| Hotline: 0983.970.780

Chuyện lạ lùng ở Học viện Múa Việt Nam

Phụ huynh uất ức vì học sinh muốn tốt nghiệp nhưng trường không tổ chức dạy

Thứ Tư 03/01/2024 , 11:01 (GMT+7)

Học viện Múa Việt Nam không tổ chức lớp văn hóa để học sinh có đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT, phụ huynh bức xúc gửi đơn tố cáo lãnh đạo Học viện.

Đơn kêu cứu, Đơn tố cáo lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vì lãnh đạo đơn vị này vô cảm, không thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, phương án giải quyết của liên Bộ Giáo dục & Đào tạo, Văn hóa - Thể thao & Du lịch, khiến học sinh dù hoàn thành khóa học nhưng không được nhận bằng, mà tập thể phụ huynh kiến nghị vào cuối năm 2023.

Lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam 'vô cảm'

Sự việc kéo dài nhiều năm, đến thời điểm cuối năm 2023, các em đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên ngành của Học viện Múa Việt Nam nhưng vẫn không được cấp bằng vì chưa hoàn thành chương trình văn hóa THPT.

Lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam làm việc với đại diện phụ huynh học viên ngày 7/11/2023. Ảnh: Báo Văn Hóa.

Lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam làm việc với đại diện phụ huynh học viên ngày 7/11/2023. Ảnh: Báo Văn Hóa.

Điều đáng nói, những tồn tại do phía Học viện Múa Việt Nam “sơ suất” đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đề xuất phương án giải quyết và được Bộ Giáo dục & Đào tạo chấp thuận cho các học viên được học bổ sung kiến thức văn hóa còn thiếu để tiến hành thi và được nhận bằng tốt nghiệp THPT theo quy định.

Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, lãnh đạo Học viện vẫn không thực hiên các phương án này. Hàng chục đơn kiến nghị của phụ huynh đã gửi tới lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam nhưng nhận lại chỉ là những lời hứa.

Ông Đỗ Anh Tuấn (phụ huynh học viên lớp Nữ kịch múa K1/5 Học viện Múa Việt Nam) bức xúc: Con gái anh theo học chuyên ngành nữ kịch múa từ năm 2016. 7 năm qua, cả gia đình, con cái phải nỗ lực thực hiện theo thời khóa biểu của nhà trường: “5h30 con tôi và các cháu rời khỏi nhà để kịp bắt xe buýt hoặc tự đi xe đạp, bố mẹ chở để kịp 7h kém 15 vào lớp học; đến 9 - 10h đêm mới về đến nhà.... Mùa hè mùa đông, ngày mưa ngày nắng như nhau. Đến khi hoàn thành chương trình đào tạo chuyên ngành lại không có bằng tốt nghiệp THPT. Mà các cháu đi học từ lớp 6, lớp 7 lúc còn là trẻ con. Nhiều ông bố, bà mẹ khóc với nhau từ năm 2020 - 2021 rồi. Có những lúc phụ huynh - nhà trường căng thẳng vì quá bức xúc. Cho tới khi có phương án được Bộ Giáo dục & Đào tạo chấp thuận cho các cháu được học bổ sung chương trình văn hóa còn thiếu thì nhà trường lại không tổ chức sớm. Mọi việc càng thêm lỡ dở”, anh Tuấn bức xúc.

Ông Tuấn cho biết, hầu hết các học sinh, học viên theo học tại Học viện Múa giai đoạn này đều hoàn thành chương trình học chuyên ngành và tốt nghiệp vào tháng 6/2023. Nếu được học đủ chương trình văn hóa theo quy định (gồm 445 tiết còn thiếu từ 1/12 đến hết tháng 05/2024, các cháu sẽ kịp thi tốt nghiệp vào đầu tháng 6/2024 theo chương trình cũ. Quá thời điểm trên, khi theo chương trình đào tạo mới có hiệu lực, các cháu phải học lại từ đầu (từ tháng 9/2024) và đến 8/2027 mới có bằng tốt nghiệp THPT.

Phương án đã có, vì sao không thực hiện?

Đó cũng là câu hỏi không có lời đáp mà các phụ huynh đã rất nhiều lần đề nghị lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam thực hiện, rất nhiều đơn thư, kiến nghị đã được gửi… nhưng tới nay vẫn chưa được nhà trường triển khai.

Hàng trăm học viên Học viện Múa Việt Nam tốt nghiệp mà không có bằng THPT để đủ điều kiện cấp bằng. Ảnh: K.Trung.

Hàng trăm học viên Học viện Múa Việt Nam tốt nghiệp mà không có bằng THPT để đủ điều kiện cấp bằng. Ảnh: K.Trung.

Dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo, từ các năm 2021 – 2022, học sinh – sinh viên Học viện Múa Việt Nam đã được các cơ quan có liên quan chấp thuận phương án học bổ sung chương trình văn hóa còn thiếu để được thi và cấp bằng THCS, THPT.

