phòng chống bệnh này như sử dụng giống chống chịu và cây giống sạch bệnh; các biện pháp canh tác như chọn đất, phơi đất, đào hố thoát nước, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng xen canh cây họ đậu, phủ các loại rơm rạ, vỏ trấu vào mùa khô, bón phân hữu cơ... Biện pháp kiểm dịch không mang đất, cây giống ở khu vực nhiễm bệnh vào khu vực chưa nhiễm bệnh; sử dụng chế phẩm BVTV…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Hiện nay, hồ tiêu là cây công nghiệp xuất khẩu chủ lực của nước ta, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Do vậy các địa phương trồng hồ tiêu cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ với những biện pháp quyết liệt về các yếu tố kỹ thuật, trước mắt ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh gây hại đối với những vùng tiêu hiện đang phát triển tốt.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.