Việc thi, cấp bằng Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông tại Học viện Múa Việt Nam theo phương án như sau:

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo tại Văn bản số 1381/BGDĐT-GDTX ngày 08/04/2021, ngày 21/06/2021, Trung tâm Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp _ Giáo dục Thường Xuyên quận Cầu Giấy và Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức rà soát, lập hồ sơ xác định số lượng môn học – tiết học trong chương trình văn hóa trung học phổ thông còn thiếu, phải học bổ sung của học sinh các Lớp K1/5 Nữ kịch múa (tốt nghiệp tháng 06/2023), Khóa K1/46 (tốt nghiệp tháng 06/2023), Lớp K3 (Tốt nghiệp năm 2021, K4 (Tốt nghiệp năm 2022)... với tổng số hàng trăm học sinh, là 439 tiết của 05/7 môn học mà trước đó các môn này đã được Học viện Múa Việt Nam tổ chức dạy học (gồm các môn: Ngữ văn thiếu 04 tiết, Toán thiếu 103 tiết, Vật lý thiếu 102 tiết, Sinh học thiếu 38 tiết, Hóa học thiếu 192 tiết).

Cũng trong năm 2021 – 2022, Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức phổ biến cho học sinh đăng ký học bổ sung kiến thức chương trình văn hóa trung học phổ thông (đợt 1). Đến ngày 28/02/2023, Học viện Múa Việt Nam lại tiếp tục có Thông báo số 41/TB-HVM về việc đăng ký học bổ sung kiến thức chương trình văn hóa trung học phổ thông (đợt 2) và các học sinh của Học viện Múa Việt Nam đã hoàn thiện xong thủ tục đăng ký học bổ sung theo nội dung yêu cầu của Học viện Múa Việt Nam.

Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà đến nay (tháng 11/2023), mặc dù đã tốt nghiệp xong chương trình đào tạo múa và giáo dục văn hóa phổ thông tại Học viện Múa Việt Nam và đã lấy Bằng tốt nghiệp Trung cấp (đối với Lớp K1/5 Nữ kịch múa, các Lớp Khóa K1/46), Bằng tốt nghiệp Cao đẳng (đối với các Lớp K3, K4...) và được cấp “Giấy chứng nhận hoàn thành kiến thức văn hóa phổ thông” do Giám đốc Học viện Múa Việt Nam ký lưu hành, nhưng đến nay (tháng 10/2023), các học sinh – sinh viên của Học viện Múa Việt Nam, trong đó có học sinh – sinh viên các khóa trên vẫn chưa được tổ chức học bổ sung kiến thức chương trình văn hóa trung học phổ thông và được thi, cấp Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông (hoặc cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019).

“Hết năm học 2023 - 2024, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ áp dụng việc thôi không dạy chương trình văn hóa Trung học phổ thông hiện nay trên toàn quốc (ở cả hai khối giáo dục phổ thông và giáo dục bổ túc văn hóa) để chuyển sang chương trình mới.

Như vậy, đến hết tháng 5/2024, nếu con em chúng tôi chưa hoàn thành xong việc học bổ sung 439 tiết của 5/7 môn học còn thiếu thì mặc nhiên việc học bổ sung kiến thức nói trên không còn giá trị. Thậm chí, toàn bộ kết quả học tập kiến thức THPT của các cháu đã được Học viện Múa Việt Nam tổ chức dạy (theo chương trình giáo dục hiện hành từ năm 2020 – tháng 05/2023) cũng sẽ không còn phù hợp và không có giá trị sử dụng làm điều kiện để thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Điều này dẫn đến việc, nếu muốn có Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông thì bắt buộc các cháu phải học lại chương trình Trung học phổ thông từ đầu theo chương trình cải cách mới được áp dụng từ năm học 2024 – 2025 trở đi. Một hậu quả khác là các cháu sẽ lấy Bằng tốt nghiệp THPT sau khi đã tốt nghiệp Bằng tốt nghiệp Đại học (hiện có nhiều cháu đang theo học năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba tại Học viện Múa Việt Nam, Khoa Múa - Đại học Sân khấu – Điện ảnh)” – phụ huynh Đỗ Anh Tuấn cho hay.

Các phụ huynh cho biết, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, ông Trần Văn Hải nghỉ hưu theo chế độ vào cuối năm 2023. Cho rằng lãnh đạo Học viện trốn tránh trách nhiệm, thế hệ lãnh đạo kế cận sẽ tiếp tục thoái thác xử lý hậu quả tồn đọng từ nhiệm kỳ trước, ngày 25/10/2023, tập thể phụ huynh các học viên gửi Đơn tố cáo Giám đốc Học viện Múa Việt Nam về các hành vi vi phạm, gồm: Vi phạm Luật Tiếp công dân; Vi phạm Luật Khiếu nại; Vi phạm Quy chế làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vi phạm quy định Luật Khiếu nại do đã cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại và thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại tới Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất